Chuỗi đô thị du lịch

QUỐC TUẤN 27/08/2019 15:04

Khu vực Trung Bộ có một vệt đô thị nối tiếp nhau. Tuy nhiên để phố nối phố thành chuỗi đô thị làm động lực thúc đẩy phát triển vùng thì vị trí địa lý liền kề nhau là chưa đủ.

Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ lớn nhất trong chuỗi đô thị của khu vực. Ảnh: Q.T
Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ lớn nhất trong chuỗi đô thị của khu vực. Ảnh: Q.T

1. Đi từ điểm đầu Lăng Cô đến điểm cuối Hội An trong chuỗi đô thị có 4 điểm nối này tầm chưa đến 70km, tức là vẫn còn gần hơn khoảng cách từ điểm “cực bắc” đến “cực nam” của nhiều tỉnh ở khu vực duyên hải miền Trung, đơn cử như chính Quảng Nam.

Qua thời ngăn sông, cách… đèo, lều chõng lai kinh ứng thí của mấy trăm năm trước, giờ đây một chiếc xe máy chạy tà tà từ Lăng Cô vào đến phố cổ Hội An mất chỉ tầm một tiếng rưỡi. Câu nói “sáng ở Huế, xế ở Quảng” của ông bà trước đây như chỉ dấu cho mối liên hệ mật thiết và khoảng cách… không xa của hai (hiện nay là ba) địa phương này. Ví von hơn thì bây giờ “trưa ở Huế, xế đã có thể ở Quảng”.

Phải rành mạch là 4 đô thị trong vệt đô thị đang đề cập này đều mang sắc thái riêng với quy mô khác nhau. Hơn hai thập niên rồi Đà Nẵng đã là thành phố trực thuộc Trung ương, Hội An cũng nâng cấp từ thị xã lên thành phố thuộc tỉnh chừng mười năm trước, Điện Bàn mới “lò dò” thành thị xã bốn năm nay, còn Lăng Cô bao năm vẫn là thị trấn lạc giữa những cung đèo. Nhưng tựu trung, các đô thị này ít nhiều đều đã từng có “sợi dây” kết nối quan trọng từ lâu.

Vọng về quá khứ, ở thời mà xứ Đàng Trong còn phồn thịnh, ngoài Huế là kinh đô, Thanh Chiêm (Điện Bàn) là dinh trấn cực kỳ quan trọng trong khi Hội An luôn là thương cảng sầm uất nhất mãi đến sau này Đà Nẵng dần thay thế vị trí đó. Từ lâu, vùng đô thị này cũng là trục “xương sống” quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kéo dài từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định.

Dòng sông Cổ Cò khi được khơi thông sẽ tăng cường kết nối các đô thị trong chuỗi nhất là về hoạt động du lịch. Ảnh: Q.T
Dòng sông Cổ Cò khi được khơi thông sẽ tăng cường kết nối các đô thị trong chuỗi nhất là về hoạt động du lịch. Ảnh: Q.T

2. Năm 2005, hầm đường bộ Hải Vân được thông kéo Thừa Thiên - Huế nói chung và Lăng Cô nói riêng “xích lại” gần hơn với xứ Quảng. Trước đó mấy năm, Quảng Nam và Đà Nẵng cũng rục rịch câu chuyện khơi lại con sông Cổ Cò - dòng Lộ Cảnh giang huyền thoại từng là chứng nhân cho một thời giao thương nhộn nhịp của Hội An, Đà Nẵng với tàu buôn ngoại quốc. Nhưng đã gần hai thập kỷ trôi qua, con sông vẫn đứt quãng.

Trong nhiều cuộc họp, hội thảo về phát triển kinh tế miền Trung, các chuyên gia đến từ Viện Kinh tế Việt Nam từng lặp đi lặp lại điểm mạnh nhất của các địa phương miền Trung là… “mạnh ai nấy chạy”. Điều này phần nào phản ánh sự cục bộ, thiếu gắn kết giữa các địa phương và hẳn nhiên mối liên hệ giữa các đô thị trong vùng cũng từ đó nhạt nhòa theo.

Dễ thấy lợi thế chung lớn nhất của vệt đô thị Lăng Cô - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An không gì khác ngoài du lịch. Nhưng cũng từ lợi thế chung này không khỏi dẫn đến sự trùng lặp sản phẩm du lịch phục vụ nếu không tạo ra sự khác biệt nhất là với các điểm du lịch “yếu thế” hơn. Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND TX.Điện Bàn nhìn nhận: “Nếu không có sản phẩm du lịch biển mới, thực sự đặc sắc, rõ ràng khách sẽ chọn Đà Nẵng hoặc Hội An chứ không mặn mà thăm thú dải ven biển của Điện Bàn”.

Việc phân chia chức năng của đô thị thay vì ôm đồm là điều cần thiết để 4 đô thị này không “dẫm chân” nhau. Ở giác độ một đô thị nhỏ, trung bình Lăng Cô và Điện Bàn có thể là vùng nguyên liệu, nơi sản xuất để cung cấp cho hai thị trường tiêu thụ lớn của khu vực là Đà Nẵng, Hội An.

Theo TS.Nguyễn Ngọc Hiếu - Học viện Hành chính quốc gia, Điện Bàn khó có thể cạnh tranh về tính mới so với Đà Nẵng hay tính cổ kính của Hội An nên tạo ra sự khác biệt rõ ràng có nhiều khó khăn. Muốn tạo ra và giữ lợi thế cạnh tranh, Điện Bàn cần có các hệ thống theo dõi và đánh giá cập nhật so với các thị khác bằng con số và độ tin cậy - đó chính là chuẩn mực phản ánh kết quả quản lý và định hướng sự hoàn thiện và cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuỗi đô thị du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO