Chung tay phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em

LÊ DIỄM 28/08/2017 09:05

Các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em trở thành vấn đề nhức nhối, là phần chìm của tảng băng khiến việc nhận dạng, phát hiện vụ việc rất khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến tương lai trẻ em cũng như khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Vì vậy, việc phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em không phải chuyện riêng cá nhân nào mà là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Tại diễn dàn trẻ em tỉnh năm 2017, trẻ em đã nói lên tiếng nói và sự hiểu biết về vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em. Ảnh: D.L
Tại diễn dàn trẻ em tỉnh năm 2017, trẻ em đã nói lên tiếng nói và sự hiểu biết về vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em. Ảnh: D.L

NỖI ĐAU CÒN MÃI...

Lâu nay, câu chuyện xâm hại tình dục trẻ nhỏ luôn khiến mọi người đau lòng. Thế nhưng, việc đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng không hề dễ dàng, trong đó có nguyên nhân từ sự e dè khi tố cáo hành vi phạm tội của người bị hại.

Đừng im lặng

Câu chuyện của em V. (học sinh lớp 9) tại Núi Thành là hậu quả từ sự im lặng, không dám tố cáo hành vi đồi bại của tên hàng xóm bất lương. Căn nhà của V. lọt thỏm trong um tùm cây cối. Ba mẹ đi vắng, V. rất ngại khi tiếp xúc với người lạ. Đợi mẹ về, hai mẹ con V. mới mở lòng về bi kịch của V. Vì gia cảnh nghèo khó nên ngoài giờ lên lớp, V. ở nhà chăn trâu phụ giúp gia đình. Thế nhưng, tai ương ập đến khi tên hàng xóm tuổi đáng cha V. giở trò đồi bại trong lúc em chăn trâu trên đồi gần nhà. “Lúc đó, em kêu la nhưng không ai nghe thấy để cứu em. Rồi hắn dụ dỗ sẽ mua cho em đôi bông tai đồng thời đe dọa sẽ đánh đập nếu kể cho bất cứ ai biết được sự việc. Vừa đau đớn vừa xấu hổ, em không dám kể sự việc này, ngay cả với ba mẹ” - V. nấc nghẹn nói. Đáng nói, sau đó tên hàng xóm lại thường xuyên đến nhà V. mà không có bất cứ sự e dè nào.

Ôm vai con gái đang nức nở, bà T. nhòe giọng theo con: “Tôi đâu có biết, con bé không nói với tôi. Có bữa trâu sổng chuồng chạy lên núi, tôi kêu V. lùa trâu về nhưng con bé khóc, không chịu đi, tôi còn la nó lười nhác. Tôi không thể ngờ hôm đó là cơ hội để tên hàng xóm bất nhân hại đời con thêm lần nữa. Khi mọi chuyện vỡ lở thì đã quá muộn, có hối hận cũng không kịp nữa. Đau lòng quá!”. Rồi V. kể tiếp, sự việc chỉ được phát hiện khi tên hàng xóm đến tận nhà em. Nhân lúc thấy không có người ở nhà, hắn đã tính giở trò đồi bại. Quá sợ hãi, V. chạy vào buồng khóa cửa lại nhưng hắn không tha, tìm mọi cách trèo vào. Trong lúc đang cố thực hiện hành vi thú tính, tên hàng xóm bị người quen tình cờ đến nhà V. phát hiện. Sau đó, gia đình đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về hành vi đồi bại của tên hàng xóm và vụ việc đang được thụ lý điều tra.

