Chung tay vì người nghèo

DIỄM LỆ 02/06/2023 09:23

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với sự góp sức của cộng đồng đã được thực hiện xuyên suốt thời gian qua.

Đời sống của người dân ở miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự chung tay của xã hội. Ảnh: D.L
Đời sống của người dân ở miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự chung tay của xã hội. Ảnh: D.L

Giúp đỡ thôn, xã nghèo

Thực hiện công tác kết nghĩa giúp đỡ thôn, xã nghèo ở miền núi, toàn tỉnh hiện có 94 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp kết nghĩa với 66 xã miền núi. Riêng 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng kết nghĩa với 9 huyện miền núi và kết nghĩa đỡ đầu 14 xã biên giới đất liền của tỉnh.

Theo ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, các đơn vị kết nghĩa đã vào cuộc tích cực, triển khai nhiều hoạt động hiệu quả thiết thực như phân công, thành lập tổ thực hiện công tác kết nghĩa, tiến hành khảo sát thực tế tại địa phương, xây dựng kế hoạch thực hiện...

Các huyện miền núi được nhận kết nghĩa đều có văn bản chỉ đạo các xã tăng cường phối hợp chặt chẽ với bên nhận kết nghĩa; rà soát củng cố, thành lập tổ công tác kết nghĩa, khảo sát xây dựng đề xuất nhu cầu trong năm và giai đoạn 5 năm; phân công đơn vị làm đầu mối theo dõi công tác kết nghĩa tại địa phương; phân công cơ quan, đơn vị, đảng viên, công chức trực thuộc nhận kết nghĩa với các thôn, nóc và nhận giúp đỡ hộ nghèo...

Ông Giản cho biết, việc kết nghĩa, giúp đỡ thôn, xã nghèo ở miền núi, hải đảo đã thành nếp, duy trì nhiều năm nay. Sự đoàn kết, hỗ trợ của miền xuôi với miền ngược, đồng bằng với miền núi đã góp phần kéo giảm khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi cơ quan, đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình đều thực hiện nhiều phần việc thiết thực.

Trong năm 2022, các đơn vị tham gia kết nghĩa đã hỗ trợ, đầu tư ở các xã miền núi với tổng giá trị hơn 22,5 tỷ đồng. Nguồn lực được ưu tiên cho hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho người nghèo, hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả, nhiều mô hình phát triển sản xuất phù hợp; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương; xây dựng công trình khắc phục hậu quả thiên tai, nhận đỡ đầu học sinh, hỗ trợ học tập cho trẻ em miền núi...

Cộng đồng chung tay

Từ tỉnh đến các huyện, sự chung tay của cộng đồng xã hội, với đầu tàu kết nối là Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, đã huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo, thôn xã nghèo vươn lên. Hàng năm, việc hỗ trợ người nghèo được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Không chỉ vào Tháng cao điểm vì người nghèo, mà ở nhiều địa phương, ngay từ đầu năm việc hiệp thương, phân công giúp đỡ hộ nghèo, thôn nghèo được tập trung, nhất là các huyện miền núi, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Riêng năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện trong tỉnh đã hiệp thương với các tổ chức thành viên, phân công giúp đỡ được 341 hộ thoát nghèo bền vững, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 118 ngôi nhà với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Hàng nghìn suất quà tặng, hỗ trợ khó khăn đột xuất do thiên tai, ốm đau, hỏa hoạn... đã trợ giúp hộ nghèo có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nói, trong những năm gần đây dù kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhưng phong trào vì người nghèo vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng xã hội. Các tổ chức, cá nhân đã chung tay đóng góp vào Quỹ vì người nghèo.

Từ nguồn quỹ này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hỗ trợ hộ nghèo xây nhà đại đoàn kết, tổ chức các hoạt động xã hội, tặng quà hỗ trợ người nghèo khi gặp thiên tai, hoạn nạn. Cùng với nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng xã hội đã góp phần không nhỏ hỗ trợ hộ nghèo, giúp hộ nghèo vươn lên làm ăn, thoát nghèo bền vững hơn.

Cùng với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước và cộng đồng xã hội, từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm được từ 3.000 hộ nghèo trở lên, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện nay còn 6,63%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 7,7%/năm (vượt mục tiêu đề ra là 4 - 5%/năm).

So với mặt bằng chung của toàn tỉnh, số hộ nghèo còn lại tập trung chủ yếu ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó rất cần sự tiếp tục chung tay đồng hành của các tổ chức, đơn vị, cá nhân giúp đỡ hộ nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau, bằng nhiều cách đa dạng, thiết thực, sát với đời sống hộ nghèo, hỗ trợ đúng nhu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung tay vì người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO