Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia sau 20 năm triển khai đã đạt được thành quả đáng mừng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Song, vẫn còn nhiều khó khăn đã được nhận diện, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ trong thời gian tới.
Trường THPT Chu Văn An (Đại Lộc) - ngôi trường gần đây nhất được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: X.PHÚ |
Nhiều thành quả
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với giáo dục tiểu học giai đoạn 1996-2000, giáo dục mầm non giai đoạn 2002-2005, giáo dục trung học giai đoạn 2001-2010, ngay sau tái lập tỉnh, ngành GD-ĐT phối hợp với các địa phương tích cực triển khai và đến năm 2000 đã có trường đầu tiên được bộ công nhận đạt chuẩn quốc gia. Từ dấu ấn khởi đầu đó, đến nay toàn tỉnh có 128 trường mầm non, 195 trường tiểu học, 118 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Những địa phương có số trường đạt chuẩn nhiều như huyện Đại Lộc 61 trường (100%), Phú Ninh 33/34 trường (97%), thị xã Điện Bàn 68/70 trường (97,1%). Ở bậc THPT, xây dựng trường chuẩn có chậm hơn khi đến năm 2012 mới có trường đầu tiên đạt chuẩn. Tuy nhiên, nhờ tập trung đầu tư trong 2 năm 2015-2016 nên hiện tại, giáo dục THPT đã có 15 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong công tác xây dựng trường chuẩn, sự quan tâm của các địa phương đóng một vai trò rất quan trọng. Ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho biết, trong 5 năm qua thị xã đã đầu tư 221 tỷ đồng để giúp các trường chuẩn hóa cơ sở vật chất. Đó là chưa nói đến nguồn xã hội hóa trong các bậc phụ huynh, nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Nhờ đó, ở Điện Bàn ngoại trừ 2 trường mới thành lập, 68 trường còn lại đã hoàn thành công tác xây dựng chuẩn quốc gia.
Theo kế hoạch xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia của tỉnh, giai đoạn 2016-2020 cả tỉnh tập trung đầu tư cho 15 trường THPT để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, đã có 3 trường được kiểm tra công nhận đạt chuẩn là THPT Chu Văn An (Đại Lộc), Hiệp Đức và Hùng Vương (Thăng Bình). Các trường còn lại sẽ được kiểm tra công nhận từ nay đến năm 2020 với lộ trình mỗi năm có thêm 3 trường đạt chuẩn. |
Nhìn nhận về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, xây dựng trường chuẩn là giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, được toàn ngành và các địa phương quan tâm. Thông qua xây dựng trường chuẩn, các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công tác quản lý trường học được nâng cao rõ rệt. Để xây dựng trường chuẩn, chỉ tính trong 5 năm qua, cả tỉnh đã đầu tư 1.187 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, địa phương và người dân đóng góp xây dựng phòng học, phòng bộ môn, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Về chất lượng đội ngũ, hiện tại ở cấp học mầm non có 98,5% số giáo viên đạt chuẩn (trên chuẩn 49,1%), tiểu học có 97% đạt chuẩn (trên chuẩn 62%), THCS có 99% đạt chuẩn (23% trên chuẩn) và THPT có 99,9% đạt chuẩn (1% trên chuẩn). Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học đều tăng đáng kể, nhất là ở các trường đạt chuẩn quốc gia. “Điều rất đáng mừng là với tổng số 456 trường đạt chuẩn (tỷ lệ 57,7%), Quảng Nam là địa phương dẫn đầu 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong công tác xây dựng trường chuẩn. Điều đó thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp, nỗ lực của toàn ngành và sự hỗ trợ, đóng góp từ xã hội đối với sự nghiệp GD-ĐT nói chung, công tác xây dựng trường chuẩn nói riêng” - ông Quốc nói.
Chưa hết khó
Đạt được nhiều kết quả, song công tác xây dựng trường chuẩn của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, theo ông Quốc, vẫn còn một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác xây dựng trường chuẩn nên đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế. Ngành GD-ĐT cũng chưa có sự chỉ đạo mạnh mẽ đối với các trường học; vai trò tham mưu đối với chính quyền địa phương về xây dựng trường chuẩn quốc gia chưa thường xuyên và thiếu chặt chẽ. Do đó, sau 20 năm triển khai, số trường đạt chuẩn của một số địa phương vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, như huyện Nông Sơn (1 trường), Bắc Trà My (2), Nam Trà My (2), Tây Giang (3). Một lãnh đạo ngành GD-ĐT huyện Nông Sơn lý giải, vì “3 năm nay huyện không có chủ tịch UBND huyện nên thiếu sự quan tâm đầu tư”. Trong khi đó, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My - Võ Đăng Thuận cho rằng, địa phương có quá nhiều điểm trường lẻ, điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, muốn xây dựng một trường đạt chuẩn phải cần đến 5 - 7 tỷ đồng; do đó con số 2 trường đạt chuẩn đến nay cũng được coi là nỗ lực rất lớn của huyện.
Nói về công tác xây dựng trường chuẩn ở địa phương, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn chia sẻ, khó khăn duy nhất và cũng lớn nhất đối với địa phương lúc này là nguồn lực hạn chế nên không thể đầu tư xây dựng, sửa chữa trong khi nhiều trường học xuống cấp. Dù rất nỗ lực vận động từ nhiều nguồn, song đến nay Quế Sơn mới chỉ có 26 trường đạt chuẩn quốc gia, còn đến 15 trường chưa đạt chuẩn. Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT Điện Bàn cho biết, trường chuẩn đòi hỏi tỷ lệ giáo viên/lớp cao hơn nên địa phương đang thiếu khá nhiều giáo viên. “Hiện nay ngành GD-ĐT Điện Bàn đang thiếu 187 giáo viên và theo dự kiến đến năm 2020 sẽ thiếu 320 giáo viên. Đó là một nỗi lo khi giữ danh hiệu trường chuẩn” - ông Ngọc chia sẻ.
Theo kế hoạch của ngành GD-ĐT về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2017-2020, phấn đấu đến năm 2020 cả tỉnh có 60% số trường mầm non, 90% trường tiểu học, 60% trường THCS và 40% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, sẽ có thêm 120 trường mầm non, 156 trường tiểu học, 60 trường THCS và 10 trường THPT được kiểm tra công nhận đạt chuẩn. Cạnh đó, 350 trường sẽ phải kiểm tra công nhận lại (vì sau 5 năm đạt chuẩn phải kiểm tra công nhận lại). Dự kiến nguồn kinh phí đầu tư lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 1.800 tỷ đồng. Với những khó khăn, vướng mắc hiện nay, rõ ràng để mục tiêu này trở thành hiện thực rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương và ngành GD-ĐT với một kế hoạch, lộ trình cụ thể.
XUÂN PHÚ