(QNO) - Chiều 24/3, sau 3 ngày nhóm họp, hội nghị về nước năm 2023 của Liên hiệp quốc bế mạc, thông qua chương trình hành động "cột mốc" với gần 700 cam kết nhằm bảo vệ "nguồn tài nguyên chung toàn cầu quý báu nhất của nhân loại".
Tương lai an toàn về nước cho tất cả mọi người
Chương trình nghị sự đặt ra một loạt cam kết theo định hướng hành động, từ việc lựa chọn thực phẩm thông minh hơn đến đánh giá lại nước như một động lực kinh tế mạnh mẽ và là một phần của di sản văn hóa trái đất.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres cho biết hội nghị với 2.000 người tham gia tạo nên một "tầm nhìn đầy tham vọng".
"Sự cống hiến của bạn cho hành động và chuyển đổi đang thúc đẩy chúng ta hướng tới một tương lai an toàn về nước bền vững, công bằng và toàn diện cho con người cũng như hành tinh này" - ông António Guterres phát biểu.
Từ việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật đến chống lại đói nghèo, tài nguyên thiên nhiên đóng một vai trò quan trọng vào 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Khởi đầu chương trình hành động vì nước
Ông Li Junhua - Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội cho biết các cam kết trong chương trình hành động vì nước bao gồm từ xây dựng năng lực đến dữ liệu và hệ thống giám sát, đến cải thiện khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng.
Nền tảng trực tuyến lưu trữ thông tin về chương trình nghị sự về hành động vì nước vẫn mở cho tất cả mọi người cũng như để nhận các sáng kiến về bảo vệ, phát triển nguồn nước an toàn.
Ông Li Junhua nói: "Tại hội nghị về nước của Liên hiệp quốc năm 2023, một cộng đồng toàn cầu quyết tâm cùng nhau tạo ra sự khác biệt không chỉ cho tương lai của nước mà còn cho tương lai của thế giới".
Điển hình như, sáng kiến quan trọng để phục hồi các con sông và đầm lầy do Congo và Gabon khởi xướng với mục tiêu từ nay đến 2030 sẽ khôi phục 300 nghìn ki lô mét sông, tương đương 7 vòng quanh trái đất.
Cột mốc đáng nhớ
Đại sứ Csaba Korosi của Hungary và là Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77 cho biết khoản cam kết trị giá 300 tỷ USD được thực hiện để thúc đẩy chương trình hành động vì nước mang tính chuyển đổi có khả năng mở ra ít nhất 1.000 tỷ USD lợi ích kinh tế xã hội và hệ sinh thái.
"Kết quả của hội nghị này không phải là một tài liệu ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng nó vẫn lật sang một trang lịch sử... Các bạn đã xác nhận lại lời hứa thực hiện quyền con người về nước và vệ sinh cho tất cả mọi người. Cùng nhau, chúng ta có thể khởi động quá trình chuyển đổi vì một thế giới an toàn về nước" - ông Csaba Korosi phát biểu bế mạc hội nghị.
Theo TTXVN, Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu tham dự các phiên họp toàn thể, và đặc biệt là phiên đối thoại về hợp tác nước. Việt Nam có nhiều sáng kiến, ý kiến tham luận thiết thực, đóng góp vào thành công của hội nghị.