Cụ thể hóa chủ đề "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” 2019 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, vấn đề phòng ngừa bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em gái là nội dung được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh lựa chọn ưu tiên tập trung triển khai trong thời gian tới.
Năm 2019, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh chọn nội dung phòng ngừa bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em gái để ưu tiên thực hiện. Ảnh: VINH ANH |
Ám ảnh bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn nạn của xã hội, nhưng hiện nay số vụ BLGĐ được phát hiện chỉ như “phần nổi của tảng băng chìm”. Sự cam chịu, không dám lên tiếng của người bị BLGĐ, nhất là phụ nữ, trẻ em, chính là nguyên nhân khiến vấn nạn này khó được giải quyết.
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ việc xảy ra tại xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) cách đây chưa lâu, khi người chồng cũ (đã ly hôn - PV) nhiều lần quay lại tìm chị N.T.N.H. (40 tuổi) để “gây sự”. Đỉnh điểm là vào ngày 3.1, khi đang ở nhà cha mẹ ruột, chị H. bị chồng cũ dùng dao hành hung khiến chị phải nhập viện cấp cứu. Theo lời nạn nhân chia sẻ, trước đó chị đã bị chồng cũ hành hạ, từng bị cắt mất một tai bên trái nhưng không báo với công an mà âm thầm chịu đựng. Chồng cũ chị H. được biết đến là người “nát” rượu, thường xuyên gây gổ, hành hạ vợ con.
Tại Quảng Nam, qua 10 năm thi hành Luật Phòng chống BLGĐ (2008 - 2018), toàn tỉnh đã xây dựng gần 100 mô hình, câu lạc bộ phòng chống BLGĐ; xây dựng, vận hành hơn 400 địa chỉ tin cậy hỗ trợ hơn 1.500 nạn nhân BLGĐ… Trong 10 năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 624 đơn trong các lĩnh vực, trong đó hơn 70% số đơn về hôn nhân - gia đình. Đại diện Hội LHPN tỉnh, huyện tham gia hơn 500 vụ việc tại Tòa án 2 cấp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hội viên phụ nữ với tư cách là Hội thẩm nhân dân; đồng thời ban hành 32 lượt văn bản kiến nghị, đề nghị cơ quan chức năng xử lý các vụ việc BLGĐ đối với phụ nữ... |
Bà Nguyễn Thị Dung - Trưởng ban Chính sách pháp luật Hội LHPN tỉnh cho biết, có đến 58% phụ nữ Việt Nam kết hôn từng bị ít nhất một trong 3 loại bạo lực (thể xác, tình dục và tinh thần) trong cuộc đời. Tại Quảng Nam, giai đoạn 2014 - 2017, toàn tỉnh có 907 vụ BLGĐ được phát hiện. Tòa án nhân dân 2 cấp hàng năm xét xử 300 - 400 vụ án hôn nhân - gia đình, trong đó ly hôn liên quan đến BLGĐ chiếm hơn 70%. Nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng có liên quan đến BLGĐ đã được khởi tố, xét xử. Bà Dung nói: “Tư tưởng định kiến giới, trọng nam - khinh nữ còn tồn tại, đồng nghĩa với tồn tại nhiều hình thức BLGĐ. Người phụ nữ vẫn là đối tượng yếu thế, cam chịu, nên nhiều nạn nhân bị bạo hành nghiêm trọng mới dám lên tiếng tố cáo. Mặt khác, BLGĐ vẫn là vấn đề nhạy cảm, do đó việc lên án, tố cáo hành vi BLGĐ, cũng như đề nghị chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, bảo vệ vẫn còn rào cản tự lập nên đối với nạn nhân bị BLGĐ”.
Chủ động vào cuộc
Phòng ngừa bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em là một trong những nội dung chính của "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em" 2019. Để triển khai có hiệu quả chủ đề công tác năm, bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh kêu gọi các cấp hội tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và cộng đồng về các vấn đề đặt ra đang tác động, ảnh hưởng đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Đồng thời củng cố, kiện toàn các mô hình hiện có tại địa phương với mục tiêu "mỗi cơ sở hội có ít nhất một mô hình hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em". Trong quá trình thực hiện chủ đề năm công tác, các cấp hội phải làm sao để phụ nữ và trẻ em có kiến thức, kỹ năng chủ động tự bảo vệ an toàn cho bản thân. Trong đó chú trọng phát huy vai trò của cán bộ, hội viên phụ nữ về tuyên truyền, vận động phụ nữ và người dân trên địa bàn phòng chống các hành vi xấu đối với phụ nữ và trẻ em.
Hội LHPN nhiều địa phương cũng tranh thủ lồng nghép phát động chủ đề "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 năm nay. Bà Đinh Thị Lệ - Chủ tịch Hội LHPN thị xã Điện Bàn cho biết, hội đã chỉ đạo các cơ sở hội tổ chức triển khai có hiệu quả chủ đề năm 2019, trong đó sẽ tập trung mạnh cho công tác phòng chống BLGĐ và xâm hại phụ nữ, trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng để phụ nữ và trẻ em gái biết bảo vệ bản thân và dũng cảm lên tiếng khi bị bạo lực và xâm hại. Tại Phú Ninh, Hội LHPN huyện tổ chức hội thi “Ý tưởng truyền thông an toàn cho phụ nữ và trẻ em” năm 2019. Bà Vũ Thị Thanh Loan - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Ninh cho biết, đây là cách làm để phát huy tính sáng tạo, chủ động của cán bộ hội cơ sở trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng ngừa các hành vi xấu đối với phụ nữ và trẻ em; chủ động tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em tại địa phương.
ANH ĐÔNG