Phải nâng cao cảnh giác

Theo Sở LĐ-TB&XH, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em trên cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Quảng Nam mặc dù không phải là điểm nóng về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, tuy nhiên năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ với 20 đối tượng. Số trẻ em bị xâm hại là 25 em (24 nữ, 1 nam). Trẻ bị hại chủ yếu từ 13 đến dưới 16 tuổi, đặc biệt có cả những em ở tuổi mầm non (dưới 6 tuổi). Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Có thể nói các vụ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được tố cáo chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị tố cáo vẫn ít hơn thực tế. Rất nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em không được thống kê do tâm lý của người lớn thường sợ người khác biết, làm ảnh hưởng đến con trẻ. Các vụ việc trên đã vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em và cần bị trừng trị thích đáng”.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ xâm hại trẻ em, khiến 5 em bị xâm hại (2 nam, 3 nữ). Vụ việc khiến dư luận bức xúc gần đây là vụ ông Nguyễn Mến (huyện Đại Lộc) đã có hành vi dâm ô đối với 2 trẻ em, một cháu mới 9 tuổi, một cháu 10 tuổi. Sau khi nghe hai con kể về vụ việc, gia đình đã  làm đơn tố cáo đến Công an huyện Đại Lộc. Tháng 6.2017, cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Mến về hành vi dâm ô trẻ em.

Qua nhiều cuộc điều tra về các vụ án xâm hại trẻ em, ông Mai Văn Hà - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh cho hay, tình hình xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng phức tạp. Các vụ xâm hại trẻ em chủ yếu là xâm hại tình dục, giao cấu trẻ em, hiếp dâm trẻ em. Đối với những vụ bị phát hiện, tố cáo thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Vì đây là loại tội phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em, của xã hội tương lai. Những đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là người quen, hàng xóm nên biết rõ hoạt động của gia đình trẻ bị hại, thậm chí có cả người thân trong gia đình. Vì thế, có lẽ cha mẹ các em cần nâng cao cảnh giác hơn, không nên tin tưởng và giao con cho người khác, đặc biệt là những em nhỏ chưa thể tự bảo vệ mình trong trường hợp bị xâm hại.

HỆ LỤY TỪ BẠO HÀNH GIA ĐÌNH

Đối với trẻ em, thanh thiếu niên, việc bạo hành trong gia đình không chỉ gây thương tích lên thân thể, mà còn ảnh hưởng tâm lý nặng nề từ việc cha mẹ cãi vã, gây gổ với nhau. Nỗi đau về tinh thần tổn thương rất nặng đến sự phát triển của các em, thậm chí ảnh hưởng đến tương lai học tập khi gia đình bị xáo trộn.

Nỗi đau bị xâm hại theo em cả cuộc đời, dù cho em có lớn lên và rời xa khỏi nơi gây ra nỗi đau ấy. Ảnh: D.L
Nỗi đau bị xâm hại theo em cả cuộc đời, dù cho em có lớn lên và rời xa khỏi nơi gây ra nỗi đau ấy. Ảnh: D.L

MỚI đến đầu ngõ, hỏi gia đình ông L.V.T, có con là N. và Đ. (TP.Tam Kỳ), chúng tôi gặp ngay ông nội của hai cháu. Ông H. cất tiếng thở dài: “Đời tôi năm nay đầu đã hai thứ tóc, mà cứ đi khóc thương cháu mãi thế này thì đắng lắm. Thằng con trai tôi không ra gì, nên hành hạ mẹ sắp nhỏ không chịu nổi phải ly hôn, đi làm công nhân. Tòa xử mẹ nó nuôi thằng nhỏ, nhưng cha nó không chịu, bắt cả hai đứa về nuôi. Thế nhưng từ đó đến nay nó hành hạ hai đứa nhỏ, bắt đi bán nước kiếm tiền cho nó đánh bài, uống rượu. Bữa nào hai thằng nhỏ bán nước có tiền thì yên thân, còn không là ăn đòn. Tôi tuổi già sức yếu, thương cháu mà không biết phải làm sao. Chỉ mong hai đứa nhỏ thoát cảnh đọa đày, được học hành tử tế để tương lai tươi sáng hơn”.

Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, trong năm 2016, ở hai cấp huyện và tỉnh, có 3.025 vụ án ly hôn, trong đó nguyên nhân mâu thuẫn gia đình là 1.400 vụ, bị đánh đập, ngược đãi có 516 vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2017, ở hai cấp có 4.633 vụ ly hôn, thì do mâu thuẫn gia đình có đến 2.216 vụ, bị đánh đập, ngược đãi có 686 vụ.

