Chung tay cho vụ mùa bội thu

YÊN CHI - KHÁNH NGUYÊN 09/04/2023 07:50

Không chỉ hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào canh tác, nhiều tổ chức, đoàn thể còn sát cánh cùng đồng bào vùng cao vì mục tiêu nâng cao chất lượng sản xuất, hướng đến những vụ mùa bội thu giữa núi rừng...

Mùa lúa trong tình quân dân biên giới. Ảnh: N.C
Mùa lúa trong tình quân dân biên giới. Ảnh: N.C

Ghé thăm cánh đồng của xã A Nông (Tây Giang) vào mùa lúa đang xanh, chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ ở Đồn biên phòng A Nông kể về hành trình vận động người dân làm lúa nước.

Bởi trước đây, người dân địa phương chỉ quen trồng lúa rẫy, gieo lúa rồi phó mặc cho trời nên hiệu quả, năng suất canh tác không cao. Rẫy chỉ canh tác được một mùa, chuột, heo rừng cắn phá, lại thêm sâu bệnh hoành hành khiến nhiều vụ mùa thất bát. Canh tác lúa nước trở thành “lối ra” cho bài toán giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cao.

Trung tá Zơrâm Soái - Chính trị viên phó Đồn biên phòng A Nông nói, khởi đầu rất nhiều khó khăn. Bà con chưa quen làm lúa nước, lại rất kỵ chuyện bón phân cho cây lúa, vì “lúa là để dâng cho thần linh, sau đó mới đến mình. Bón phân cho lúa là làm dơ bẩn hạt gạo, không thể tế trời, không cúng được trong lễ mừng lúa mới”.

“Lúc đầu bà con có vẻ chưa tin lắm, nên chúng tôi làm trước. Bộ đội xuống cải tạo ruộng, chọn một khoảng đất gần con suối để đắp đập, be bờ, làm lúa nước. Chúng tôi như những người nông dân thực thụ, ngoài nhiệm vụ của đơn vị, tranh thủ thời gian cùng người dân đi cày ruộng, cấy lúa, bón phân.

Năm đó, lúa trúng mùa, năng suất rất cao. Bà con thấy bộ đội nói đúng, làm được, từ đó tin và làm theo. Bây giờ, A Nông trở thành một trong những địa phương trồng lúa nước khá tốt. Chúng tôi còn kết hợp với chính quyền địa phương đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, hướng dẫn bà con sử dụng máy cày, máy cắt lúa. Bà con trồng từ một vụ lên hai vụ, năng suất khá ổn định” - Trung tá Zơrâm Soái kể.

Chuyện sống cùng cây lúa ở vùng cao trở nên quen thuộc, nhất là trồng lúa nước. Màu xanh của các cánh đồng bậc thang phủ khắp các bản làng Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang..., điểm tô thêm màu sắc cho núi rừng. Cuộc “trường chinh” với cây lúa nước, đồng bào không đơn độc.

Chính quyền, bên cạnh việc tiếp sức, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật, còn kêu gọi các tổ chức chính trị - xã hội đồng hành giúp dân. Từ đoàn thanh niên cho đến các tổ chức hội phụ nữ, hội nông dân đều có nhiều cách làm hướng tới cơ sở, từng bước cải thiện trình độ canh tác, nâng cao năng suất cho người dân miền núi.

Nhiều năm trước, ông Nguyễn Anh Thanh (thôn 2, xã Trà Nam, Nam Trà My) vẫn loay hoay với bài toán thoát nghèo, khi cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy.

Chặt rẫy, phát rừng nhưng những hạt lúa, hạt bắp không mang lại vụ mùa bội thu như kỳ vọng nên ông Thanh bắt đầu nghe theo già làng, kiên trì làm ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Trồng lúa nước hai vụ, canh tác đúng theo quy trình, cải tạo hệ thống dẫn nước để tưới tiêu cho lúa, hơn 1,5ha lúa nước của gia đình ông Thanh bắt đầu cho năng suất cao.

Thành công ban đầu gieo niềm tin để ông tiếp tục nỗ lực sản xuất, có chi phí đầu tư chăn nuôi, dần dần, gia đình thoát nghèo, trở thành điển hình nông dân sản xuất giỏi trong xã.

“Nhờ sự vận động của già làng, chính quyền hỗ trợ, hướng dẫn, tôi mới có thể có được ngày hôm nay. Chỉ cần làm lúa đúng phương pháp, đúng kỹ thuật, đã cơ bản có thể giải quyết được cái đói, cái nghèo đeo bám” - ông Thanh chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung tay cho vụ mùa bội thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO