Từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, công tác xóa đói giảm nghèo ở Điện An được triển khai rộng rãi, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn phường giảm xuống còn 3,21%.
Xã Điện An tổ chức trao heo giống tạo sinh kế cho người nghèo. |
Động lực thoát nghèo
Về ở trong căn nhà đại đoàn kết đã được vài tháng, bà Nguyễn Thị Thu (khối phố Câu Nhi Đông) vẫn nghĩ như… mơ. Bao nhiêu năm, cuộc sống gia đình bà chưa một ngày hết khổ; đất đai canh tác ít ỏi, bà và vợ chồng anh con trai duy nhất chỉ trông vào chiếc ghe cũ ngày ngày bắt cá trên sông. Căn nhà mái tôn vách tre vốn đã xiêu vẹo lại ẩm thấp, nóng nực. “Khổ lắm, cả đời làm không đủ ăn, có bao giờ tôi mơ một ngôi nhà đàng hoàng như ri đâu” - bà Thu nói. May mắn trong một lần UBND phường tổ chức đối thoại với người nghèo, bà Thu tham dự với hy vọng xin một chiếc ghe lành lặn để đi đánh cá. Trước hoàn cảnh của gia đình bà, lãnh đạo phường quyết định ngoài 5 triệu đồng giúp bà đóng ghe mới còn vận động ủng hộ 30 triệu đồng để gia đình bà Thu xây dựng nhà đại đoàn kết. Từ khi có nhà mới, ghe mới, cuộc sống gia đình bà Thu đã thay đổi lớn, tinh thần lúc nào cũng phấn chấn, tay chân như khỏe ra. “Hồi trước ghe cũ thấm nước chỉ dám đánh bắt gần, bây giờ có ghe mới rồi đi xa hơn nên cá cũng nhiều hơn, so với trước bây giờ cuộc sống tôi đỡ lắm” - bà Thu mãn nguyện. Mỗi sáng, hai mẹ con lại chèo thuyền ra sông buông câu thả lưới đến 3 giờ chiều thì quay về để cô con dâu mang ra chợ bán, bình quân một ngày kiếm khoảng 100 nghìn đồng. Đến đầu năm nay, gia đình bà Thu tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Đức Hiệp (khối phố Phong Nhị) cũng có hoàn cảnh rất đáng thương; vợ mất, một mình bươn chải làm đủ việc từ ruộng đồng, chăn nuôi, phụ hồ nuôi hai con nhỏ. Thông qua Quỹ vì người nghèo và vận động từ các nhà hảo tâm, phường đã hỗ trợ gia đình ông 2 con bò giống trị giá 30 triệu đồng, nhờ chăm sóc nuôi dưỡng tốt, đến nay qua gần 6 tháng, cặp bò đều đã lớn nhanh, hứa hẹn sinh sôi phát triển. “Tuy cuộc sống vẫn còn vất vả nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và các nhà hảo tâm cha con tôi phấn khởi lắm. Cảm ơn rất nhiều, đây sẽ là động lực để tôi phấn đấu làm việc nhiều hơn cho con cái sau này đỡ khổ” - ông Hiệp chia sẻ.
Tùy theo mỗi hoàn cảnh, Quỹ vì người nghèo của phường Điện An sẽ có những mức hỗ trợ, giúp đỡ khác nhau. Như các gia đình như ông Thân Văn Tài (khối phố Ngọc Liên) được hỗ trợ 5 triệu đồng chăn nuôi vịt hay gia đình ông Hồ Phước Đề, Hồ Đán (Ngọc Liên)… Đến nay, những hỗ trợ này đều phát huy hiệu quả khi đa số đã làm đơn xin đăng ký thoát nghèo, nâng số hộ đăng ký thoát nghèo từ đầu năm đến nay lên 35 hộ trong tổng số 113 hộ nghèo trên địa bàn phường.
Đối thoại với người nghèo
Trở lại với câu chuyện cơ hội để gia đình bà Nguyễn Thị Thu được hỗ trợ - buổi “Đối thoại với người nghèo” là một trong những thành công của phường Điện An thời gian qua. Thông qua những buổi đối thoại thường kỳ, tâm tư, nguyện vọng của người nghèo được chia sẻ, từ đó cùng tìm ra giải pháp tối ưu cho từng hoàn cảnh. “Ai có nguyện vọng nuôi bò chúng tôi sẽ hỗ trợ bò, ai có khả năng buôn bán chúng tôi sẽ hỗ trợ vốn liếng, dụng cụ… miễn là họ phải quyết tâm thoát nghèo. Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ cử các đoàn thể thường xuyên theo dõi, giúp đỡ để đảm bảo nguồn tiền hỗ trợ phát huy được hiệu quả” - ông Huỳnh Thế Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Điện An cho biết. Với cách làm trên, riêng năm 2014 phường đã tổ chức đối thoại với 41 hộ, kết quả có 26 hộ cam kết quyết tâm thoát nghèo (25 hộ còn lại do hoàn cảnh neo đơn, ốm đau không thể thoát nghèo được).
Theo ông Ngô Văn Trịnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn, cùng với Điện Dương, Điện An là một trong 2 địa phương thực hiện tốt nhất công tác xóa đói giảm nghèo thời gian qua. Có được điều này, ngoài sự đồng thuận hưởng ứng của các cấp chính quyền, mặt trận và đoàn thể thì việc huy động các nguồn lực xã hội hóa là hết sức quan trọng để tạo cơ hội cho người nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. “Chúng ta chỉ biết người nghèo nhưng tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ nghèo và họ cần gì thì phải đối thoại trực tiếp với họ để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, chính vì vậy Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã mới phát động chương trình này và Điện An đã làm rất tốt để cùng toàn thị xã hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững trong những năm đến” - ông Trịnh nhận xét. Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch UBND phường Điện An nhìn nhận, cuộc vận động “Khu dân cư chung tay giảm nghèo bền vững” đã trở thành một phong trào thi đua rộng khắp toàn phường nhằm huy động các nguồn lực xã hội để giúp đỡ người nghèo có điều kiện thay đổi cuộc sống. Năm năm qua, Ủy ban MTTQ đã phối hợp với chính quyền và các hội đoàn thể huy động tổng số tiền gần 2 tỷ đồng xây dựng được 57 nhà đại đoàn kết và hỗ trợ sinh kế cho hàng chục hộ nghèo khác. Ngoài ra, chính quyền cũng đã tập trung thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo thông qua chuyển đổi ngành nghề kinh tế, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội thoát nghèo bền vững… chính điều này đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của phường giảm mạnh từ 7,27% (2010) xuống còn 3,21% (2014). “Công tác xóa đói giảm nghèo không chỉ là một phong trào xã hội mà còn mang giá trị nhân văn, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội chung của phường vì vậy chúng tôi đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống còn 2%” - ông Phước khẳng định.
KHÁNH LINH