Chuỗi 10 cửa hàng bánh mì que của chàng sinh viên năm cuối

KIỀU LY - THÀNH LINH 23/11/2021 10:43

(QNO) - Nguyễn Thành Đạt (xã Tam Tiến, Núi Thành) - sinh viên năm cuối Trường Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh được biết đến với chuỗi cửa hàng bánh mì que cho doanh thu cao.

Nguyễn Thành Đạt (bên trái) trong lần khai trương cửa hàng tại xã Tam Tiến (huyện Núi Thành). Ảnh: LL
Nguyễn Thành Đạt (bên trái) trong lần khai trương cửa hàng bánh mì que tại xã Tam Tiến (Núi Thành). Ảnh: L.L

Tính chịu thương chịu khó của người dân vùng biển Tam Tiến đã ăn sâu vào tính cách của Nguyễn Thành Đạt. Thế nên, khi còn là sinh viên năm nhất, Đạt đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đi làm thêm như phục vụ quán ăn, shipper, gia sư… Ngoài kiếm thêm thu nhập trang trải việc học thì đi làm thêm còn giúp Đạt có thêm kinh nghiệm, kỹ năng cũng như nuôi dưỡng niềm đam mê kinh doanh.

Sau thời gian dài tích lũy, đầu năm 2020, Đạt mở một quầy bánh mì que, bắt đầu thực hiện giấc mơ kiếm tiền tại TP.Hồ Chí Minh. Với số tiền ít ỏi 8 triệu đồng, Đạt mua một chiếc tủ nhỏ và nguyên phụ liệu. Ngày đầu khai trương, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, xe bánh mì của Đạt bán hết gần 100 ổ.

Đạt chia sẻ, bánh mì bán chạy một phần vì đây là món ăn nhanh, no lâu nhưng giá thành lại thấp, phù hợp với nhóm khách hàng là học sinh, sinh viên mà anh hướng đến; phần khác do anh tạo sức hút bằng thương hiệu bánh mì Hội An đã có trước đó.

Mỗi chiếc bánh mì que được bán với giá 10 - 15 nghìn đồng. Ảnh: LL
Mỗi chiếc bánh mì que có giá 10 - 15 nghìn đồng. Ảnh: L.L

Từ quầy hàng nhỏ, trước sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng, ông chủ trẻ tập trung đầu tư bài bản hơn với bộ nhận diện thương hiệu bắt mắt gồm đồng phục, mũ, tạp dề, găng tay… Chỉ sau thời gian ngắn, 7 quầy bánh mì lần lượt ra đời, mỗi điểm thường có 3 - 4 nhân viên, mỗi tháng cho doanh thu trung bình 40 - 60 triệu đồng/quầy.

Đang ăn nên làm ra thì tháng 5 vừa qua TP.Hồ Chí Minh bùng phát dịch bệnh Covid-19, đóng cửa toàn thành phố, Đạt tạm gác hoạt động kinh doanh và việc học, theo bà con đồng hương về quê. Đây cũng là lúc anh mang thương hiệu của mình về xây dựng ở nơi mình sinh ra.

Dù không phải là sản phẩm mới nhưng với phong cách hiện đại, đội ngũ nhân viên trẻ trung, nhanh nhẹn, bánh mì que Hội An cũng sớm được người dân quê nhà đón nhận. Từ một cửa hàng ban đầu, chỉ trong vòng 2 tháng, Đạt mở liên tiếp thêm 2 tiệm bánh mì.

Mỗi cửa hàng Bánh mì que Hội An thường có từ 3-4 nhân viên bán hàng, cho doanh thu từ 40 - 60 triệu đồng/tháng. Ảnh: LL
Mỗi cửa hàng bánh mì que thường có 3 - 4 nhân viên, cho doanh thu 40 - 60 triệu đồng/tháng. Ảnh: L.L

“Chính niềm đam mê cùng với sự quyết tâm theo đuổi đã cho mình sự thành công như hôm nay. Việc thành lập Công ty TNHH Thành Đạt Food Việt Nam từ đầu năm 2021 và sở hữu trong tay chuỗi 10 cửa hàng là minh chứng cho sự thành công của tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm” - Đạt chia sẻ.

Đạt tâm sự, hiện chỉ mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để làm tiếp những công việc dở dang tại TP.Hồ Chí Minh. Song song với đó là mở rộng quy mô kinh doanh để thương hiệu bánh mì que Hội An được nhiều nơi biết đến hơn nữa.

Nhờ tài kinh doanh nên dù về quê tránh dịch Đạt vẫn có doanh thu ổn định và tiếp tục tạo việc làm cho hơn 10 sinh viên. “Công việc bán bánh mì que rất nhẹ nhàng, bắt đầu từ hơn 5 giờ và đến 8 giờ là xong. Mỗi tháng mình có thêm 1,5 - 2 triệu đồng, giúp trang trải được rất nhiều việc” - một sinh viên chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuỗi 10 cửa hàng bánh mì que của chàng sinh viên năm cuối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO