Một viên kim cương thô thì rẻ hơn nhiều so với một viên kim cương được cắt gọt thành sản phẩm trang sức và đem bán trên thị trường thời trang.
Cá ngừ đại dương, nếu các tàu khai thác hải sản ở miền Trung bắt lên và bán ngay thì rẻ hơn khi được bảo quản, chế biến thành các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Rau Trà Quế, nếu không được sản xuất theo quy trình sạch hơn và cung cấp cho các siêu thị thì giá trị cũng chẳng hơn mấy so với giá ở làng rau.
Vô số ví dụ tương tự sẽ cho chúng ta những suy ngẫm về quy trình tổ chức sản xuất, chế biến và phân phối theo chuỗi giá trị. Vậy chuỗi giá trị là gì? Theo các nhà kinh tế học, chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động. Sản phẩm đi qua tất cả hoạt động của các chuỗi theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản phẩm thu được một số giá trị nào đó. Chuỗi các hoạt động cung cấp cho các sản phẩm nhiều giá trị gia tăng hơn tổng giá trị gia tăng của tất cả hoạt động cộng lại. Chuỗi giá trị có thể áp dụng cho toàn bộ dây chuyền cung cấp và mạng lưới phân phối.
Giải thích như vậy e bà con nông dân sẽ thấy chữ nghĩa rối rắm. Có cách nào “diễn nôm” không? Đại khái, như cách hiểu của người Quảng từ xưa đã biết tổ chức các hoạt động thông qua một con đường “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Hành trình lên nguồn - xuống biển này làm gia tăng giá trị cho các sản vật. Thực vậy, nếu mít ở nguồn, cá ở biển mà không có thương lái thu mua đưa đi tiêu thụ thì chủ yếu chỉ để tự cung tự cấp, giá trị thấp hơn nhiều. Thông qua hoạt động trao đổi, mua bán những sản vật mới được giá hơn, tức tăng thêm giá trị cho người sản xuất. Còn trong mua bán, nếu mua tận gốc, bán tận ngọn thì thương lái cũng thu lợi nhiều hơn. Đó là chưa nói, nếu thông qua chuỗi trao đổi, mua bán đó, hệ thống dịch vụ còn kết hợp thêm hoạt động chế biến cho ra sản phẩm mới thì giá trị gia tăng hơn nữa.
Từ hoạt động sơ khai tự phát đó, tiến đến thời kinh tế thị trường hiện nay, đặc biệt với xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, cần suy ngẫm nhiều phương cách để hỗ trợ người nông dân hơn nữa. Quảng Nam đã xây dựng một số mô hình sản xuất sạch nhằm cung ứng sản phẩm ra thị trường. Qua đó một số sản phẩm như rau Trà Quế, rau Mỹ Hưng, Bàu Tròn,... đã thu được giá trị tăng thêm khi thực hiện chuỗi sản xuất đến tiêu thụ. Các tổ chức quốc tế như ILO hay JICA cũng đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ tạo chuỗi giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ Quảng Nam. Thành phố Minamiboso (Nhật Bản) đã triển khai dự án “Phát triển kinh tế địa phương nhờ đẩy mạnh khâu chế biến, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ với điểm xuất phát là Trạm dừng nghỉ đường bộ”. Điều đáng mừng là các hợp phần như: thiết lập cửa hàng bán rau sạch của HTX Mỹ Hưng; hỗ trợ máy sấy nông sản của HTX Nông nghiệp Bình Sa (Thăng Bình); hỗ trợ trang thiết bị phục vụ làng nghề trầm hương Tiên Phước; giới thiệu, quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch Quảng Nam tại cửa hàng nông dân thuộc Trạm dừng nghỉ Bình An (Thăng Bình)… đã tiến triển tích cực theo mục tiêu của dự án.
Ngày nay, chuỗi giá trị phải bắt đầu ngay từ khâu sản xuất, chế biến rồi đến phân phối. Cá, gà, heo, rau, lúa gạo, trái cây… đều phải được sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, rồi việc bảo quản sau thu hoạch, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và đưa ra thị trường qua chuỗi cung ứng. Một mình nông dân, người sản xuất sẽ không đủ sức, hoặc cũng không nên cáng đáng các khâu. Do đó, cần tổ chức lại lực lượng sản xuất, cải tiến tư liệu sản xuất, đồng thời thu hút các doanh nghiệp, tổ chức tham gia công nghiệp phụ trợ và hỗ trợ dịch vụ. Quảng Nam cũng cần nhanh chóng tranh thủ chủ trương cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
NGUYỄN ĐIỆN NAM