(QNO) - Hơn 30 năm Nghị định thư Montreal ra đời nhằm cấm các hóa chất gây hại cho tầng ozone, các nhà khoa học thông báo tín hiệu đáng mừng.
Năm 1994, Đại hội đồng Liên hiệp quốc tuyên bố ngày 16.9 hằng năm là ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone, kỷ niệm ngày ký Nghị định thư Montreal tại Canada năm 1987.
Qua đó nhằm nâng cao sự nhận thức của cộng đồng thế giới về biến đổi khí hậu và sự suy giảm của tầng ozone. Tính đến năm 2015, đã có 197 quốc gia tham gia ký vào bản cam kết quốc tế đầu tiên về môi trường (Nghị định thư Montreal).
Tầng ozone được ví như chiếc áo khoác để bảo vệ trái đất. Ozone là ô xy hoạt tính mà mỗi phân tử chứa 3 nguyên tử ô xy - O3, được hình thành trong bình lưu khí quyển, tức tầng thứ hai của khí quyển.
Ozone có tác dụng lọc, ngăn chặn tia cực tím - một loại tia phá hỏng hệ thực vật, có thể gây bệnh ung thư da và bệnh đục thủy tinh thể ở con người, đe dọa sinh vật biển, tác động đến vật liệu…
Bảo vệ tốt tầng ozone đồng nghĩa với việc bảo vệ sức khỏe con người và hành tinh nói chung khỏe mạnh hơn, không chỉ cho các thế hệ tương lai mà còn thúc đẩy đáng kể các nỗ lực toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Đây cũng là trách nhiệm của từng quốc gia trên thế giới.
Nghị định thư Montreal bao gồm: từ ngày 1.1.2010, loại bỏ triệt để chất làm suy giảm tầng ozone nhóm CFC (clorofluorocarbon); từ năm 2010, tất cả các nước thành viên sẽ triển khai loại trừ các chất HCFC (hydrochlorofluorocarbon); vào năm 2030, các nước đang phát triển phải loại trừ hoàn toàn các chất HCFC.
Việt Nam tham gia phê chuẩn Nghị định thư Montreal vào tháng 1.1994. Từ đó đến nay, Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, cam kết trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal.
Nghị định thư Montreal nhằm loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone, chủ yếu được thải ra từ các sản phẩm làm mát như máy điều hòa, tủ lạnh và nhiều sản phẩm khác.
Theo một nghiên cứu được hoàn thành vào năm 2018 tựa đề "Đánh giá khoa học về sự suy giảm ozone", các nhà khoa học hàng đầu thế giới cho biết tầng ozone đang được phục hồi.
Cụ thể, tầng bình lưu khí quyển đang có xu hướng dần phục hồi với tốc độ 1 - 3% mỗi thập kỷ, kể từ năm 2000. Tầng ozone ở khu vực bắc bán cầu và tại các vùng thuộc vĩ độ trung bình (khu vực ôn đới) có thể hồi phục hoàn toàn vào năm 2030. Đến năm 2050, tầng ozone tại khu vực nam bán cầu tái sinh và đến năm 2060 sẽ là các vùng cực.
Nhận dịp này, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho biết, Nghị định thư Montreal vừa là một ví dụ truyền cảm hứng về cách chúng ta có khả năng hợp tác để giải quyết một thách thức toàn cầu, vừa là công cụ chính để giải quyết khủng hoảng khí hậu ngày nay.
Các quốc gia đã làm việc trong 32 năm để cắt giảm việc sử dụng các hóa chất làm suy giảm tầng ozone. Một tầng ozone và khí hậu lành mạnh là điều cần thiết để đáp ứng tất cả các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Tuần tới, thế giới sẽ tập trung tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ) cho hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu, nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu.