Chương trình "Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018": Quảng Nam kêu gọi đầu tư sân bay Chu Lai

QUỐC TUẤN 06/03/2018 16:35

(QNO) - Chương trình "Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018" tổ chức tại TP.Đà Nẵng ngày 5.3 không đơn thuần là buổi gặp mặt xã giao mà mang nhiều kỳ vọng của các địa phương duyên hải miền Trung với các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, trong đó có Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh (thứ 2 từ trái sang) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam diễn thuyết chào mời các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Q.T
Ông Lê Trí Thanh (thứ 2 từ trái sang) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam diễn thuyết chào mời các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Q.T

Buổi gặp gỡ có đầy đủ đại diện lãnh đạo UBND 7 tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Bình Định cùng các sở, ngành liên quan với hy vọng có thể mở ra cơ hội đón đầu đầu tư của Hoa Kỳ ở nhiều lĩnh vực mà miền Trung có nhiều lợi thế, tiềm năng lớn.

Giấc mơ trung tâm logistics hàng không

Chỉ diễn ra vỏn vẹn khoảng 4 giờ đồng hồ nên đại diện 7 tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung không có nhiều thời gian để giới thiệu toàn bộ những tiềm năng, lợi thế của địa phương mình. Vì vậy, được khuyến khích chỉ đưa ra một lĩnh vực thực sự trọng tâm nhất, để mời chào nhà đầu tư Hoa Kỳ ngoài lĩnh vực du lịch là thế mạnh chung của cả vùng đã được giới thiệu đến buổi tọa đàm.

Nếu Quảng Bình chọn mảng năng lượng sạch, Đà Nẵng giới thiệu về khu công nghệ cao hay Quảng Ngãi mong muốn tiếp tục tìm kiếm đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp nặng thì Quảng Nam đề xuất với các nhà đầu tư Hoa Kỳ về tiềm năng của sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành). Chỉ trong thời gian ít ỏi diễn thuyết tại buổi tọa đàm, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã lặp đi lặp lại cụm từ "giấc mơ". Ông Lê Trí Thanh cho rằng: "Cảng hàng không Chu Lai đang phát triển mạnh mẽ và nếu được nhà đầu tư Hoa Kỳ hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thì sẽ sớm trở thành trung tâm logistics hàng không của Việt Nam, bởi trong bán kính 3.000km từ Chu Lai có thể đi Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan...".

Một điểm thú vị là sân bay Chu Lai được chính người Mỹ xây dựng vào năm 1964 với mục đích quân sự trong chiến tranh Việt Nam, sau đó bị bỏ hoang, mãi đến năm 2004 mới được sử dụng lại. Nếu trong năm 2015 lượng khách đến sân bay Chu Lai mới chỉ đạt 155 nghìn người, thì con số này tăng lên 550 nghìn người vào năm 2016 và đạt 680 nghìn người vào năm 2017. Công suất đón khách tối đa của cảng hàng không Chu Lai hiện đã đạt 1,7 triệu khách, được kỳ vọng đến năm 2030 sẽ nâng cấp với công suất đón 4,1 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa.

Chia sẻ khởi nghiệp

Tiếp sau phiên tọa đàm triển vọng thương mại đầu tư giữa các địa phương duyên hải miền Trung với nhà đầu tư Hoa Kỳ, khởi nghiệp là chủ đề được các đại biểu quan tâm và thảo luận. Quảng Nam cũng là một trong 3 địa phương cùng với Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế được mời diễn thuyết tại phiên tọa đàm.

Quảng Nam đang rất tích cực phối hợp, tìm kiếm các chương trình hỗ trợ về khởi nghiệp trong thời gian qua. Ảnh: Q.T
Quảng Nam đang rất tích cực hợp tác, tìm kiếm các chương trình hỗ trợ về khởi nghiệp trong thời gian qua. Ảnh: Q.T

"Ngọn lửa" khởi nghiệp tại Quảng Nam mới chỉ được nhen nhóm và bắt đầu phát triển mạnh trong khoảng một năm qua, chậm hơn nhiều so với Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong vùng, tuy nhiên bước đầu cũng tạo được dấu ấn tích cực. Ông Lê Trí Thanh chia sẻ: "Ban đầu chúng tôi cũng chưa hình dung được sẽ bắt đầu ra sao, nhưng chính nhờ sự bùng nổ khởi nghiệp ở TP.Đà Nẵng anh em mà lãnh đạo tỉnh đã tích cực tiếp xúc, làm việc và nhanh chóng triển khai để "ươm mầm" phong trào này tại Quảng Nam".

Trong thời gian qua, các "start-up" ở Quảng Nam không bị đặt nặng áp lực phải có được sản phẩm có thể thương mại hóa mà vẫn đang trong quá trình chia sẻ, học hỏi để tích lũy kinh nghiệm. Theo ông Lê Trí Thanh, người trẻ ở miền Trung rụt rè hơn nhiều so với hai đầu đất nước nên phải tìm cách thổi bùng khát vọng khởi nghiệp trong họ mới có thể bắt kịp các nơi khác và cũng chính là giúp địa phương đổi mới. Chính quyền nên chủ động đặt hàng đối với các "start-up" và chủ động mời các "start-up" tham dự vào các cuộc họp về quy hoạch phát triển địa phương để đóng góp, chia sẻ sáng kiến, thậm chí phản biện để chung tay phát triển địa phương.

Hợp tác đào tạo cán bộ

Ở thời điểm mới chia tách tỉnh năm 1997, Quảng Nam là một trong 2 địa phương nghèo nhất nước. Ngay ở thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh đã xác định nâng cao năng lực cán bộ là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa then chốt để giúp địa phương thoát nghèo. Quảng Nam đã tích cực làm việc với Trường Đại học Portland  State (bang Oregan, Hoa Kỳ) để thực hiện các chương trình đào tạo cán bộ ở cả 2 nơi Tam Kỳ và Hoa Kỳ. Quảng Nam cũng là một trong số những địa phương của Việt Nam tham gia tích cực nhất vào chương trình "Sáng kiến Việt Nam - Oregan (VOI)".

Ông Lê Trí Thanh cho biết, ở thời điểm đó lãnh đạo tỉnh mong muốn cán bộ Quảng Nam tham gia các chương trình học này sẽ nắm được những kiến thức chuyên môn và tiên tiến nhất của nước ngoài, có kỹ năng xử lý phù hợp với địa phương. Thực tế đã chứng minh thành công trong gần 20 năm qua.

Theo ông Lê Trí Thanh, tiếp theo việc tham gia "Sáng kiến Việt Nam - Oregan", Quảng Nam rất vui và dành sự quan tâm khi Đại học Fullbright tại Việt Nam đi vào hoạt động. Đồng thời đang tìm hiểu để tạo sự hợp tác nhằm hướng đến việc nâng cao năng lực cho cán bộ tỉnh với những chương trình đào tạo tiên tiến nhất.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình "Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018": Quảng Nam kêu gọi đầu tư sân bay Chu Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO