Chung tay phòng chống bạo lực, xâm hại

TÂM ĐAN 26/11/2023 08:20

Những nỗ lực của Hội LHPN Quảng Nam trong triển khai các nội dung Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, sẽ góp phần tạo chuyển biến trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.

Một tiểu phẩm truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình tại sự kiện truyền thông về bình đẳng giới tại Hiệp Đức. Ảnh: TÂM ĐAN
Một tiểu phẩm truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình tại sự kiện truyền thông về bình đẳng giới tại Hiệp Đức. Ảnh: TÂM ĐAN

Nói không với bạo lực gia đình

Mục tiêu của Dự án 8 (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) là “Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới (BĐG)”. Dự án do Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện. Quảng Nam là 1 trong 51 tỉnh, thành triển khai dự án.

Dự án 8 về “Thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thực hiện với 4 nội dung; trong đó xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội LHPN Quảng Nam phối hợp với hội LHPN các địa phương tích cực triển khai nhiều nội dung của Dự án 8, nhất là các hoạt động về truyền thông phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Mới đây, tại xã Sông Trà (Hiệp Đức) và Phước Năng (Phước Sơn), Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN Quảng Nam tổ chức các buổi truyền thông triển khai Luật Phòng chống BLGĐ; nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình.

Bà Phí Thị Lệ Dung - Phó Trưởng ban Gia đình - xã hội (Hội LHPN Việt Nam) cho biết, theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam năm 2019, trung bình mỗi ngày có 64 phụ nữ và 10 trẻ em là nạn nhân của bạo lực.

Cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. “Chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau cam kết, nỗ lực vì những gia đình không có bạo lực” - bà Dung chia sẻ.

Tại sự kiện, nhiều hình thức truyền thông đã được ban tổ chức thực hiện như cung cấp thông tin về Luật BĐG; thi tìm hiểu kiến thức, trình diễn tiểu phẩm về BĐG, BLGĐ…; trong đó, nhiều nam giới đã được mời đến dự nhằm đồng hành, chung tay phòng chống BLGĐ.

Tham gia sự kiện truyền thông trong vai trò diễn viên quần chúng trình diễn tiểu phẩm kịch về BLGĐ, ông Nguyễn Trí (xã Hiệp Hòa) chia sẻ: “Gia đình hạnh phúc là gia đình không có BLGĐ. Sống trong một nhà phải có sự tôn trọng lẫn nhau, đó là BĐG. Khi vợ chồng, con cái tôn trọng nhau thì gia đình ắt sẽ hạnh phúc”.

Còn chị Hồ Thị Phụng (xã Sông Trà) thì cho rằng định kiến giới vẫn còn nặng nề, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Tâm lý việc nhà là của phụ nữ, còn đàn ông chỉ làm việc bên ngoài xã hội vẫn phổ biến. Có trường hợp, đàn ông ra ngoài kiếm được tiền thì về nghĩ mình là ông to, bà lớn, về nhà nói vợ thế này thế kia. BĐG thì vợ, chồng đều bình đẳng trong công việc, kiếm tiền và cùng nhau chia sẻ việc gia đình, không được phân biệt” - chị Phụng nói.

Thành lập những “Địa chỉ tin cậy”

Theo bà Phí Thị Lệ Dung, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Dự án 8 về thực hiện BĐG là chỉ tiêu trên toàn quốc có 1.000 “Địa chỉ tin cậy” được củng cố, nâng chất lượng thành lập mới. Theo đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã biên soạn cuốn sổ tay tài liệu hướng dẫn thành lập và vận hành “Địa chỉ tin cậy”.

“Chúng ta thường suy nghĩ và nhìn nhận rằng bạo lực giới là vấn đề của người phụ nữ, nhưng tôi muốn khẳng định rằng nó cũng là vấn đề của nam giới. Vì vậy chúng ta cần hành động để mọi người thay đổi cách suy nghĩ này. Cả phụ nữ và nam giới phải cùng nhau hướng tới sự bình đẳng giới và hành động xóa bỏ bạo lực”.

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn)

“Địa chỉ tin cậy” có 4 vai trò chính là truyền thông; hỗ trợ tại chỗ kịp thời cho người bị bạo lực; kết nối, chuyển gửi tới các dịch vụ liên quan; cung cấp thông tin, kinh nghiệm cho xây dựng kế hoạch thông qua báo cáo vụ việc ngay sau khi xử lý hoặc báo cáo hằng tháng, hằng quý, hằng năm cho cơ quan, tổ chức chủ quản.

“Đây là một mô hình tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng với mục đích tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bị BLGĐ nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả” - bà Dung chia sẻ.

Thực hiện hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN, đến nay Hội LHPN xã Sông Trà đã thành lập 3 “Địa chỉ tin cậy” tại 3/3 chi hội. Bà Trương Lê Vân - Chủ tịch Hội LHPN xã Sông Trà cho biết: “Là xã có hơn 50% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác tuyên truyền của hội gặp những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, BLGĐ ở Sông Trà đã có những chuyển biến. Chúng tôi sẽ tập trung hướng dẫn việc vận hành các “Địa chỉ tin cậy” hiệu quả, để nơi đây trở thành nơi gửi gắm niềm tin, nơi an toàn, hiệu quả hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị BLGĐ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung tay phòng chống bạo lực, xâm hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO