Với những cách làm hiệu quả cùng phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều thôn trên địa bàn huyện Thăng Bình đã không còn hộ nghèo, qua đó lan tỏa ngày càng sâu rộng phong trào Chung tay vì người nghèo.
Nhiều cách làm hay
Thôn Kế Xuyên 1 (xã Bình Trung) đã không còn hộ nghèo. Kết quả trên có được là nhờ vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các hội, đoàn thể, đặc biệt là khát vọng vươn lên của hộ nghèo. Ông Ngô Văn Sự - Trưởng thôn Kế Xuyên 1 cho biết, năm 2016 toàn thôn có 14 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Ban cán sự thôn phối hợp với Mặt trận, đoàn thể các cấp tuyên truyền, vận động người dân tăng gia sản xuất, mở rộng các mô hình chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi. Đồng thời phối hợp vận động người dân tham gia các lớp đào tạo nghề làm nấm rơm, chăn nuôi gia cầm, gia súc, trồng rau sạch.
Người làm công tác thôn ở Kế Xuyên 1 còn tận tình giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo làm hồ sơ vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam tại Thăng Bình để đầu tư sản xuất. Thôn cũng tranh thủ sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp hộ nghèo xây dựng nhà mới, sửa chữa nhà xuống cấp. Sản xuất hiệu quả, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Bão số 9 vừa qua khiến nhiều hộ dân trên địa bàn bị thiệt hại. Quyết tâm không để xảy ra trường hợp rơi vào hộ nghèo hoặc tái nghèo, ngay sau bão, Ban cán sự thôn Kế Xuyên 1 vận động người dân tiếp sức giúp hộ bị thiệt hại cải trang vườn tược, tiếp cận sự hỗ trợ của các ngành chức năng, ra sức khôi phục mô hình trồng trọt, chăn nuôi để ổn định kinh tế. “Kim chỉ nam của chúng tôi là không để ai bị bỏ lại phía sau” - ông Sự nói.
Ở thôn Trà Đóa 1 (xã Bình Đào) cũng không còn hộ nghèo. Ông Đỗ Đức Thuận - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn cho biết, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nên căn cứ các nghị quyết của Đảng, chi bộ chỉ đạo và phối hợp với ban cán sự xây dựng kế hoạch cụ thể để giảm nghèo hiệu quả. Trong đó, tập trung nắm rõ nguyên nhân, nguyện vọng của hộ nghèo rồi phân công đảng viên và các hội, đoàn thể giúp đỡ. Thôn cũng tranh thủ nhiều nguồn, hỗ trợ con giống, cây trồng, quy trình kỹ thuật để hộ nghèo đầu tư xây dựng mô hình kinh tế.
“Toàn thôn luôn đoàn kết trong công cuộc giảm nghèo vì không muốn bất kỳ ai có hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau. Mặc dù bão số 9 ít nhiều có ảnh hưởng đến các mô hình kinh tế nhưng toàn thôn quyết tâm xây dựng lại. Thời điểm này, chúng tôi tranh thủ sự trợ giúp của các ngành chức năng, nhà hảo tâm, đặc biệt là đề xuất Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam tại Thăng Bình khoanh nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, cho vay mới để người dân trong thôn phát triển kinh tế” - ông Thuận nói.
Chung tay vì người nghèo
Theo bà Phan Thị Nhi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình, qua triển khai ở 22 xã, thị trấn cho thấy “Chung tay vì người nghèo” là phong trào thiết thực, giàu tính nhân văn, tạo điều kiện để mọi thành viên trong xã hội được bình đẳng, góp phần quan trọng cho địa phương thực hiện tốt kế hoạch xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Hằng năm, Mặt trận huyện và cơ sở phối hợp tốt với chính quyền triển khai hiệu quả các cuộc vận động “Vì người nghèo”, “Tháng cao điểm vì người nghèo”, “Tiếp sức người nghèo vươn lên”. Qua vận động, nhiều doanh nghiệp đã nhiệt tình góp sức, ủng hộ người nghèo như Công ty CP Vinpearl chi nhánh Quảng Nam, Công ty TNHH Domex Quảng Nam, Tập đoàn Hoàng gia Hội An, Xí nghiệp Gạch tuynel Bình Nguyên...
Từ năm 2016 đến nay, Quỹ vì người nghèo huyện Thăng Bình đã vận động được 40 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo. Trong đó, hỗ trợ xây mới, sửa chữa 608 nhà ở; trao 958 con bò, heo; trích hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; tổ chức thăm hỏi, tặng quà gần 20 nghìn lượt hộ khó khăn với tổng số tiền 9,8 tỷ đồng; hỗ trợ hộ ngư dân nghèo ngư lưới cụ tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Công cuộc giảm nghèo trên địa bàn huyện Thăng Bình đã đạt được nhiều thành quả, số hộ nghèo đã giảm từ 3.949 hộ (tỷ lệ 7,37%) năm 2016 xuống còn 2.065 hộ (tỷ lệ 3,82%) năm 2019.
Để đẩy mạnh giảm nghèo bền vững trong thời gian đến, bà Phan Thị Nhi cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cùng với đó, đổi mới phương thức vận động ủng hộ người nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ vì người nghèo, thu hút thêm sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành, các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm...