Ở huyện Phú Ninh có không ít người từng lầm lỗi, vướng vào vòng lao lý. sau khi mãn hạn tù, họ đã và đang được cộng đồng chung tay giúp đỡ để phục thiện, trở thành những người có ích cho xã hội.
Hòa nhập và làm giàu
Tại xưởng gia công đồ nội thất của gia đình ở thôn An Hòa, xã Tam An (Phú Ninh), anh Đoàn Văn Long kể cho chúng tôi nghe về hành trình hướng thiện, tái hòa nhập cộng đồng (TNHCĐ) của mình. Anh kể, trước đây anh làm thợ mộc nhưng do không thích nên ra Đà Nẵng học nghề lái xe với mong muốn tìm một công việc làm ổn định cho bản thân và thỏa chí bay nhảy của tuổi trẻ. Trong một lần chở hàng anh không may gây tai nạn và bị phạt tù 3 năm. “Trong suốt quá trình thụ án, tôi đã suy nghĩ sau khi chấp hành xong án phạt tù phải tìm một công việc ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình” - anh Long tâm sự. Năm 2013, được đặc xá trở về địa phương, anh quyết tâm học nghề mộc để cùng với gia đình phát triển xưởng mộc. Được sự hỗ trợ của gia đình, sự động viên từ người thân cộng với chút tay nghề sẵn có, anh đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc, mở rộng xưởng gia công để sản xuất. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện nay xưởng mộc của gia đình anh ngày càng phát triển, khách hàng ngày càng nhiều. Cơ sở của anh đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng, còn gia đình thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng. Anh Long cho biết: “Dự định sắp tới của tôi là đầu tư mở thêm một xưởng gia công đồ nội thất để nâng cao thu nhập cho gia đình cũng như giải quyết được nhiều hơn nữa lao động tại địa phương”. Nhờ sự nỗ lực của bản thân, năm 2015, Đoàn Văn Long được Công an tỉnh Quảng Nam tặng giấy khen về điển hình tiên tiến trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
sản phẩm mộc gia dụng của anh Đoàn Văn Long đang khẳng định được thương hiệu trên địa bàn huyện Phú Ninh. |
Không được thuận lợi như trường hợp anh Long, anh Nguyễn Minh ở thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc hoàn lương với cả một quá trình phấn đấu và nỗ lực của bản thân. Năm 2006, anh Minh được đặc xá trở về với địa phương sau 6 năm chấp hành án phạt tại Trại giam Công an tỉnh Quảng Nam. Bằng niềm tin muốn được phục thiện, anh Minh thuyết phục người thân vay vốn ngân hàng để anh đầu tư hơn 500 triệu đồng mở đại lý phân phối thức ăn gia súc. Anh trực tiếp lấy hàng từ một công ty tại Bình Định về phân phối cho khách hàng trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, anh cũng tư vấn các dịch vụ thú y, hỗ trợ bà con trong việc mua các sản phẩm thức ăn gia súc theo chế độ trả chậm để giúp bà con có điều kiện phát triển sản xuất. Hiện nay đại lý gia đình anh kinh doanh 4 loại sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng, doanh thu của gia đình anh đạt 500 triệu đồng mỗi năm. Anh Minh chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, sự giúp đỡ của người thân nên tôi mới có được như ngày hôm nay, hiện tại công việc kinh doanh của gia đình tôi cũng ổn định, trên đà phát triển tốt, tôi mong sao mình có thể làm được nhiều việc tốt để góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của quê hương”.
Nhiều hình thức trợ giúp
Câu chuyện của anh Long, anh Minh chỉ là hai trong số hàng chục trường hợp phạm nhân trong diện cải tạo tốt, được đặc xá trước thời hạn, trở về hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Bởi vẫn còn khá nhiều người khác từng lỡ dính vòng tù tội trên địa bàn huyện cũng đang từng ngày vượt qua mặc cảm tự ti để hoàn lương. Trò chuyện với họ, chúng tôi nhận thấy tất cả đều có quyết tâm và nghị lực “làm lại cuộc đời” để trở thành những người tốt, những công dân có ích cho xã hội. Được biết, toàn huyện Phú Ninh hiện có 452 người chấp hành xong án phát tù trở về địa phương. Thời gian qua, công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư luôn được thực hiện bằng tinh thần trách nhiệm và tấm lòng bao dung, nhân ái.
Trung tá Trần Nhất Chí - Phó Trưởng công an huyện Phú Ninh cho biết: “Để giúp đỡ các đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương THNCĐ, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp như tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác thi hành án hình sự và THNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù; xây dựng các mô hình THNCĐ trên địa bàn; gặp mặt các đối tượng chấp hành xong án phạt tù để động viên họ an tâm tư tưởng ổn định cuộc sống THNCĐ; mở các lớp giáo dục pháp luật và hướng dẫn thủ tục xóa án tích cho các đối tượng đặc xá, tha tù trở về”… Theo đó, trong năm 2015, Công an huyện Phú Ninh đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể cảm hóa, giáo dục tiến bộ trên 100 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật lần đầu trở thành người tốt; giáo dục, giúp đỡ 14 đối tượng đặc xá tha tù trở về địa phương hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng; xóa án tích cho 18 trường hợp... Trong số những người được giáo dục, cảm hóa tiến bộ, nhiều người đã tham gia tích cực vào phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở, tham gia phát triển kinh tế làm giàu cho bản thân và gia đình. “Trong thời gian đến, Công an huyện tiếp tục tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác THNCĐ; củng cố kiện toàn các mô hình THNCĐ, đội ngũ báo cáo viên; tổ chức tập huấn nghiệp vụ; tập trung việc hướng dẫn thủ tục xóa án tích cho người chấp hành xong án phạt tù; phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù…” - Trung tá Trần Nhất Chí cho biết thêm.
THỤC ANH - VĂN CÔNG