Thời gian qua, các cấp, các ngành của huyện Duy Xuyên tích cực triển khai thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng văn hóa ở cơ sở, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Lễ hội Bà Thu Bồn - nét đẹp văn hóa truyền thống ở vùng tây huyện Duy Xuyên. Ảnh: HOÀI NHI |
Xác định xây dựng tộc văn hóa góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có của dòng họ, những năm qua tộc Trần Viết ở xã Duy Phú (Duy Xuyên) tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động con cháu chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời thực hiện tốt quy ước của tộc đề ra. Ông Trần Minh Đạt - Trưởng tộc Trần Viết cho hay, thời gian qua công tác khuyến học, khuyến tài luôn được tộc quan tâm, thông qua việc xây dựng nguồn quỹ gắn với chú trọng vận động con cháu đến trường với phương châm “Học vì ngày mai lập thân, lập nghiệp”. Theo ông Đạt, qua thống kê sơ bộ, hiện Tộc Trần Viết đã có hơn 60 em thi đỗ vào các trường đại học. Riêng năm học 2017 - 2018, tộc có 3 em đạt huy chương vàng, huy chương bạc trong kỳ thi học sinh giỏi khối THPT do tỉnh tổ chức. “Vào các dịp Xuân kỳ, Thu tế, Tết Nguyên đán..., hội đồng gia tộc vận động con cháu ký cam kết không vi phạm pháp luật, không sinh con thứ 3 trở lên, nỗ lực xây dựng thành công mô hình tộc “3 không” là không thất học, không đói nghèo và không tội phạm. Đặc biệt trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tộc tích cực vận động con cháu tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công sức để tham gia xây dựng mô hình nông thôn mới, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị liên quan triển khai thi công đoạn đường ĐH 7 đi qua địa bàn thôn Nhuận Sơn của xã Duy Phú” - ông Đạt chia sẻ thêm.
Trẩy hội Bà Chiêm Sơn Nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi 2019, các tộc họ và nhân dân ở làng Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) vừa tổ chức sôi nổi lễ hội truyền thống Bà Chiêm Sơn. Theo tư liệu lưu giữ, Bà Chiêm Sơn còn được gọi là Bà Đá - tức Bô Bô Thái Dương phu nhân, vị nữ thần được dân làng tin tưởng là vị phúc thần phù trợ cho xứ sở bình an, may mắn, hạnh phúc. Vì vậy, mỗi năm dân làng Chiêm Sơn đều tổ chức lễ hội với quy mô khác nhau nhưng tựu trung để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong nghi thức cúng tế, lễ vật dâng Bà bắt buộc phải có một con cua đồng, một nhánh tỏi, một cây cải và một con chồn. Người có lòng thành thì dâng cúng đĩa xôi, con gà luộc hay heo quay. Bên cạnh phần lễ là phần hội với không gian chợ quê, bày biện các món ăn hết sức dân dã. Cạnh đó là nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ như hô hát bài chòi, đá gà, cờ tướng. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trưng bày các sản vật nổi tiếng nơi đây như rượu tằm, dầu chổi, dầu tràm... Lễ hội Bà Chiêm Sơn là một loại hình văn hóa tâm linh của cộng đồng làng xã xứ Quảng, nét đẹp được lưu truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa người với người trong cộng đồng và hướng tới chân - thiện - mỹ. |
Không riêng tộc Trần Viết ở xã Duy Phú, thời gian qua phong trào chung tay xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn Duy Xuyên đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Theo ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, những năm qua các tộc họ ở nhiều địa phương của huyện phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, nỗ lực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội... Đa số các tộc họ làm tốt công tác giáo dục truyền thống, khuyến học, khuyến tài. Năm 2018, toàn huyện có 164 tộc xây dựng hoàn chỉnh tộc ước và hưởng ứng phong trào xây dựng tộc họ văn hóa, trong đó có 61 tộc được công nhận văn hóa.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng tộc họ văn hóa, những năm gần đây phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, cơ quan - đơn vị văn hóa góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhờ vậy, môi trường làng quê ngày càng trong sạch, lành mạnh, an ninh trật tự được giữ vững, hệ thống thiết chế văn hóa từng bước hoàn thiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, làm thay đổi diện mạo nông thôn và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. “Kết quả bình xét năm 2018 cho thấy, toàn huyện có 31.202 gia đình đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 93,13%; 70 thôn, khối phố đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 74,46%, tăng 11,7% so với năm 2017; 108/131 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đây là tiền đề, nền tảng vững chắc để huyện Duy Xuyên tiếp tục tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong những năm đến” - ông Cường cho biết thêm.
HOÀI NHI