(QNO) - Sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ cùng khởi động hệ thống xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng vào giữa cuối tháng 4 vừa qua là dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam sau chiến tranh.
Nguy cơ thường trực
Tại buổi lễ, Đại sứ Hoa Kỳ David B.Shear phát biểu: “Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam mới vào mùa hè năm ngoái. Tôi nghĩ không có dự án nào tốt hơn dự án này để nói về tình hữu nghị ngày càng phát triển giữa hai nước”. Tiếp đó, ngày 21.4 tại Đồng Nai, nhóm đối thoại Việt - Mỹ một lần nữa cùng ngồi lại nỗ lực tìm biện pháp khắc phục hậu quả chất độc hóa học, xoa dịu nỗi đau da cam do Mỹ để lại sau chiến tranh.
Theo công bố của một nhóm tác giả trên tạp chí Nature thì chiến dịch dùng hóa chất bởi quân đội Hoa Kỳ tiến hành ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất thế giới. Cụ thể, trong vòng 10 năm (từ năm 1961 - 1971), Mỹ - ngụy đã rải 76,9 triệu lít hóa chất xuống 2,63 triệu ha rừng núi và đồng ruộng Việt Nam. Trong số này có 64% là chất độc da cam (CĐDC), 27% chất màu trắng, 8,7% chất màu xanh và 0,6% chất màu tím. Tổng số lượng dioxin Việt Nam hứng chịu vào khoảng 370kg.
Số liệu của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam cho thấy, sau 39 năm chiến tranh kết thúc, hiện có gần 5 triệu người bị phơi nhiễm dioxin. Chất dioxin được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá là “loại thuốc độc nhất mà con người tìm ra được cho đến lúc này”. Nặng nhất vẫn là nguy cơ phơi nhiễm mới ở các sân bay Biên Hòa, Phù Cát (Bình Định) và Đà Nẵng. Ngoài ra, gần 30 tỉnh thành trên cả nước đều ít nhiều gánh chịu hậu quả của dioxin.
Trao xe lăn và máy trợ thính cho NKT tại Đà Nẵng. |
Bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là “trung tâm đầu tiên” của kế hoạch phun rải thuốc diệt cỏ mang chất độc hóa học trong chiến tranh của Mỹ, nên hiện là một trong những địa phương chịu hậu quả nặng nề. Nhiều gia đình có cả ông, bà, cha, mẹ, con và cháu mang di chứng dioxin nặng nề. Số nạn nhân dioxin đã hơn 5.000 người, trong đó có hơn 1.400 trẻ em sinh ra trong hòa bình nhưng mang đủ loại thương tật do di chứng chất độc da cam gây ra. Theo các chuyên gia khảo sát về tình trạng chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa thì mức báo động gấp ba lần sân bay Đà Nẵng. Bởi lẽ, sân bay Biên Hòa nơi đặt kho chất độc hóa học chính của quân đội Mỹ và các đồng minh. Số nạn nhân dioxin tại Đồng Nai đã lên đến hơn 13.000 người. Hiện nay, tại sân bay Biên Hòa dù đã có các biện pháp cô lập nhưng nguy cơ lan tỏa dioxin tồn dư tại đây theo các dòng suối, theo nước mưa trào ra sông Đồng Nai và các khu dân cư vẫn rất cao. Do dó, nguy cơ phơi nhiễm dioxin đối với người dân Biên Hòa là nỗi lo dai dẳng mấy chục năm nay, ngay cả ở trung tâm thành phố.
Cộng đồng cùng vào cuộc
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, chính phủ Mỹ và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam khá nhiều trong việc khắc phục CĐDC. Cụ thể: Dự án cô lập 7.500m3 đất bị nhiễm dioxin ở sân bay Phù Cát. Đặc biệt, dự án xử lý môi trường ô nhiểm dioxin tại sân bay Đà Nẵng sau 3 năm triển khai, đến ngày 19.4 bắt đầu đóng điện khởi động hệ thống xử lý nhiệt tẩy độc dioxin. Hơn 73 nghìn khối đất bùn ô nhiễm được nung nóng trong bể chứa nhiệt độ 350 -700 độ C, bị phân hủy thành đất sạch hoàn toàn vào cuối năm 2016. Tổng kinh phí dự án từ 42 triệu USD ban đầu đã tăng gấp đôi, thành 84 triệu USD, từ nguồn vốn ODA do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại và 34 tỷ đồng đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế.
Ông Joakim Parker - Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết, nhiều năm qua Chính phủ Hoa Kỳ đã cho tiến hành cùng lúc giúp đỡ người khuyết tật (NKT) tại Việt Nam và nạn nhân CDDC nói riêng, tẩy độc môi trường ô nhiễm dioxin và hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nhiều nước trong lĩnh vực trên. Khởi đầu từ năm 1989 với Quỹ Nạn nhân chiến tranh của Thượng nghị sĩ Patrich Leahy (đương kim Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ) có tổng kinh phí 60 triệu USD cho NKT tại Việt Nam. Đáng kể, thông qua Ban điều phối quốc gia về NKT Việt Nam (thành lập năm 2001) đã triển khai “Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp NKT”, “Chương trình hội nhập cho NKT”. Trong đó, tập trung vào giáo dục và hội nhập xã hội, giúp các cơ quan chính phủ xây dựng và thực thi chính sách cho NKT Việt Nam.
Kết quả, đến tháng 4.2014 có 1.000 thanh niên NKT được rèn luyện kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm và 85% sinh viên NKT tìm được việc làm; 837 NKT được khám lâm sàng, hỗ trợ 50 xe lăn, 70 gậy dò đường cho người khiếm thị, 17 máy trợ thính; 451 trẻ NKT được nhận học bổng; 76% trẻ NKT trong độ tuổi đi học được đến trường (tại những nơi thực hiện dự án USAID); 60 NKT khởi nghiệp kinh doanh, trong đó có 22 người thuộc Hội NKT Đà Nẵng; 3.469 giáo viên và cán bộ quản lý được đào tạo về giáo dục và hội nhập xã hội cho NKT...
Tại hội nghị bàn tròn lần thứ 2 của Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về CĐDC tại tỉnh Đồng Nai, ngày 21.4 vừa qua, một mục tiêu chung được các thành viên đưa ra là đến năm 2020, phải xử lý triệt để chất độc hóa học tại các điểm nóng; tăng cường hỗ trợ, có chính sách ưu đãi hơn với những người không may nhiễm dioxin đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu về CĐDC, nhằm phòng ngừa tác hại di truyền qua thế hệ sau, phát hiện và chữa các tổn thương do chất dioxin gây ra… TS Đỗ Hoàng Long - Vụ trưởng Vụ Đối ngoại nhân dân cho rằng, các bên cần nỗ lực trong việc khắc phục nỗi đau da cam, cả về mặt con người cũng như phục hồi môi trường. Việc khắc phục này là cả một chiến lược lâu dài.
VĂN SANH