Gặp hai anh em N. và Đ., nhìn vẻ hiền lành, nhưng thẳm sâu trong đôi mắt người anh chất chứa nhiều nỗi niềm. Bởi theo lời ông H, nhiều lúc bị cha đánh, cháu phải kìm nén vì nghe lời khuyên bảo của ông. Và điều ông H. sợ nhất là nhân cách em V., Đ. sẽ bị ảnh hưởng khi lớn lên trong hoàn cảnh như thế này. Năm nay, nếu không vì hoàn cảnh gia đình, N. sẽ học tiếp bậc THPT. N. tâm sự, nếu được học nghề, N. sẽ cố gắng đi học, đi làm để lo cho em Đ. được tiếp tục đến trường. Nhắc đến cha, N. không nói gì cả, nhưng em bảo nhớ mẹ cùng quãng thời gian ít ỏi gia đình được sống hòa thuận, vui vẻ.

Bạo lực gia đình từ trước đến nay luôn là câu chuyện khó nói của nhiều gia đình, nhất là những người vợ và con cái. Bởi vậy, nên có rất ít vụ bạo lực gia đình được báo lên chính quyền địa phương để được can thiệp kịp thời. Theo số liệu từ Sở VH-TT&DL, năm 2016, toàn tỉnh có 184 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 84 vụ bạo lực tinh thần, 53 vụ bạo lực thân thể, 10 vụ bạo lực kinh tế, 1 vụ bạo lực tình dục. Những vụ bạo lực được báo lên, dù có con số cụ thể nhưng thực chất vẫn chưa phản ánh đúng hết thực tế. Bởi lẽ, theo như những nhân viên phụ trách đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em - 18001567 (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh), có nhiều vụ bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là phụ nữ, họ thường âm thầm chịu đựng vì con cái, vì thể diện của gia đình, bản thân. Qua đường dây nóng, nạn nhân bạo lực gọi điện thoại để nhờ tư vấn cách xử lý, nhưng rất ngại để người khác biết hoàn cảnh của họ, trừ trường hợp quá nghiêm trọng mới nhờ can thiệp. Chính điều này để lại ảnh hưởng vô cùng lớn đến những đứa trẻ trong hoàn cảnh nêu trên.

Số liệu tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cho thấy, các vụ trợ giúp liên quan đến hôn nhân gia đình trên thực tế rất ít. Như trong cả năm 2016, trung tâm khi đi tư vấn lưu động đã trợ giúp được 11 vụ, có 8 trường hợp đến nhờ tư vấn tại trung tâm; trong 6 tháng đầu năm 2017 thì trung tâm tư vấn chỉ 3 vụ, vào cuộc bảo vệ 3 vụ bạo lực liên quan đến hôn nhân gia đình. Ông Lê Văn Hương - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, cho biết: “Khi chúng tôi đi tư vấn pháp lý ở cơ sở, rất ít nạn nhân bị bạo lực gia đình tìm đến nhờ tư vấn pháp lý. Thi thoảng mới có một vụ nhờ trợ giúp, thường lúc đó vụ việc đã vượt quá sức chịu đựng của người bị bạo hành. Quan niệm bạo lực gia đình là việc riêng của từng gia đình, xã hội, chính quyền ít quan tâm can thiệp còn tồn tại phổ biến. Và người bị bạo hành vẫn là người phụ nữ, nên họ thường e ngại, giấu kín nên không thể can thiệp”.

Như vậy, trong thực tế mâu thuẫn gia đình, bạo lực gia đình vẫn diễn ra rất nhiều, nhưng khi một bên bị bạo lực không thể chịu đựng được nữa thì ly hôn, rất ít trường hợp nhờ các cơ quan pháp luật tư vấn, trợ giúp pháp lý. Và hậu quả của những vụ ly hôn là tranh chấp việc nuôi con, hoặc con cái bị hai bên bỏ bê không chăm sóc, làm ảnh hưởng lâu dài đến tương lai đứa trẻ.

ĐÁNH ĐỘNG XÃ HỘI

Sự vào cuộc của các cấp, ngành là vô cùng cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thấp nhất vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em.

Sự vào cuộc của những người làm công tác xã hội giúp trẻ em bị bạo lực ổn định cuộc sống. Ảnh: D.L
Sự vào cuộc của những người làm công tác xã hội giúp trẻ em bị bạo lực ổn định cuộc sống. Ảnh: D.L

Gia đình là nền tảng

Gia đình luôn là cái nôi đầu tiên cho con cái lớn lên thành người, là nền tảng cốt lõi cho sự phát triển của những đứa trẻ sau này, nên trước hết, ông bà, cha mẹ phải mẫu mực. Nhất là những gia đình trẻ, cần hiểu nhau và hành xử văn minh để những đứa trẻ không bị ảnh hưởng bởi hành vi bạo lực. Trong gia đình, mẹ luôn là người gần gũi, dễ tâm sự với con hơn cả, nhất là vào giai đoạn những đứa trẻ bước chân vào cuộc sống, có những mối quan hệ bạn bè, xã hội. Hơn ai hết, người mẹ cần trở thành người bạn, đồng hành trong từng bước đi của con. Hội LHPN tỉnh hàng năm đều có kế hoạch tuyên truyền cho hội viên là những người mẹ cách để làm bạn cùng con, cách chỉ bày cho con hiểu những vùng nhạy cảm trên cơ thể, sự phát triển tâm sinh lý tùy theo giới, nhất là ở lứa tuổi dậy thì.

Các cấp hội phụ nữ đã tuyên truyền về quy tắc “4 vòng tròn” và “5 ngón tay” cho các mẹ biết để chỉ bày lại cho con hiểu. “4 vòng tròn” là chỉ các mối quan hệ của những người xa lạ, thân quen hay ruột thịt đối với trẻ thì tương ứng trẻ nên cho họ có thể có những cử chỉ nào với mình. Người lạ thì trẻ nên xua tay, không cho động chạm; họ hàng người thân chỉ được bắt tay; ông bà nội ngoại, anh chị em ruột chỉ được khoát tay; bố mẹ mới được ôm trẻ. Quy tắc “5 ngón tay” dạy cho trẻ hiểu cách biểu thị cầu cứu hoặc bỏ chạy nếu bé thấy bất an khi người lạ tiến lại gần và có cử chỉ thân mật. Đối với những vụ trong gia đình, thì bạo hành thân thể còn có thể biết mà can thiệp được, nhưng bạo lực tinh thần thì rất khó can thiệp. Các địa chỉ tin cậy, nhà trú ẩn an toàn cũng chỉ mới là giải pháp trợ giúp ban đầu cho người bị bạo lực ngay khi sự việc xảy ra. Biện pháp can thiệp chủ yếu vẫn là tuyên truyền, đối thoại với người gây ra bạo lực bởi các đoàn thể xã hội, góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư.

Bà Bùi Thị Lân - giảng viên Trường Đại học Quảng Nam nói rằng, người phụ nữ thường vì con cái, vì gia đình nên nín nhịn, không nói lên vấn đề của bản thân. Và chính điều đó tạo thành bạo lực tinh thần để lại di chứng còn nặng nề hơn cả bạo lực thân thể. Bạo lực tinh thần chỉ có trong gia đình biết với nhau thôi, thường gia đình không nói ra. Như một người nắm quyền về kinh tế trong gia đình, nhưng không tôn trọng người vợ hoặc chồng. Đi làm về có chuyện gì ngoài đường hoặc ở nơi làm, cứ về nhà là trút lên người vợ hoặc chồng, thậm chí đánh mắng con cái, không gần gũi yêu thương con cái, làm ảnh hưởng rất nặng nề đến đứa trẻ. Và khi bạo lực tinh thần hay thân thể xảy ra trong gia đình những người trẻ, người trí thức thì càng khó can thiệp, xử lý. Gia đình là nền tảng vững chắc nhất tác động đến sự phát triển của mỗi trẻ em sau này, nhưng khi nền tảng ấy bị lung lay, con đường phía trước của đứa trẻ cũng trở nên chông chênh.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), trong chiến dịch truyền thông bảo vệ trẻ em, cả bố mẹ và con cái được huấn luyện những kỹ năng ứng phó nhằm tránh bị bạo lực. Trẻ em được người lớn chỉ cho biết những điểm nhạy cảm trên cơ thể mà một số nhóm người dù thân quen hay lạ, người khác giới không được đụng vào. Trẻ em cũng được trang bị những kỹ năng để có thể cầu cứu lúc khẩn cấp, hoặc biết cách xử lý vấn đề bằng cách báo cho người lớn khi thấy bạn bè bị người khác bạo hành. “Hơn ai hết, cha mẹ là những người gần gũi con cái nhất nên cần phải chuẩn bị cho con hành trang để ứng phó trước tình huống xấu có thể xảy ra. Nhất là người mẹ, cần trở thành người bạn của con, để con có thể tâm sự mọi việc diễn ra trong ngày, sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì, từ đó có thể biết được những nguy cơ và can thiệp kịp thời”.

Nhà trường luyện kỹ năng

Sau gia đình, nhà trường là nơi nuôi dạy, giáo dục cho trẻ em có được nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng để bước vào cuộc sống. Trước thực trạng bạo hành, xâm hại đối với trẻ em ngày càng phức tạp, khó lường, Sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục liên quan. Việc tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh và cảnh báo những biểu hiện xâm hại cũng như hậu quả nhằm đề cao cảnh giác. Ngành giáo dục cũng quán triệt đội ngũ giáo viên, nhân viên xây dựng văn hóa trường học, nghiêm cấm các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, phòng chống bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học.

Theo ông Phan Văn Hùng - Phó Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên - pháp chế (Sở GD-ĐT), công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh được lồng ghép, tích hợp vào môn giáo dục công dân, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, công tác Đoàn, Đội trường học và các môn học khác. “Đặc biệt, ngành giáo dục đã tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm bắt việc quản lý, giáo dục tư tưởng, văn hóa cho học sinh ở một số trường THCS, THPT. Các buổi gặp mặt, đối thoại trực tiếp với học sinh về tình hình dạy và học, các vấn đề xã hội và tâm sinh lý của học sinh. Nhiều học sinh đã mạnh dạn chia sẻ những điều còn khó nói, chưa biết hỏi ai của bản thân và đặt câu hỏi để được tư vấn, giải đáp. Đây là cách làm mới mà ngành GD-ĐT tỉnh đang thực hiện đạt hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh trước tác động của xã hội hiện nay” - ông Hùng cho biết.

Xã hội vào cuộc

Mọi thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em cũng như tư vấn các vấn đề liên quan theo đường dây nóng: 18001567. Đặc biệt, Luật Trẻ em bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2017 sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại. Các trung tâm công tác xã hội trong tỉnh đều đã và đang thực hiện vai trò can thiệp, bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại và vào cuộc giúp đỡ các em ổn định cuộc sống, tiếp tục con đường học tập.

Vào đầu năm học 2016 - 2017, Sở GD-ĐT đã tập huấn chuyên đề về kỹ năng tư vấn giới tính, tâm lý và phòng tránh xâm hại cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, cho cán bộ quản lý và giáo viên tổng phụ trách đội ở tất cả trường bán trú cấp tiểu học, THCS thuộc các huyện miền núi của tỉnh. Các khóa tập huấn này sẽ được tiếp tục thực hiện rộng rãi tại tất cả trường THCS, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh trong năm tiếp theo. Qua các hoạt động nhằm truyền đến các em thông điệp “Trẻ em dù là gái hay trai đều có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục, nên tránh những nguy cơ và kiên quyết thoát ra khỏi tình huống bị lạm dụng tình dục”.

Ông Mai Văn Hà - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh cho biết, trong Chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm có đề án phòng ngừa trẻ em vi phạm pháp luật và đề án phòng ngừa tội xâm hại trẻ em. Các giải pháp đưa ra có cả phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Trong phòng ngừa xã hội cần có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể cùng phối hợp với nhau để thực hiện công tác phòng ngừa. Ông Hà nói: “Giải pháp đầu tiên cần phải tuyên truyền cho trẻ em nhận thức được và nâng cao cảnh giác, để các em biết tội phạm xâm hại trẻ em là như thế nào, để các em biết và tự bảo vệ mình trước tiên, đồng thời khi phát hiện đối tượng có hành vi biểu hiện xâm hại trẻ em thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng, gần nhất là thầy cô và nhà trường, để các cơ quan có trách nhiệm tập trung xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội cần chặt chẽ, mỗi mắt xích đều có chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng để phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, mục đích là bảo vệ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em”.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung tay phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO