Giấc mơ của phố...
Quảng Nam đã có một chặng dài với hành trình phát triển đô thị, đặc biệt là sau ngày tái lập tỉnh, những vùng đất vốn là nơi “hội tụ” của người dân từ miền xuôi đến miền ngược xưa kia đã trở mình thành những đô thị nhộn nhịp. Sự hình thành của phố đã cho con người những giấc mơ về sự gắn kết, hội tụ để tìm thấy sự phồn thịnh.
“Lột xác”
Lật lại những trang tư liệu cũ mới thấy ngã ba Nam Ngãi (TP.Tam Kỳ) đã từng tồn tại trong ký ức của nhiều lữ khách. Ngã ba được cho là trung điểm của cả nước này đã được nhiều người biết đến không chỉ theo kiểu là trung tâm, nơi bán mua sầm uất của đô thị Tam Kỳ ngày nào, là ngả rẽ xuôi Nam ngược Bắc hay lên miền thượng Quảng Nam… mà đây là một trong những nét nổi bật của cái “kỳ” về một đô thị chỉ toàn ngã ba của địa danh Tam Kỳ. Tôi đã từng dắt nhiều người bạn ở những miền đất khác nhau đến đây khuya khoắt sau những cuộc hội ngộ và chúc tụng tưng bừng để tìm lại cảm xúc u hoài, phân vân trước một ngả rẽ mà ký ức của nhiều người từng ghi dấu. Chỗ chúng tôi thường ngồi là một quán cháo gà trên vỉa hè sạch sẽ, bên thềm của hiệu sách Nam Ngãi mà hai anh em ông Nguyễn Đăng Toản và Nguyễn Đăng Lạng, người Quảng Ngãi ra đây gầy dựng thuở nào. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên, Nam Ngãi bây giờ đã thành ngã tư mất rồi, đường sá khang trang, chỉ một vài quán khuya hiu quạnh, vắng bóng đám xe ôm nhí nhố thức suốt đêm chờ chực “viễn khách”.
Sông Bàn Thạch - đồi An Hà nhìn từ trên cao. Ảnh: LÂM CHÍ KHOA |
Nam Ngãi đã đổi thay, không còn vẻ hoài cổ bởi có lẽ sự sầm uất của nơi đây đã được “chia” cho nhiều góc phố khác cũng đang là trung tâm của đô thị “3 kỳ” này. Tam Kỳ đang trong quá trình đô thị hóa cực nhanh. Từ một thị xã nhỏ bé, sũng nước, nhiều ngõ cụt… cách đây chừng mươi năm trước, Tam Kỳ bây giờ đã là đô thị mang dáng dấp hiện đại, phố xá khang trang. Đô thị Tam Kỳ đã mở rộng không gian, biến nhiều vùng quê thành phố và phát triển đô thị với sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Tuyến đường Hùng Vương có con lươn to tướng hay các tuyến xương cá liên hoàn, trục Nguyễn Chí Thanh rộng thênh… đã cho thấy lợi thế của một thành phố trẻ trong quá trình quy hoạch, phải dành quỹ đất dồi dào để mở rộng đường sá trong tương lai, đáp ứng nhu cầu phát triển của một đô thị tỉnh lỵ…
Quốc lộ 1 qua địa bàn Quảng Nam được xem là “mặt tiền” trong quá trình phát triển chuỗi đô thị. Tốc độ phát triển đô thị gia tăng trong những năm gần đây đã làm cho những “thị trấn ven đường” trên hành trình thiên lý Bắc – Nam xưa kia trở thành những cụm phố xá, đô thị sầm uất, nhộn nhịp. Ví như thị trấn của vùng đất “đi đầu diệt Mỹ” Núi Thành, vốn chỉ co cụm ở một dãy phố chưa đến 1km ồn ào tiếng còi tàu xe xưa kia, đô thị Núi Thành giờ đây đã nối dài đến Tam Hiệp, Tam Nghĩa; giãn nở, phình ra bởi các tuyến số 2, số 3 là những trục xương sống đô thị song song với quốc lộ 1 vốn có lưu lượng giao thông đông đúc. Hay như Hà Lam, Nam Phước, Vĩnh Điện, phố bây giờ gần như đã liên hoàn nhờ hạ tầng đô thị phát triển nhanh, tuyến quốc lộ 1 được mở rộng, kết nối những vùng nội đô đang được đầu tư đồng bộ. Còn với Ái Nghĩa hay Thạnh Mỹ, Khâm Đức, nhiều người đã bất ngờ khi lâu mới ghé thăm, chỉ trong một thời gian ngắn, phố xá ở đây đã thênh thang hơn, tấp nập người hơn và trở thành cửa ngõ giao thương của nhiều vùng đất…
Định hướng đô thị hóa
Sở Xây dựng vừa giao nhiệm vụ cho Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam lập “Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và 2030”. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh có 20 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại II (Tam Kỳ, Hội An), 1 đô thị loại III (Núi Thành), 6 đô thị loại IV (Điện Bàn, Ái Nghĩa, Nam Phước, Hà Lam, Thạnh Mỹ, Khâm Đức) và 11 đô thị loại V (6 đô thị hiện hữu là P’rao, Đông Phú, Tân An, Phú Thịnh, Tiên Kỳ, Trà My và 5 đô thị hình thành mới là Trung Phước, Tắk Pỏ, Tơ Viêng, Hương An, Việt An). Đến năm 2030, toàn tỉnh có 28 đô thị, bao gồm các đô thị đã có trước năm 2021 và 8 đô thị hình thành mới trong giai đoạn 2021 - 2030 (Chà Vàl, Sông Vàng, A Xan, Kiểm Lâm, Duy Nghĩa, Bình Minh, Vĩnh Phước - Lâm Tây, Phước Hiệp). |
Theo Ths. Lê Tú – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam, những năm qua, cùng với công nghiệp hóa, quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đã tạo lực đẩy phát triển kinh tế, giúp người dân có điều kiện tiếp cận và hưởng lợi những dịch vụ, tiện ích ở các đô thị để nâng cao đời sống. Hiện trên địa bàn Quảng Nam có 15 đô thị, gồm 2 đô thị loại III (Tam Kỳ và Hội An), 1 đô thị loại IV (Điện Bàn) và 12 đô thị loại V là các trung tâm huyện lỵ. Theo khảo sát của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam, dân số đô thị toàn tỉnh tăng từ 258.300 người (năm 2008) lên 279.851 người (năm 2013); tốc độ đô thị hóa (tốc độ tăng trưởng dân số đô thị) bình quân hằng năm là 1,62%; tỷ lệ đô thị hóa (tỷ lệ dân số đô thị trên tổng dân số) tăng từ 18,2% lên 19,2%. Trong đó, Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh là những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao nhất.
Ths. Lê Tú nhận xét, quá trình đô thị hóa ở Quảng Nam chủ yếu là những trung tâm huyện lỵ “lên đời”, mở rộng đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển (trừ TP.Hội An). Nhìn chung tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với cả nước (3,26%) và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (3,1%). Trước đây Quảng Nam cũng giống như nhiều địa phương khác, chưa có chiến lược phát triển đô thị tổng thể nên những định hướng, dự báo phát triển đô thị rất chung chung... Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, thời gian tới Quảng Nam phát triển theo định hướng dạng dải và chuỗi với cực phát triển đô thị; dọc theo các trục hành lang kinh tế - đô thị. Các trục đô thị hóa bao gồm: trục quốc lộ 1 kết nối các đô thị Núi Thành, Tam Kỳ, Hà Lam, Hương An, Nam Phước, Điện Bàn. Trục đường bộ ven biển kết nối các đô thị ven biển như Núi Thành, Tam Kỳ, Bình Minh, Duy Nghĩa và đô thị chuyên ngành Hội An. Trục Hồ Chí Minh kết nối dải đô thị P’rao, Thạnh Mỹ, Khâm Đức. Các hành lang phát triển của Quảng Nam gồm hành lang bắc Quảng Nam, kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với TP.Đà Nẵng và khu vực ven biển bắc Quảng Nam, qua các tuyến quốc lộ 14B, 14D và tỉnh lộ ĐT609. Hành lang trung Quảng Nam kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, vùng Tây Nguyên với Quảng Nam, thông qua các tuyến quốc lộ 14E, ĐT610, ĐT611. Hành lang nam Quảng Nam kết nối Khu kinh tế Chu Lai - Dung Quất với vùng Tây Nguyên, thông qua tuyến nam Quảng Nam. “Từ các tuyến hành lang này, sẽ hình thành những cụm động lực với các đô thị theo định hướng phát triển khác nhau để phát huy thế mạnh, gắn kết phát triển đô thị với kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai” - Ths. Lê Tú cho biết.
Bản sắc đô thị
TP.Tam Kỳ và Hội An có lịch sử phát triển đô thị không giống nhau. Tuy nhiên, điểm nhìn về tương lai lại khá tương đồng là mở không gian đô thị bám theo“cơ thể sống” hạ tầng hiện hữu, hướng đến thành phố sinh thái, thân thiện với môi trường.
Cổ kính và hiện đại
Không có những khu trung tâm thương mại sầm uất, nhưng Hội An vẫn có sức quyến rũ đặc biệt. Nhiều người đến đô thị cổ này không phải tận hưởng các dịch vụ, tiện ích hiện đại, mà đôi khi để… sống chậm, hiểu sâu giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất hội thủy, hội văn, hội nhân thuở nào. Một thành phố cổ kính với hơn một nghìn di tích kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật, di sản văn hóa của nhân loại. Hấp lực của đô thị cổ còn bao bọc bởi vẻ đẹp của biển, sông; hình thế đất liền là các đồi cát tây bắc xuôi dần xuống vùng đồng ruộng đông nam rồi ra cửa biển. Kiến trúc xây dựng bắt buộc không xây các tòa nhà cao tầng trong khu vực phố cổ. May mắn, tiến trình đô thị hóa tác động chậm nên Hội An vẫn không bị phá vỡ bởi trào lưu kiến trúc phê phán, hoặc vay mượn bản sắc. Thần sắc của Hội An là các giá trị vật thể (công trình kiến trúc nhà, chùa chiền, hội quán…) không bị nhạt nhòa trước thời gian. Đô thị cổ còn là minh định về sự giao thoa văn hóa của vùng đất cảng thị xưa, cộng sinh cho vẻ đẹp hữu hình ấy là lớp lớp trầm tích văn hóa bất biến.
Hướng dẫn viên giới thiệu các sản phẩm ở rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An). |
Khác với “đô thị già” Hội An, Tam Kỳ đang trong tiến trình xây dựng đô thị năng động, xứng tầm một thủ phủ kinh tế - xã hội, chính trị của tỉnh. Những năm qua, phần lớn nguồn lực của thành phố đều ưu tiên cải thiện môi trường đô thị (xây các hồ điều hòa sinh thái, hệ thống cấp thoát nước, đường Bạch Đằng với chức năng trị thủy…), xây mới các tuyến đường liên vùng, đầu tư các công trình trọng điểm như cầu Kỳ Phú 1&2, mở rộng đường Điện Biên Phủ. Các dự án lớn như Quảng trường 24.3, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh… đã, đang hoàn thành cũng sẽ tô điểm thêm sức sống cho phố. Hạ tầng kỹ thuật đô thị Tam Kỳ từng bước liên kết, liên vùng. Quá trình định hình đô thị thực tế đã bảo tồn được các khu dân cư, làng quê hiện hữu, không phát triển ồ ạt đến mức phải tái định cư quy mô lớn. Ý đồ quy hoạch đô thị thể hiện rõ là bám theo sông Bàn Thạch, Tam Kỳ, sông, bãi, hồ Phú Ninh, đồi An Hà... Theo các nhà quản lý, mảng màu sáng của Tam Kỳ chính là sức trẻ của đô thị với các công trình phức hợp, đô thị thương mại sầm uất ven sông và lợi dụng tối đa quần thể sông, hồ, núi, biển.
Đô thị mở
Đồ án quy hoạch chung đô thị Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 định hướng dịch chuyển trung tâm hành chính về phía đông, lấy trục đường Điện Biên Phủ, Lê Thánh Tông, các công viên hồ sông Đầm và ven sông Kỳ Phú làm cơ sở để mở rộng không gian. Giai đoạn 2020 - 2030, mở rộng phạm vi nội thị về phía đông sông Bàn Thạch; hoàn thiện các khu chức năng, các trung tâm chuyên ngành theo định hướng quy hoạch. Mô hình đô thị mở tương lai của TP.Tam Kỳ là giữ làng nông nghiệp và sinh thái phía nam đường Thanh Hóa, hạn chế phát triển đô thị, cải tạo khu vực đồi núi, làng xóm và đất nông nghiệp hiện hữu để giữ được hình ảnh phố trong làng. Về kiến trúc, khai thác lợi thế không gian mặt nước, cây xanh, kiến trúc nhà xây dọc sông Tam Kỳ tối đa không quá 4 tầng. Các trục phát triển du lịch ven biển, ven sông Trường Giang, khu vực cửa ngõ cũng được khoanh vùng. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu, dấu ấn đô thị Tam Kỳ bám theo núi, sông, hồ…, tận dụng triệt để cảnh quan tự nhiên.
Trong khi đó, Hội An cũng có tầm nhìn chiến lược trong nới rộng không gian. Nếu như trước đây, hiện trạng hạ tầng dồn vào khu vực phía bắc và đông bắc, thì gần đây dịch chuyển thêm về phía tây và tây bắc, chủ yếu thuộc địa bàn phường Cẩm An, Thanh Hà và bờ nam sông Thu Bồn, tạo thành các khu vực phát triển đô thị đặc thù. Đó là đô thị bờ biển tại An Bàng (phường Cẩm An), đô thị đất liền Thanh Hà, đô thị cù lao sông nước bờ nam sông Thu Bồn. Cho nên, khi điều chỉnh quy hoạch chung, chính quyền TP.Hội An vẫn ưu tiên mở rộng vành đai xanh, phát triển đô thị sinh thái. Bí thư Thành ủy Hội An – ông Nguyễn Sự nhất quán quan điểm, mở không gian nhưng không được chia cắt đô thị, các vùng bổ sung phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa cho nhau. Mở để thu hút đầu tư phát triển các dự án chiến lược cấp vùng, quốc gia và quốc tế; phát triển không gian Cù Lao Chàm theo hướng sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tạo sắc thái cảnh quan của khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Hành trình quê lên phố
Sinh sau đẻ muộn, song đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc đã làm nên cuộc hồi sinh về một vùng đất quá đỗi khó nghèo trong quá khứ.
Cửa ngõ Tứ Câu – Điện Ngọc (Điện Bàn) tấp nập người qua lại. Cuối năm, tuyến ĐT603 mở rộng đang thi công gấp rút để đáp ứng tốc độ phát triển đô thị nhanh ở khu vực này. Từ công viên văn hóa Tượng đài dũng sĩ Điện Ngọc đã nhìn thấy bóng dáng của đô thị mới. Nhà cửa cao tầng san sát ở các khu dân cư, không còn cảnh họp chợ ven đường nhếch nhác. Vào giờ tan tầm, các ngả đường rộn rã tiếng nói cười của công nhân. Cuộc sống đổi thay nhanh đến mức nhiều người không tin vào mắt mình. Giấc mơ đô thị văn minh đã thành hiện thực.
Ngã tư Tứ Câu - Điện Ngọc. |
Từ nổng cát hoang sơ của hơn 10 năm trước, bây giờ Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc gần như lột xác “dung nhan” cho hài hòa với khuôn mặt phố xá. Hàng loạt dự án mang tên bất động sản, cải thiện nâng cao loại hình du lịch - dịch vụ - thương mại, giáo dục - đào tạo, nhà ở xã hội… xúc tiến đầu tư nơi đây. Ít nhất có 58 dự án, với 2.200 tỷ đồng vốn đầu tư lấp đầy gần 1.100ha đất ở đô thị Điện Nam – Điện Ngọc từ 2003 đến nay, đây quả là nguồn lực không hề nhỏ. Trong một lần về thăm nơi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trầm trồ khen, đô thị Điện Nam – Điện Ngọc là mô hình khá thành công ở Việt Nam trên nhiều phương diện. Đó là chuỗi đô thị liên hoàn Đà Nẵng và phố cổ Hội An được khớp nối. Không gian đô thị mở rộng góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giúp người dân có cuộc sống ổn định.
Theo quy hoạch chung, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có diện tích 2.700ha, định hướng trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, du lịch và nghỉ mát và đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020 với dân số toàn đô thị khoảng 150.000 người. |
Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc bao trùm lên 5 xã Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung và Điện Nam Đông. Ở phía đông, quy hoạch cho phát triển du lịch, dịch vụ, trong khi khu vực phía bắc và trên tuyến ven biển Hội An – Đà Nẵng tập trung vào loại hình khu phố chợ, sắp xếp dân cư ổn định, hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Các khu phố chợ Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Trung; khu đô thị 1A, 1B đưa vào sử dụng đã dịch chuyển hàng nghìn hộ dân nông thôn trên địa bàn vào nơi ăn chốn ở khang trang. Thêm vào đó, nơi đây thu hút không nhỏ lượng dân cư nơi khác đến mua nhà làm ăn sinh sống. Theo ông Nguyễn Hữu Tích - Phó Trưởng ban Quản lý phát triển Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, vùng đông nhờ quy hoạch hợp lý, nguồn lực cho hạ tầng kỹ thuật đảm bảo, mô hình đô thị kiểu mẫu bước đầu thành công. Con đường “xương sống” ĐT 603 - 607 nâng cấp đã khớp nối vùng đông - vùng tây của huyện Điện Bàn, tạo tiền đề để địa phương này thành thị xã trong năm nay. “Ra đời muộn nên Điện Nam – Điện Ngọc tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu. Do vậy, tầm nhìn xa trông rộng trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết… và tận dụng thời cơ đầu tư vào đô thị mới sẽ là “chìa khóa vàng” giúp vùng đất này phát triển thành đô thị năng động” - ông Tích cho biết.
Một đô thị có tuổi đời hơn 10 năm đã ra được vóc hình. Lợi thế của Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, rộng ra đô thị Điện Bàn, là có nền tảng kinh tế, vị trí địa lý và sự đồng nhất về văn hóa và con người. “Tam giác đô thị” Đà Nẵng – Hội An và Điện Bàn là hợp quy luật phát triển. Cho đến nay, Điện Bàn được công nhận đô thị loại IV và đích về thị xã vào năm 2015 đang đến rất gần. Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn – ông Lê Trí Thanh khẳng định, đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc đã tạo cú hích, góp phần vào mục tiêu giúp Điện Bàn sớm được công nhận thị xã vào năm 2015. Phát triển đô thị địa phương đồng bộ với quy hoạch kinh tế - xã hội, liên kết vùng đông - tây tăng trưởng, xứng tầm vai trò động lực phát triển của khu vực.
THANH MINH - HỮU PHÚC