Người làng Bích Bắc (xã Điện Hòa, Điện Bàn) tin rằng, đúng vào thời khắc đất trời giao hòa, tiếng chuông càng ngân vang thanh thoát, cuộc sống của dân làng trong năm mới sẽ thêm nhiều may mắn, ấm no...
Hai lần giấu chuông
Tích xưa truyền rằng, sau khi xây chùa, người làng Bích Trâm (nay là các thôn Bích Bắc, xóm Bùng, xóm Phường của xã Điện Hòa) tự nguyện đóng góp của cải để đúc chuông đồng. Hay tin, một người ăn mày lạ mặt đến đóng góp hai đồng tiền đúc chuông. Khi ấy người làng Bích Trâm cho rằng đây là của cải không tinh khiết nên vứt hai đồng tiền đi. Qua nhiều lần đúc sửa, chiếc chuông vẫn khuyết 2 lỗ to bằng đồng tiền. Thấy sự lạ, người làng sắm lễ cúng và được mách rằng, để đúc được chuông thì phải tìm hai đồng tiền của người ăn mày nọ góp vào. Quả thật, sau đó làng đúc được chuông. Chuông có tiếng ngân thanh thoát và vọng đi rất xa. Biết người làng Bích Trâm đúc được chuông quý, triều đình Huế có chỉ dụ buộc dân làng phải đem chuông ra dâng. Tiếc bao công sức, tài lực mới đúc được chuông, vì vậy, người làng Bích Trâm bàn cách kháng dụ. Họ giao chuông cho một thầy chùa đem đi cất giấu, và quyết định cấp một mẫu đất tốt của làng cho nhà chùa canh tác, thu hoa lợi lo khói nhang phụng phật. Thời gian trôi qua, triều đình Huế cũng quên việc đòi chuông.
Chuông làng Bích Trâm.Ảnh: HÀN GIANG |
Theo cụ Nguyễn Xuân Tha (88 tuổi, thôn Bích Bắc), lần giấu chuông thứ hai là khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Lúc ấy, cha ông Tha làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Bích Quang (nay là xã Điện Hòa) đã cùng 8 thanh niên trung kiên của làng mang chuông đi chôn giấu, không để rơi vào tay giặc. “Họ đã nguyện trước bàn thờ phật là khi nào có đủ mặt 9 người thì mới chỉ nơi cất giấu chuông. Ai làm sai lời nguyện sẽ chịu quả báo thảm khốc. Sau này, Mỹ ngụy đã hai lần kéo về làng dùng các thiết máy móc định vị hiện đại để dò tìm chiếc chuông nhưng đều không có kết quả” - cụ Tha kể.
Tiếng chuông đón năm mới
Sau giải phóng, trong số 9 người mang chuông đi giấu khi ấy có người đã hy sinh. Do vậy những người còn lại vẫn kín tiếng như bưng, nơi giấu chuông trở thành bí mật đánh đố người làng. Nhiều cuộc tìm kiếm khi người dân khai hoang phục hóa vẫn không có kết quả. Đến năm 1994, hai người làm nghề rà tìm sắt phế liệu quê ở Đại Lộc đào được chiếc chuông ngay tại chân ruộng cách nền chùa cũ không xa. Thể theo nguyện vọng của dân làng, chiếc chuông được cơ quan chức năng lập thủ tục bàn giao cho cho chính quyền thôn Bích Bắc lưu giữ cho đến nay. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng thôn Bích Bắc, năm 2001, nhân dân xây dựng nhà văn hóa thôn đã kết hợp xây dựng tháp chuông và thỉnh chuông về đây. Cho đến bây giờ, “danh phận” của chiếc chuông cổ vẫn còn bị bao phủ bởi lớp bụi thời gian, đang chờ giới chuyên môn khám phá. Người làng chỉ biết chiếc chuông đã có niên đại hàng trăm năm. “Vào ngày cuối cùng của năm cũ, sau lễ cúng tất niên của làng, các vị cao niên chọn một cụ có uy tín, thuộc tuổi “tam hợp” đứng ra thực hiện nghi thức đánh ba hồi chuông đúng vào thời khắc giao thừa. Người làng tin rằng, tiếng chuông càng ngân vang thanh thoát, cuộc sống của người làng trong năm mới sẽ gặp thêm nhiều may mắn, ấm no” - ông Hùng chia sẻ.
Theo ghi nhận, chiếc chuông làng Bích Bắc có đường kính 60cm, phần thân chuông cao 1m, đỉnh treo chuông mang hình đôi rồng chầu ngậm ngọc đấu lưng nhau. Hoa văn chỉ có ở phần miệng chuông với hình con hươu đang chạy tương xứng ở 4 mặt thân chuông. Với vốn hiểu biết chữ Hán Nôm của mình, cụ Nguyễn Xuân Tha cho hay: “Chuông được người làng Bích Trâm đúc vào mùa hạ với mong ước cuộc sống sẽ luôn được bình an, ấm no. Niên hiệu năm đúc chuông không được thể hiện, rất có thể do biến cố lịch sử khi đó. Vấn đề này, trên chuông chỉ khắc ghi: “Thượng chúc. Đương kim hoàng thượng, thánh thọ. Vạn tuế, vạn vạn tuế”. Các nội dung văn tự khác trên chuông mang văn phong phật pháp nên rất khó hiểu đúng nghĩa. Vì vậy, người làng mong các nhà chuyên môn sớm vào cuộc nghiên cứu làm sáng tỏ, để được hiểu hơn về các giá trị lịch sử của chiếc chuông”.
HÀN GIANG