Chúng tôi làm báo Văn nghệ giải phóng

THANH QUẾ 29/04/2018 09:58

Vào những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ đóng ở xã Nghêu (nay là xã Trà Ka, huyện Nam Trà My, Quảng Nam).

Một số văn nghệ sĩ khu 5 ở chiến khu. Ảnh tư liệu
Một số văn nghệ sĩ khu 5 ở chiến khu. Ảnh tư liệu

Nói là làm báo nhưng thực ra, chúng tôi phải làm những việc như mọi cán bộ, chiến sĩ ở khu 5 trong chiến tranh: chống càn, di chuyển, làm nhà, sản xuất, theo các đoàn cán bộ và bộ đội đi các chiến dịch, các đợt tuyên truyền phát động quần chúng sản xuất, chiến đấu, chống dồn dân, bắt lính, cướp bóc thóc gạo của địch. Vì thế, làm báo là nhiệm vụ chính lại biến thành việc phụ. Tờ báo lại ra không đều kỳ, có khi 3 tháng một số, có khi 4, 5, 6 tháng một số, thậm chí có khi kéo dài tới cả năm mới có một số, bởi đã bận bao việc tôi vừa kể trên lại thiếu bài vở một cách trầm trọng. Nếu tình trạng ấy mà xảy ra bây giờ thì tòa soạn đói to, lại bị cấp trên kỷ luật nữa. May sao ngày ấy cấp trên chẳng khiển trách, lại còn cấp cho chút ít lương thực, thực phẩm, chúng tôi lại tự sản xuất nên rau sắn nuôi nhau qua ngày.

Chúng tôi không thể đặt bài cho anh em sáng tác văn học các tỉnh vì họ ở xa, trong chiến tranh liên lạc nhau rất khó. Cuối cùng, vẫn anh em ở tạp chí và anh em bên Ban văn học Quân khu trằn lưng ra viết các bài “đinh”. Tôi nhớ, bên quân khu có các anh Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, còn bên tạp chí thì có Chu Cẩm Phong, Dương Hương Ly là chủ lực, gánh vác công việc này. Mặt khác, muốn cho tờ tạp chí văn nghệ địa phương phong phú thì phải có nhiều văn xuôi (ký, truyện, ghi chép) và các bài về văn hóa, văn nghệ địa phương. Trong khi đó, bản thảo về các loại này rất thiếu. Bởi vậy, khi anh em trong cơ quan đi công tác, thường được các thủ trưởng dặn cố viết văn xuôi (đặc biệt dặn dò anh em làm thơ) và thu thập được nhiều bài về tình hình hoạt động cũng như phê bình, giới thiệu văn hóa văn nghệ các địa phương nơi mình đến.

Từ cuối năm 1971 về sau, tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ đã có thêm khoảng 10 anh chị em sáng tác văn học, đều là học viên khóa 4, Hội Nhà văn Việt Nam bổ sung cho chiến trường khu 5. Đã có lực lượng rồi, để cho tờ tạp chí phong phú về các mảng đề tài như chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phá khu dồn, diệt ác, trụ bám ở đồng bằng cũng như việc sản xuất và phục vụ chiến đấu của đồng bào các dân tộc miền núi, các anh lãnh đạo tạp chí cử anh chị em đi theo các chiến dịch, xuống các địa phương. Tôi nhớ lúc ấy, các anh Nguyễn Khắc Phục, Nay Nô, Hoàng Hởi đi chiến dịch Kon Tum; Hà Phan Thiết, Bùi Thị Chiến, Từ Quốc Hoài đi chiến dịch Bắc Bình Định; Trần Vũ Mai đi Khánh Hòa; tôi đi Phú Yên; Đỗ Văn Đông, Nguyễn Bá Thâm, Hoàng Minh Nhân đi Quảng Nam, Quảng Đà; Nguyễn Đức Hạt, Phan Nghĩa An đi Đức Phổ (Quảng Ngãi)… Do vậy, bài vở cho tạp chí được phong phú hơn về đề tài các mặt hoạt động ở khu và các tỉnh. Tạp chí cũng ra đều kỳ hơn, cứ 3 tháng một số. Một lực lượng biên tập ở nhà cũng hùng hậu hơn, các anh Hải Lê, Cao Duy Thảo, Dương Hương Ly, Ngô Thế Oanh… thay phiên nhau vừa biên tập vừa “gánh vác” những bài phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước, phù hợp với hoạt động của chiến trường…

Sau ngày Hiệp định Pari được ký kết, tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ cùng Ban Tuyên huấn khu 5 dời xuống khu vực sông Trà Nô, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam. Lúc này, một số lãnh đạo Hội Văn nghệ giải phóng khu 5 và tạp chí ra bắc chữa bệnh, nhà văn Nguyễn Chí Trung phụ trách cả 2 tạp chí văn nghệ ở khu: Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ và tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ. Nhà văn Nguyễn Chí Trung đem hòa lực lượng phóng viên, biên tập hai tạp chí lại với nhau và phân chia anh chị em đi theo các đề tài và sở trường của từng người. Khi chúng tôi viết xong bài, anh Trung tập hợp tất cả lại rồi đem chia theo đề tài cho cả hai tạp chí, bên Văn nghệ Quân giải phóng nặng về đề tài quân sự hơn một tí, bên Văn nghệ giải phóng nặng về đề tài “dân chính” hơn một tí. Vì thế hai tạp chí bổ sung cho nhau, cùng nâng cao chất lượng. Do bài vở ngày càng phong phú nên càng về cuối cuộc chiến tranh (1973-1975) tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (cả tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ) ra đều kỳ hơn, cứ 2 tháng 1 số.

Tuy có nhiều khó khăn, trở ngại, bất trắc và cả những hy sinh, những tờ báo ở vùng giải phóng khu 5, trong đó có tờ tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ của chúng tôi vẫn lặng lẽ ra đời, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ và đồng bào khu 5 vững bước trên con đường kháng chiến để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

THANH QUẾ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chúng tôi làm báo Văn nghệ giải phóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO