(QNO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 30/5 Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Tham gia thảo luận nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam - Dương Văn Phước đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH đã chủ trì thực hiện tốt các hoạt động giám sát; phối hợp và phát huy vai trò của các cơ quan hữu quan, tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát của Quốc hội.
Nội dung, phương thức hoạt động giám sát luôn được rút kinh nghiệm, đổi mới, cải tiến cho phù hợp, đã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, thời gian qua các chuyên đề giám sát khi triển khai đến Đoàn ĐBQH tỉnh đều có phạm vi rộng với nhiều chủ thể, một số đề cương giám sát còn chung chung, chưa phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Do đó, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xây dựng đề cương giám sát nên lựa chọn một số nội dung phù hợp giao cho Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát hoặc cho phép Đoàn ĐBQH tỉnh lựa chọn vấn đề thuộc phạm vi chuyên đề để giám sát.
Đại biểu Dương Văn Phước cũng nêu tình trạng nhiều kiến nghị quan trọng của Đoàn ĐBQH tỉnh phản ánh đúng thực trạng vướng mắc, bất cập những vấn đề pháp luật liên quan đến chuyên đề giám sát trong báo cáo kết quả giám sát gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương nhưng không được tổng hợp, phản hồi.
Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo theo dõi việc trả lời, giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố; tăng cường trách nhiệm của Vụ Phục vụ giám sát, Văn phòng Quốc hội trong việc tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chỉ đạo theo dõi thực hiện kiến nghị sau giám sát, kể cả giám sát của Đoàn ĐBQH (tương tự việc theo dõi, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của Ban Dân nguyện); xem xét đưa vào quy định thường kỳ báo cáo Quốc hội về việc giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Đối với nội dung thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, đại biểu Dương Văn Phước nhận thấy thời gian qua có nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng công tác lập pháp và thực hiện chương trình xây dựng pháp luật còn thiếu chủ động và có một số hạn chế, nhất là việc chậm trình dự án luật.
Theo đó, nhiều dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội không đảm bảo thời gian theo quy định, khiến các Đoàn ĐBQH và cả ĐBQH không có thời gian để nghiên cứu, thu thập thông tin chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng góp ý xây dựng hoàn thiện các dự án luật. Mặc dù vấn đề này được đại biểu nhiều lần phát biểu tại các kỳ họp trước nhưng chưa được khắc phục.
Do đó, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị tập trung làm tốt việc phân tích, quyết định chính sách liên quan đến dự án luật, pháp lệnh, đặc biệt là việc đánh giá tác động của dự thảo văn bản đối với kinh tế - xã hội, môi trường, nguồn lực bảo đảm thực hiện. Cần lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án luật, pháp lệnh theo quy định trước khi trình Quốc hội.
Các dự án luật, pháp lệnh và tài liệu liên quan gửi không đúng thời hạn quy định thì không thẩm tra, xem xét cho ý kiến và loại khỏi chương trình kỳ họp.
Đối với các dự án luật trình Quốc hội thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, cơ quan của Quốc hội tiếp tục rà soát những bất cập trong cơ chế, chính sách, những quy định không phù hợp so với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới pháp luật.
Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh Quốc hội cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước bởi nhiều quy định của luật này đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế, làm ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách ở địa phương.