(QNO) - Chiều 3.10, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết chương trình khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2021 và triển khai những nhiệm vụ trọng tâm thời gian đến. Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn và lãnh đạo một số sở, ban ngành.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chương trình KHCN giai đoạn 2016 - 2021 góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với lĩnh vực xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên phạm vi cả nước. Trong 5 năm qua, số đề tài, dự án tham gia nghiên cứu từng nhóm nội dung cộng lại lên tới hơn 180 nhiệm vụ, tạo ra 339 sản phẩm mới; đề xuất 160 nhóm chính sách, giải pháp ở nhiều lĩnh vực; hoàn thiện 97 quy trình sản xuất và công nghệ để chuyển giao vào sản xuất; xây dựng được 208 mô hình các loại.
Điểm nổi bật là chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng - con vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Điển hình là trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng năng suất cây trồng khoảng 30 - 35% đối với rau màu, 10 - 15% đối với lúa. Qua đó, giúp thu nhập của người dân tăng hơn 25%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình KHCN giai đoạn 2021 - 2025 là bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Từ đó, tập trung triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và lan tỏa cao trong thực tiễn; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo.
Đối với Quảng Nam, UBND tỉnh đã có công văn đề xuất Bộ NN&PTNT quan tâm hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ KHCN phục vụ xây dựng NTM và khuyến nông giai đoạn 2021 - 2025 với 7 nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là ứng dụng giống mới, phương thức thâm canh tiên tiến tăng năng suất trong chăn nuôi bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao bằng lồng bè ở vùng ven biển; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới phát triển cây ăn quả bản địa theo hướng an toàn, bền vững; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng mở rộng sâm Ngọc Linh và phát triển cây dược liệu quý dưới tán rừng...