Chung tay hỗ trợ mô hình khởi nghiệp ở Thăng Bình

PHAN VINH 25/11/2019 14:10

(QNO) - Ngoài tranh thủ sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở huyện Thăng Bình đã cùng ngồi lại tìm hướng đi mới nhằm vực dậy phong trào khởi nghiệp tại địa phương.

CLB Khởi nghiệp huyện Thăng Bình tập trung doanh nghiệp lại để cùng giúp đỡ những mô hình khởi nghiệp. Ảnh: PHAN VINH
CLB Khởi nghiệp huyện Thăng Bình tập trung doanh nghiệp lại để cùng giúp đỡ những mô hình khởi nghiệp. Ảnh: PHAN VINH

Chia sẻ

Với tay nghề thợ mộc, năm 2005, anh Trần Ngọc Nhựt (SN 1984, thôn Liễu Trì, xã Bình Nguyên) chọn gỗ pallet làm hướng phát triển kinh tế. Lúc bấy giờ, ở thị trường Quảng Nam, gỗ công nghiệp pallet là một sản phẩm rất mới, chưa có ai theo dòng này.

Gỗ pallet khá đa dạng về kích thước và đã được xử lý chống ẩm nên tương đối bền và phù hợp với thiết kế, trang trí nội thất. Chính vì vậy, khi bắt tay vào nhận công trình, anh Nhựt nhanh chóng nhận được sự hài lòng từ khách hàng và có những thành công bước đầu.

Dần dần, mô hình gỗ pallet phát triển, anh chuyển sang sản phẩm nội thất bằng các mặt hàng gỗ cao cấp và thành lập Công ty TNHH Chế biến lâm sản Ngọc Trị, xây dựng thương hiệu “Gỗ hiếm 1.000 năm”. Hiện thương hiệu này đã được cả nước biết đến, sản phẩm của anh có mặt tại hầu hết tỉnh, thành trên cả nước.

Anh Trần Ngọc Nhựt (đứng) tham gia CLB Khởi nghiệp huyện Thăng Bình với mong muốn giúp đỡ bạn trẻ khởi nghiệp. Ảnh: PHAN VINH
Anh Trần Ngọc Nhựt (đứng) tham gia CLB Khởi nghiệp huyện Thăng Bình với mong muốn giúp đỡ bạn trẻ khởi nghiệp. Ảnh: PHAN VINH

Đến nay, kinh tế của anh Nhựt đã dần ổn định nên anh nghĩ đến việc giúp đỡ những thanh niên khác có khao khát làm giàu giống mình. Anh tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp huyện Thăng Bình để hiện thực hóa suy nghĩ ấy.

“Tôi vào CLB với quan điểm giúp đỡ các anh em trẻ về kinh nghiệm, nguồn vốn để họ mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Như tôi trước đây, khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do phải tự bươn chải một mình, bây giờ doanh nghiệp mình đi vào nền nếp rồi thì phải cố gắng giúp đỡ lại những người trẻ” - anh Nhựt trải lòng.

Theo anh Trần Hữu Tịnh - Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp huyện Thăng Bình, ngày 8.8.2019, Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh ra quyết định công nhận CLB là thành viên của CLB Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh. Từ khi thành lập, CLB có 15 thành viên, đang kết nối thêm 5 thành viên. Thành viên là những cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện cùng tập hợp lại hoạt động với quy chế trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, góp vốn, đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ những mô hình khởi nghiệp.

Hỗ trợ cụ thể

Cũng theo anh Tịnh, từ khi thành lập đến nay, CLB Khởi nghiệp huyện Thăng Bình đã nhanh chóng tiếp cận với nhiều mô hình khởi nghiệp trên địa bàn huyện. Sau đó, các thành viên chia nhau tìm hiểu và phụ trách việc hỗ trợ, giúp đỡ các mô hình này.

CLB cũng tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp để giúp hoàn thiện và hiện thực hóa ý tưởng đó như mô hình trồng nấm mà sắp tới CLB triển khai. Ngoài ra còn tranh thủ nguồn hỗ trợ khuyến nông của huyện Thăng Bình kết nối cho mô hình trồng cây trang trí nội thất ở xã Bình Phục khoản tiền 170 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà lưới.

Bản thân từng thành viên trong CLB Khởi nghiệp huyện với vai trò như những nhà đầu tư. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã kêu gọi vốn thành công cho 2 dự án khởi nghiệp: mô hình dưa lưới ở thị trấn Hà Lam với 30% vốn đầu tư (30 triệu đồng), mô hình chăn nuôi gà ác tại Bình Phục với 50% vốn đầu tư (25 triệu đồng). Những mô hình này đang được xúc tiến triển khai để kịp thời tổng kết tính hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Mô hình trồng hoa trang trí ở Bình Phục được nhận hỗ trợ 170 triệu đồng đầu tư nhà lưới. Ảnh: PHAN VINH
Mô hình trồng hoa trang trí ở Bình Phục được nhận hỗ trợ 170 triệu đồng đầu tư nhà lưới. Ảnh: PHAN VINH

“Chúng tôi chọn những bước đi chậm mà chắc, hỗ trợ khởi nghiệp là phải đi đến những việc làm vụ thể, giúp đỡ những bạn trẻ khởi nghiệp thật sự chứ không phải hô hào. Tuy nhiên, CLB còn cần thêm sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong việc giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ các chính sách, vốn nhà nước. Đồng thời mong muốn lãnh đạo địa phương tổ chức nhiều buổi làm việc để anh em khởi nghiệp chia sẻ khó khăn, tạo động lực để phát triển kinh tế” - anh Tịnh chia sẻ.

Ông Hoàng Châu Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, chủ trương chung của địa phương là phát triển nông nghiệp và du lịch. Chính vì vậy, những mô hình khởi nghiệp cần lựa chọn hướng đi phù hợp với định hướng của huyện để nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn.

“Tích tụ ruộng đất đang là cơ chế phát huy hiệu quả, nếu các mô hình khởi nghiệp tranh thủ cơ chế này để đầu tư cơ sở vật chất thì sẽ tạo được tiền đề rất tốt; đồng thời cũng mang lại lợi ích cho người nông dân, phát triển kinh tế bền vững” - ông Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung tay hỗ trợ mô hình khởi nghiệp ở Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO