Chuồng trại cho trâu bò tránh rét

ĐÌNH HIỆP 17/02/2016 09:22

Trong những ngày giá rét, huyện miền núi Tây Giang có một cách làm hay đó là hỗ trợ người dân làm chuồng trại phòng tránh rét cho đàn gia súc. Sau gần 2 năm triển khai, chương trình này đã đem lại hiệu quả.

Những ngày này, dù giá rét kéo dài nhưng đàn bò của ông Bhling Hiêr, xã A nông, huyện Tây Giang vẫn no cái bụng và không bị cái rét hành hạ như mọi năm... Khác với nhiều năm trước, năm nay gia đình ông đã biết cách làm chuồng trại để phòng chống rét cho đàn bò và biết trồng cỏ để dự trữ thức ăn cho mùa đông. Đó là kết quả của cả một quá trình tuyên truyền, vận động của địa phương, các ban ngành huyện, sự hỗ trợ tài chính của tổ chức Malteser (tổ chức phi chính phủ của Đức) đã làm thay đổi tập quán chăn nuôi lâu đời của đồng bào nơi đây...

Chuồng trại kiên cố cho trâu bò chống rét. Ănh: Đ.HIỆP
Chuồng trại kiên cố cho trâu bò chống rét. Ănh: Đ.HIỆP

Gia đình ông Hiêr cũng như hàng chục hộ khác nằm trong vùng dự án của tổ chức Malteser tài trợ để phát triển đàn bò theo hướng sản xuất hàng hóa. Gia đình ông cùng với 12 hộ chăn nuôi khác trong thôn thành lập một câu lạc bộ phát triển thôn Acấp, nuôi trên 30 con bò. Ông Hiêr kể: “Mấy năm trước gia đình tôi chăn nuôi bò chủ yếu là thả rông trên núi, không chuồng trại, không chăn dắt, không có dự trữ  thức ăn nên cứ vào mùa mưa thì trâu bò đói rét nên ốm dần. Năm nay, thì khác, đàn bò của ông con nào con nấy mập ú ù. Trước đây bà con mình có biết làm chuồng cho con trâu, con bò đâu, chỉ biết nuôi thả rông ngoài trời thôi, mưa nắng mặc kệ, nó tự tìm thức ăn mà sống. Nay có hướng dẫn đầu tư của nhà nước bà con mình đã biết làm chuồng trại. Con bò nhanh lớn sẽ có lời, có kinh tế, nó giúp mình xóa đói giảm nghèo”. Ông Alăng Hiêr cho biết thêm: “Làm chuồng trại cho bò có nhiều cái lợi. Thứ nhất là bò không bị rét, bệnh tật, thứ hai là có nguồn phân hữu cơ dồi dào bón cho cây trồng nhất là cây lúa. Thứ ba là dễ theo dõi, quản lý, chăm sóc, khi cần tiêm phòng chỉ cần nhốt vào chuồng là tiêm được hết...”.

Ngoài dự án chăn nuôi bò tập trung và có chuồng trại tại 5 xã (A nông, A vương, Bha lêê, A tiêng và Tr’ hy), A nông có câu lạc bộ phát triển thôn Anoonh với 12 hộ, khoanh nuôi tập trung được 27 con trâu bò. Bha lêê có câu lạc bộ phát triển thôn R’cung với 8 hộ nuôi chung 8 con bò. A tiêng có câu lạc bộ Tơ viêng với 11 hộ, nuôi 20 con bò. Tr’ hy có câu lạc bộ phát triển thôn Achua với 8 hộ, nuôi 16 con bò. Trong tổng số đàn bò của các câu lạc bộ, thì có 11 con do Malteser tài trợ, 25 con do UBND huyện cấp theo nguồn vốn 30A của Chính phủ.

Ồng Nguyễn Đình Được, Phó ban chỉ đạo dự án Khuyến khích bảo tồn và sử dụng rừng bền vững huyện Tây Giang cho biết: “Mấy năm trước, tình trạng người dân chăn nuôi bò thả rông là chủ yếu. Nhiều hộ có chăm sóc nhưng qua loa, nhiều lúc cột trâu bò ngoài trời cả tháng dẫn đến chết rét, chết đói, hay tự quấn dây vào cổ ngã xuống vực chết. Do tập quán chăn nuôi thả rông, không có chuồng trại nên thường xảy ra dịch bệnh, kinh tế gia đình kém phát triển. Trước thực trạng đó, dự án Malteser phối hợp với UBND huyện lồng ghép một số nguồn vốn đầu tư để triển khai 5 dự án chăn nuôi bò cho 5 xã. Trong đó có các nguồn của Malteser, vốn ủy ban huyện đối ứng, vốn 30A của Chính phủ... 5 nhóm này đều chăn nuôi có tập trung, có chăm sóc, có chuồng trại, sáng thả bò vào khu chăn thả, tối bò nhà ai lùa về nhà nấy. Bên cạnh đó còn hướng dẫn nhân dân cách chế biến thức ăn cho bò tại chỗ.”

Trước đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo cho các xã, ngành chuyên môn phải bám dân, hướng dẫn nhân dân cách nuôi, nhất là kỹ thuật làm chuồng trại. Tổ chức Malteser phối hợp với UBND huyện đứng ra hỗ trợ gần 2 tỷ đồng để triển khai chương trình này. Chủ yếu là mua con giống, mua vật liệu làm chuồng trại và hỗ trợ giống cỏ, hướng dẫn kỹ thuật trồng làm nguồn thức ăn dự trữ cho mùa mưa.
Hiện nay, huyện Tây Giang có đàn gia súc 10.514 con. Trong đó có 3.314 con bò, 912 con trâu, 5.408 con heo, 853 con dê... Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Ngay từ đầu năm 2015, huyện Tây Giang đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh và đói rét cho đàn trâu, đàn bò. Trong đó tập trung trong vụ đông xuân năm 2015 - 2016 chỉ đạo, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chuẩn bị tốt các điều kiện về vệ sinh chuồng trại, phòng chống rét đậm, rét hại kéo dài.

Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để công tác phòng chống rét cho gia súc có hiệu quả, UBND huyện Tây Giang chỉ đạo cho 10 xã thống kê lại toàn bộ đàn gia súc, gia cầm, số hộ có chuồng trại và hộ chưa có chuồng trại để có biện pháp thực hiện kịp thời. Đặc biệt, từ đầu tháng 12, huyện chỉ đạo các xã phân công cán bộ phụ trách từng thôn bản, quán triệt, hướng dẫn người dân sửa chữa, che chắn chuồng trại, tích cực thu gom rơm cỏ làm khô, trồng cỏ để làm thức ăn bổ sung cho gia súc vào mùa đông, phấn đấu mỗi hộ chăn nuôi trâu bò phải có ít nhất một cái chuồng trại và phải có ít nhất một sào cỏ voi, một cột rơm khô...“.

Với các biện pháp chỉ đạo đồng bộ, sự chủ động của các hộ chăn nuôi, huyện Tây Giang đã và đang phấn đấu bảo vệ tốt đàn trâu, đàn bò của mình hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa, rét gây ra.

ĐÌNH HIỆP

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuồng trại cho trâu bò tránh rét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO