Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Giảm thời lượng học tập

CHÂU NỮ 03/08/2017 08:26

 Trên cơ sở góp ý vào dự thảo của các tầng lớp nhân dân và ý kiến của Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình tổng thể, Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể đã trình Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa GDPT thông vào ngày 27.7 vừa qua.

Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được thông qua, học sinh tiểu học sẽ học ít tiết hơn. (ảnh minh họa). ảnh: C.N
Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được thông qua, học sinh tiểu học sẽ học ít tiết hơn. (ảnh minh họa). ảnh: C.N

Theo Bộ GD-ĐT, chương trình GDPT tổng thể này sẽ là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng với các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Một số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và phụ huynh ở Quảng Nam cho rằng, chương trình GDPT tổng thể được thông qua lần này có nhiều điểm mới so với dự thảo trước đó (ban hành ngày 12.4). “Chương trình GDPT tổng thể đạt hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ thời gian áp dụng trong thực tế. Tuy nhiên, chương trình được thông qua lần này có nhiều điểm mới so với dự thảo trước đó cho thấy Bộ GD-ĐT đã tiếp thu ý kiến góp ý của người dân nói chung và những người làm công tác giáo dục nói riêng để chỉnh sửa, hoàn thiện” - hiệu trưởng một trường tiểu học ở Tam Kỳ nêu ý kiến.

Giảm số tiết ở bậc tiểu học

Theo chương trình GDPT tổng thể mới được thông qua, học sinh tiểu học sẽ học ít tiết hơn, số tiết học giảm khá nhiều. Cụ thể, trong một năm học, số tiết của lớp 1, 2 giảm từ 1.147 tiết còn 1.015 tiết; lớp 3 từ 1.147 tiết giảm còn 1.085 tiết; lớp 4, 5 từ 1.184 tiết giảm còn 1.120 tiết. Một điểm mới nữa, trước đây môn học được phân thành nhiều loại, gồm môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn, nội dung giáo dục của địa phương; nay chỉ còn 2 loại: môn học - hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn. Tuy nhiên, có phụ huynh cho rằng, đó chỉ là sự thay đổi về cách gọi, còn học sinh tiểu học vẫn phải học nhiều môn như trước. Chẳng hạn, môn Giáo dục lối sống (dự thảo) đổi tên thành môn Đạo đức; môn Cuộc sống quanh ta đổi thành môn Tự nhiên và Xã hội (đối với lớp 1, 2, 3); môn Tìm hiểu tự nhiên được đổi thành môn Khoa học (đối với lớp 4, 5); môn Tìm hiểu xã hội đổi thành môn Lịch sử và Địa lý; 2 môn Tìm hiểu công nghệ và Tìm hiểu tin học gộp thành môn Tin học và Công nghệ (lớp 4, 5)... “Sự thay đổi tên môn học, tôi e rằng cũng giống như kiểu “bình mới, rượu cũ”, học sinh tiểu học vẫn còn phải học khá nhiều. Tuy nhiên giảm số tiết học như chương trình được thông qua lần này là phù hợp với học sinh tiểu học” - một phụ huynh băn khoăn.

Giảm thời lượng học tập ở bậc THCS

Chương trình GDPT được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình GDPT gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn. Thời gian thực học trong một năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày nhưng đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước.

Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường THCS đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của bộ. Thời lượng giáo dục của cấp THCS giảm 58 - 78 tiết/năm so với dự thảo cũ. Chẳng hạn, 2 môn Giáo dục công dân, Tin học từ 52,5 tiết/năm giảm xuống còn 35 tiết/năm. Môn Công nghệ và hướng nghiệp đổi tên thành môn Công nghệ và giảm từ 52,5 tiết/năm xuống 35 tiết/năm (đối với lớp 6, 7), từ 70 tiết/năm xuống 52 tiết/ năm (đối với lớp 8, 9).

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc ở cấp THCS gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Trong đó, mỗi môn học Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8 và lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp. Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn.

 Giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT

Từ lớp 8, 9 các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; các môn học khác đều có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp. Và từ lớp 10 đến lớp 12 là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo đó, các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm: nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn. Mỗi môn học bắt buộc có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Giảm thời lượng học tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO