Đời sống

Chung tay vì môi trường an toàn cho trẻ em

HOÀNG ĐẠO - CHÂU NỮ - LÊ QUÂN - VĨ CẦM - THÀNH CÔNG 02/06/2024 07:41

Mùa hè đã bắt đầu. Các sân chơi, lớp dạy kỹ năng, những chuyến du lịch kỳ thú… đã chộn rộn. Cùng với việc chăm sóc con trẻ, gia đình và chính quyền cũng cần trang bị cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết, kỹ năng nhận biết nguy hiểm và cạm bẫy xung quanh không gian sống, không gian tương tác trên mạng. Tất cả chung tay vì môi trường an toàn cho trẻ em.

Trại hè thiếu nhi - một hình thức vừa học vừa chơi. Ảnh: ÁI THẢO
Trại hè thiếu nhi - một hình thức vừa học vừa chơi. Ảnh: ÁI THẢO

Dựng “lá chắn” bảo vệ trẻ

Nguy cơ bạo lực, lợi dụng trẻ em hiện hữu ở mọi không gian sống mà trẻ tương tác. Cơ quan chức năng, chính quyền và gia đình phải đồng lòng để tạo nên “lá chắn” bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.

Cạm bẫy từ không gian mạng

Anh Đ.N. (Núi Thành) kể: Hè năm ngoái, con gái anh đang độ tuổi mới lớn thường xem phim hoạt hình. Anh cũng cài đặt “bức tường lửa” trong thiết bị công nghệ của con nên phần nào yên tâm vì nghĩ con mình biết chọn xem những nội dung phù hợp với độ tuổi. Nhưng dần dần nhưng anh thấy con gái có sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, cháu trở nên trầm tính và cộc cằn.

Thử xem những gì con đã xem thì được biết đây là những phim có nhiều cảnh bạo lực, nội dung xấu, hoàn toàn không phù hợp với trẻ em, được “núp bóng” dưới dạng phim hoạt hình. Khi anh nhắc nhở, thì con gái có phản ứng tiêu cực gần giống như cách hành xử của các nhân vật “trái tính” trên phim.

img_5419-1-.jpg
Trẻ em cần những “tấm khiên” bảo vệ an toàn cho mình. Ảnh: X.H

Không chỉ các tổ chức vì trẻ em, các bậc phụ huynh, nhà trường, xã hội mà ngay chính trẻ em cũng quan tâm về sự toàn của mình. Rất nhiều câu hỏi về sự an toàn được học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) đặt ra tại Diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói do nhà trường tổ chức.

“Em thấy mạng xã hội facebook, tiktok rất hấp dẫn nhưng em không biết đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin bịa đặt nên nhờ thầy cô và tổ tư vấn chỉ giúp em cách nhận biết và phòng tránh”; hoặc “Khi em bình luận hoặc chia sẻ những thông tin được cho là không đúng trên mạng xã hội thì em có bị xử lý không?” là những câu hỏi được một số học sinh lớp 5 đặt ra.

Báo cáo mới đây của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời gian qua, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370 nghìn cuộc gọi đến, với gần 28 nghìn cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp xử lý những trường hợp này. Có thể thấy, đây là những con số báo động khẩn về vấn đề bảo vệ trẻ em trước những thông tin mạng độc hại.

boi.jpg
Trẻ em cần được hướng dẫn phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: C.N

Thiếu tá Trần Đăng Dương (Công an TP.Tam Kỳ) chia sẻ, những nguy cơ với trẻ trên không gian mạng không còn là tiềm ẩn mà đã để lại những hậu quả rất lớn, ảnh hưởng đến tâm hồn, tinh thần, trí tuệ, thậm chí gây tổn thương về thể xác. Do vậy, theo ông, để tự bảo vệ mình, trẻ em không nên kết bạn với người lạ, người mình chưa nắm rõ thông tin; không truy cập link, không đăng nhập website lạ hoặc do người lạ gửi và sử dụng mạng xã hội dưới sự tư vấn của thầy cô, cha mẹ.

Phức tạp tình hình xâm hại trẻ em

Ông Nguyễn Huy - Trưởng phòng Trẻ em và bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH cho biết, năm 2022, thống kê toàn tỉnh, đã phát hiện 36 vụ xâm hại người dưới 16 tuổi, với 37 đối tượng, xâm hại 39 trẻ em (6 nam, 33 nữ); tăng 8 vụ so với năm 2021. Trong đó, đáng báo động khi có 3 vụ giết trẻ em, 1 vụ cố ý gây thương tích.

Đến năm 2023, phát hiện 24 vụ với 31 đối tượng liên quan đến tội phạm xâm hại, bạo lực người dưới 16 tuổi. Xâm hại trẻ em với các nhóm hành vi liên quan xâm hại tình dục là 20 trẻ, bạo lực, bạo hành 8 trẻ, bắt giữ người trái pháp luật 1 trẻ. Hậu quả khiến 3 trẻ em phải mang thai, 7 trẻ bị thương tích, chết và tự tử 2 trẻ…

20230301_111505.jpg
Trẻ em cần được bảo vệ toàn diện. Ảnh: Đ.N

Tình hình xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em còn diễn biến phức tạp, số lượng trẻ em bị xâm hại còn nhiều. Số vụ dâm ô trẻ em gia tăng, đa số đối tượng xâm hại là người quen biết với nạn nhân. Các đối tượng lợi dụng các em còn nhỏ tuổi chưa có ý thức phòng vệ hoặc lợi dụng sự sơ hở của cha mẹ, các cháu ở nhà một mình... để thực hiện hành vi xâm hại tình dục.

“Các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, xử lý hình sự 21 vụ/25 bị can, xử lý hành chính 1 vụ và đang tiếp tục xác minh, điều tra theo quy định pháp luật 2 vụ với 5 đối tượng. Nguyên nhân, điều kiện phát sinh loại tội phạm này rất đa dạng nhưng cơ bản là do sự suy đồi về đạo đức của các đối tượng, sự thiếu quan tâm của bậc phụ huynh đối với con em mình, trẻ em chưa được trang bị các kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân” – ông Huy cho biết.

Xây dựng mô hình điểm hỗ trợ trẻ em

Một dự án giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em cũng như bảo vệ trẻ khỏi các môi trường nguy hiểm, độc hại đang vận hành tại TP. Tam Kỳ. Dự án do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam (ACE) thực hiện với tên gọi “Phòng chống các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu”. Câu chuyện ngăn ngừa các hình thức lao động trẻ em được đặt ra.

hoc.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Tam Kỳ tham gia diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói. Ảnh: CHÂU NỮ

Hiện tại, TP.Tam Kỳ đã xây dựng mô hình điểm tư vấn và hỗ trợ trẻ em với các chuyên gia cũng như cán bộ phụ trách công tác trẻ em ở các xã phường. Mô hình này nhằm góp phần nâng cao năng lực và kỹ năng cho cán bộ phụ trách công tác trẻ em cũng như gia đình, nhà trường. Đồng thời can thiệp, hỗ trợ cũng như tiến hành kết nối dịch vụ trợ giúp trẻ em và gia đình trẻ trong việc tiếp cận các chính sách xã hội. Cạnh đó, mô hình góp phần chủ động phát hiện sớm, can thiệp sớm đối với nhóm trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em và có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột tình dục trên môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu...

Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như Chỉ thị số 41-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch 2355/KH-UBND 27/4/2020 của UBND tỉnh về hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Để trang bị kiến thức cho trẻ, nhiều trường học tổ chức các hội thi về phòng chống lao động trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức diễn đàn lắng nghe trẻ em nói. Mới đây, hơn 16.570 học sinh tiểu học và THCS ở TP.Tam Kỳ đã tham gia hội thi tìm hiểu kiến thức về phòng ngừa lao động trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Lắng nghe và chia sẻ cùng trẻ cũng là cách để tạo “lá chắn” bảo vệ trẻ trước những mối nguy. Liên tục các diễn đàn trẻ em được tổ chức ở các cấp, từ các vấn đề nhạy cảm về tâm sinh lý, mối quan hệ bạn bè, cho đến những nguy cơ lẫn hành vi bạo lực học đường, xâm hại tình dục... Chính từ những diễn đàn, người lớn nắm bắt được tâm tư trẻ em, cũng như trao cho trẻ kiến thức về những quyền mà các em có, biết cách phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo, biết cách để bảo vệ mình.

senda.jpg
Trẻ học kỹ năng ở Học viện SENDA. Ảnh: HVCC

Dạy trẻ kỹ năng sống

Tạo điều kiện để trẻ tương tác cùng thiên nhiên qua các trại hè. Dạy trẻ những kỹ năng sống an toàn, hay trau dồi thái độ sống và phát triển trí tuệ cảm xúc... Chưa bao giờ những hoạt động hè và lớp dạy kỹ năng nở rộ như thời điểm này.

Tương tác cùng thiên nhiên

Chiếc xe khách hơn 40 chỗ ngồi vừa “đổ quân” cạnh một cánh rừng và con suối ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). Trại hè “chinh phục mọi thử thách” chính thức bắt đầu, dành cho các em lứa tuổi thanh thiếu niên. Toàn bộ điện thoại thông minh các đoàn sinh mang theo đều phải tắt nguồn, “tập kết” lại một vị trí, chấm dứt “cơn nghiện” game và các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok... Ai không tuân thủ, sẽ bị các huynh trưởng “xem xét” cho lên xe, về nhà.

doan-sinh.jpg
Các hoạt động tương tác cùng thiên nhiên tổ chức tại trại hè. Ảnh: VĨ CẦM

Tiếng “tích - te” vang lên liên hồi. Đám trẻ đang nhốn nháo liền xếp thành từng hàng thẳng tắp, chăm chú nghe các huynh trưởng phổ biến “nội quy” khắt khe của chương trình trại hè. “Bài tập” đầu tiên phải vượt qua là vòng thi nấu cơm. Cả đoàn chia thành 6 đội, tự tay nấu bữa cơm củi đầu tiên trong đời. Người kê bếp, nhặt củi, kẻ nhóm lửa, vo gạo… Đây là những hoạt động do các gia đình phật tử chùa Nam Thành, quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) tổ chức cho con em mình.

Mô hình trại hè - trở về thiên nhiên đang được rất nhiều phụ huynh hướng con cái mình tham gia mỗi mùa hè. Lý do của các bậc cha mẹ, sau một năm học nhiều áp lực, hầu hết họ đều mong muốn con trẻ được kết nối với thiên nhiên, giải tỏa tâm trí và bổ sung kiến thức thực tế về thế giới tự nhiên trong mùa hè, đặc biệt là những kỹ năng sống.

doan-sinh1.jpg
Các đoàn sinh là thanh thiếu niên tham gia trại hè trở về thiên nhiên.

Không chỉ với lứa tuổi thanh thiếu niên, những em nhỏ nhi đồng cũng được cha mẹ đưa đi tham gia các lớp học về thiên nhiên. Giác quan của trẻ sẽ phát triển khi được chạm vào cây cỏ, côn trùng. Những buổi dạo chơi ngoài thiên nhiên cung cấp cho trẻ em chất liệu, tương tác rất thật và phong phú. Các trại hè dã ngoại ở nhiều địa phương đang bắt đầu mở đăng ký cùng hàng loạt hoạt động trải nghiệm, khám phá.

Trau dồi thái độ sống

Một trong những hoạt động mà các cơ sơ đoàn, hội, đội của Quảng Nam đang hướng đến là tạo các sân chơi cho thiếu niên, nhi đồng. Cô Hồ Kha Dạ Thảo - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Phú (Phú Ninh) cho biết, việc cho học sinh tham gia các hoạt động hè và mời phụ huynh cùng tham gia không chỉ để học sinh thực hành, mà còn là cơ hội kết nối tình cảm gia đình, làm cho cha mẹ quan tâm đến con cái mình nhiều hơn thông qua một số việc cụ thể, qua đó cha mẹ con cái thấu hiểu nhau hơn.

ky-nang-2.jpg
Học sinh rèn kỹ năng sống qua các hoạt động tập thể. Ảnh: C.N

“Tôi thường cập nhật thông tin thời sự về lứa tuổi học trò; đưa ra sự việc, tình huống để các em nêu ra quan điểm, hoặc cách xử lý của mình. Sau đó tôi sẽ phân tích và chốt lại vấn đề. Ví dụ qua vụ học sinh nam ở Hà Nội bị đánh như vừa qua, tôi đã cảnh báo tình trạng bạo lực học đường, và bạo lực học đường không chỉ xảy ra trong khuôn viên trường học… Nói chung, tôi thường xuyên cập nhật thông tin với câu chuyện có thật, giáo dục học sinh về kỹ năng phòng, tránh và chống bạo lực học đường, kỹ năng an toàn và kỹ năng sống nói chung” - cô Dạ Thảo nói.

Chị Nguyễn Mai Thảo Trâm - người sáng lập Học viện SENDA (SENDA Academy) cho rằng, trên thực tế nhiều trẻ em đã được hướng dẫn về một số kỹ năng an toàn nhưng chưa biết cách áp dụng vào thực tế hoặc lúng túng khi áp dụng. Tại SENDA, các kỹ năng được hướng dẫn thông qua hoạt động nhóm, video minh họa, và các tình huống thực tế. Những phương pháp này giúp trẻ hiểu rõ hơn và có thể áp dụng kỹ năng an toàn một cách hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày.

send-da-1.jpg
Trẻ học kỹ năng ở Học viện SENDA. Ảnh: HVCC

Theo chị Thảo Trâm, ngoài kỹ năng an toàn, có hai yếu tố rất cần thiết cho các bạn trẻ hiện nay nhưng thường bị bỏ quên, là trau dồi thái độ sống và phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ). Cả hai yếu tố này đều rất quan trọng, không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống hằng ngày.

Không gian sống của trẻ em đang tiềm ẩn không ít nguy hiểm. Đặc biệt với trẻ em ở đô thị, các em phần lớn rất hiểu biết về công nghệ, xu hướng ăn uống, thời trang, giỏi thể thao hội họa. Tuy nhiên, lại thiếu các kỹ năng sống hằng ngày… Có những tình huống, sự việc tưởng chừng đơn giản, như khi đang đi giữa đường gặp trời mưa thì xử trí thế nào; sử dụng bếp ga, bếp điện, nấu cơm điện, cắm điện thế nào cho an toàn... nhưng không phải trẻ em nào cũng biết. Dạy trẻ hiểu biết về cuộc sống như thế nào đặt ra cho các bậc phụ huynh. Đây cũng chính điều trẻ em xứ Quảng đang bị thiếu.
Nếu trẻ được học, được trải nghiệm và học được cách tự bảo vệ bản thân ngay từ nhỏ, từ những sự việc, tình huống nho nhỏ trong cuộc sống thì các em hoàn toàn có thể phòng tránh được những nguy hiểm và tự bảo vệ được mình tốt hơn.

Ngăn ngừa tội phạm vị thành niên

Tội phạm là trẻ vị thành niên, dù chưa đến mức “báo động đỏ”, song vẫn diễn ra dai dẳng và tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Nhiều vụ vi phạm

Thống kê từ Công an tỉnh, tình trạng tội phạm liên quan đến người trẻ dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh gia tăng trong năm 2023. Đã có 137 vụ với 436 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi được phát hiện, giảm về số vụ (giảm 2 vụ) song tăng đến hơn 100 đối tượng so với năm 2022. Ngoài ra, còn xuất hiện một số vụ việc rất nghiêm trọng như giết người, xâm hại tình dục, cướp tài sản, cố ý gây thương tích.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-4-28-141842-_z4300473317306_063bc.jpg
Công an TP.Tam Kỳ thường xuyên tuần tra, xử lý tình trạng thanh thiếu niên chạy xe độ, chế gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: T.C

TP.Tam Kỳ ghi nhận nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự có sự góp mặt của trẻ vị thành niên. Thời gian qua, công an TP.Tam Kỳ đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng thanh thiếu niên điều khiển xe độ chế tụ tập gây mất an ninh trật tự, mà phần lớn đối tượng vi phạm ở tuổi dưới 18. Các đối tượng vi phạm đến từ nhiều địa phương như Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh, Tam Kỳ, có cả thanh thiếu niên là nữ cũng tham gia điều khiển xe độ chế, tụ tập gây mất an ninh.

Tại thị xã Điện Bàn, vào đầu năm 2024, qua nắm tình hình trên không gian mạng, Cảnh sát hình sự Công an thị xã kịp thời phát hiện khoảng 30 thanh thiếu niên hẹn gặp nhau trên tuyến quốc lộ 1 thuộc phường Điện An và ĐT609 mang theo hung khí, pháo nổ, điều khiển xe máy có biểu hiện gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích. Các đối tượng đã đi dọc tuyến đường, điều khiển xe máy dàn hàng ngang, nẹc pô, lạng lách đánh võng, ném pháo nổ gây mất trật tự, an toàn giao thông. Công an đã tổ chức nhiều lực lượng chốt chặn, bắt giữ 23 đối tượng là thanh thiếu niên ở nhiều phường, xã thuộc thị xã Điện Bàn.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2024-1-10-154463-_dien-ban-gr-2.jpg
Công an thị xã Điện Bàn xử lý nhóm thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng. Ảnh: T.C

Trước đó, vào cuối năm 2023, Công an huyện Đại Lộc cũng khởi tố 10 đối tượng là thanh thiếu niên với hành vi gây rối, đuổi đánh người, phá hoại nhiều tài sản. Đây là những vụ việc nổi cộm về tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, tụ tập gây rối, đánh nhau bằng hung khí có xu hướng diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây.

Cần gia tăng trách nhiệm

Những cạm bẫy vẫn chực chờ đối với trẻ vị thành niên, nếu thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc và giáo dục của gia đình, cộng đồng. Lãnh đạo Công an tỉnh cho hay, nguyên nhân của tội phạm vị thành niên, bên cạnh sự lôi kéo, xúi giục của các đối tượng xấu còn có nguyên nhân chủ quan đến từ nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em. Một số gia đình do điều kiện kinh tế còn khó khăn, đi làm ăn xa, bố mẹ ly hôn nên thiếu sự quan tâm, quản lý, chăm sóc và giáo dục con cháu.

441a6788.jpg
Tuyên truyền kiến thức pháp luật là một trong những giải pháp nhằm kéo giảm tội phạm thanh thiếu niên. Ảnh: T.C

Ngoài ra, nhiều trẻ vị thành niên đối mặt với khoảng trống về kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Nhiều địa phương chưa triển khai nhiều hoạt động cung cấp các phương pháp nhận diện hành vi, đối tượng có nguy cơ xâm hại trẻ em; phương pháp phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em và kỹ năng bảo vệ bản thân...

Giải pháp nhằm ngăn ngừa tội phạm vị thành niên, tạo lá chắn phòng vệ cho trẻ, hơn hết là phải phát huy trách nhiệm từ gia đình, nhà trường đến các hội đoàn thể và cả cộng đồng.

Tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ làm 28 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích (giảm 4 em so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, tai nạn giao thông 3 em, điện giật 2 em, sét đánh 2 em, đuối nước 21 em, xảy ra tại 11 địa phương. Ngoài ra, trong năm có 4 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được cá nhân nhận chăm sóc và 1 trẻ bị bỏ rơi đã tử vong tại huyện Đại Lộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các hội, đoàn thể, nhà trường cần chung tay đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho trẻ em. Cạnh đó, thực hiện các chủ trương, chính sách cho trẻ em, tăng cường kỹ năng, kiến thức về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng... tại cộng đồng, trường học và gia đình.

“Ngoài ra, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tăng cường kiểm soát, điều tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo sức răn đe, hạn chế tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật. Đối với các đối tượng vi phạm pháp luật về quyền trẻ em cần được xử lý nghiêm tạo hiệu ứng tích cực để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong thời gian tới”, ông Trần Anh Tuấn đề cập.

Cơ hội cho trẻ yếu thế

Liên tục các chương trình, dự án hướng đến trẻ em khuyết tật với mong muốn sẽ mang đến cơ hội hòa nhập nhiều hơn cho các em...

Hỗ trợ phục hồi chức năng

Một ngày cuối tuần của em Bùi Ngọc T. (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) bắt đầu từ việc tập phục hồi chức năng (PHCN) tại Phòng PHCN đặt tại Trạm y tế xã Tam Quang. Dẫu 10 tuổi, nhưng các kỹ năng thiết yếu cho cuộc sống của em chỉ dừng ở trẻ lên 3.

Bắt đầu từ năm 2021, sau khi tham gia chương trình giáo dục đặc biệt cùng sự hướng dẫn, chỉ dạy tận tình của các giáo viên đến từ Tổ chức Medipeace, trong khoảng thời gian ngắn, em T. có thể tự mình thực hiện các kỹ năng sinh hoạt, làm được các phép tính đếm, cộng trừ cơ bản.

z5476276313850_b245dbc88092b355d7b3540e49dd80de.jpg
Dự án "Chăm sóc mắt học đường mở rộng" tỉnh Quảng Nam do Quỹ Fred Hollows Foundation (FHF) và Bộ Ngoại giao và thương mại Úc tài trợ tổ chức khám mắt cho trẻ khuyết tật.

Và như T., từ năm 2021 - 2023, Quảng Nam có 606 em khuyết tật được trợ giúp từ dự án “Hỗ trợ PHCN và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Nam”. Đây được xem là dự án dài hơi hướng đến trẻ khuyết tật tại Quảng Nam.

Một tuần 3 buổi, mỗi buổi hơn 1 tiếng đồng hồ, các em khuyết tật ở địa phương sẽ được chuyên viên âm ngữ trị liệu, kỹ thuật viên phục hồi chức năng can thiệp để cải thiện chức năng vận động, khả năng tập trung trong học tập. Những kỹ năng này sẽ là hành trang đồng hành với các em trong tương lai.

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, thành quả đặc biệt của dự án là thiết lập được 12 Phòng PHCN tích hợp vào trạm y tế xã, trang bị các phương tiện PHCN nhi khoa hiện đại tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, dự án đã tập huấn về giáo dục hòa nhập cho giáo viên và hỗ trợ cải thiện cơ sở vật chất của 12 trường học nhằm tăng tính tiếp cận cho học sinh khuyết tật của 3 huyện Núi Thành, Tiên Phước và Hiệp Đức.

Bắt đầu từ tháng 5/2024, giai đoạn 2 (2024 - 2026) khởi động. Dự kiến 1.597 trẻ khuyết tật ở các địa phương Tam Kỳ, Hiệp Đức, Núi Thành, Tiên Phước sẽ được tập PHCN cũng như hướng đến cải thiện chất lượng sống cho các em từ phía gia đình, cơ sở y tế ở địa phương.

Đại diện tổ chức Mediapiece cho biết, tiếp nối thành quả của giai đoạn 1, ở giai đoạn này, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ vận hành 12 phòng PHCN và cung cấp 5.850 giờ trị liệu PHCN bao gồm vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu, giáo dục đặc biệt) được thiết kế riêng cho từng trẻ khuyết tật.

Đồng thời tăng cường đào tạo cho cán bộ y tế về các kỹ năng PHCN cho trẻ em, thực hiện các buổi huấn luyện về kỹ năng sinh hoạt hàng ngày cho trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non tại 12 phòng PHCN của dự án. Dự án sẽ hỗ trợ sửa chữa, cải thiện nhà ở, tăng tính tiếp cận không gian sinh hoạt tại nhà cho 20 hộ gia đình có trẻ khuyết tật...

“Tôi lớn mạnh”

“Tôi lớn mạnh” cũng là tên một dự án hỗ trợ người khuyết tật, bao gồm cả trẻ em tại Quảng Nam. Vẫn mang tinh thần tạo điều kiện tốt nhất để trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống, nhiều năm liền, các nỗ lực thực hiện vì người khuyết tật của những dự án đã mang lại kết quả nhất định.

Thông tin từ Hệ thống thông tin về người khuyết tật (DIS) của Bộ Y tế, Quảng Nam có khoảng 5.200 người cần khám phục hồi chức năng (PHCN) và 5.900 người cần dịch vụ chỉnh hình, chân tay giả, dụng cụ trợ giúp nhưng chưa được tiếp cận dịch vụ. Từ các dự án liên quan đến PHCN do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, ngành y tế Quảng Nam đã phát triển được đội ngũ nhân lực mới về PHCN, tạo điều kiện bổ sung nhân lực cho các trung tâm y tế tuyến huyện, BV tuyến tỉnh.

20240331_090747.jpg
Sự kiện thể thao dành cho trẻ khuyết tật tại Quảng Nam được tổ chức bởi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Ảnh: TUẤN NGƯỚC

Đại diện Sở Y tế cho biết, các dự án chú trọng phát triển nguồn nhân lực là bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, PHCN trong các lĩnh vực kỹ thuật mới gồm hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và dụng cụ trợ giúp. Dịch vụ PHCN cho người khuyết tật tại nhà cũng được ngành y tế Quảng Nam triển khai, kết hợp với chuyển tuyến theo tiếp cận đa chuyên ngành.

Khuyết tật về vận động, chức năng hiện chiếm tỷ lệ cao nhất theo phân loại mức độ khuyết tật của Bộ Y tế. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ khuyết tật khu vực nông thôn cao hơn gần 1,5 lần khu vực thành thị. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất rơi vào khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

tri-lieu.png
Hoạt động trị liệu cho trẻ khuyết tật do các chuyên gia của Medipeace thực hiện. Ảnh: Medipeace

Ngoài ra, khảo sát thực trạng trẻ khuyết tật của Bộ Y tế cho thấy, khoảng 20% số trẻ khuyết tật chưa có giấy xác nhận khuyết tật. Hiện trẻ khuyết tật được can thiệp, hỗ trợ và học tập trong các cơ sở giáo dục chủ yếu dựa vào đánh giá theo hồ sơ y tế và bằng quan sát, nhận định của cha mẹ trẻ và kinh nghiệm của các giáo viên. Các công cụ sàng lọc, phát hiện ban đầu, công cụ đánh giá sâu để can thiệp còn hạn chế và chủ yếu được thực hiện tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Điều này đặt ra những bất công trong việc thụ hưởng các chính sách dành cho trẻ khuyết tật.

Các chuyên gia cho rằng, ngoài trợ giúp trẻ khuyết tật cải thiện các chức năng vận động, thì việc giúp trẻ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ văn hóa cũng ngang bằng không kém. Từ việc mở các lớp học, tổ chức chương trình thể thao riêng cho trẻ khuyết tật, sản xuất những ấn phẩm văn hóa phù hợp cũng như tiến đến xây dựng mô hình điểm trường năng khiếu có trẻ em khuyết tật theo học là cách tốt để trẻ em khuyết tật hòa nhập với cuộc sống.

Nội dung: HOÀNG ĐẠO - CHÂU NỮ - LÊ QUÂN - VĨ CẦM - THÀNH CÔNG

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung tay vì môi trường an toàn cho trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO