Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm": Thúc đẩy kinh tế nông thôn

NGUYỄN SỰ (thực hiện) 24/09/2018 03:28

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1599/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” . Trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam xung quanh những vấn đề trọng tâm của chương trình này, ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết:

"Mỗi xã một sản phẩm” - viết tắt bằng tiếng Anh là OCOP - là tên của chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg (ngày 7.5.2018). Mới nghe, nhiều người nhầm tưởng thực hiện chương trình này mỗi xã chỉ phát triển một sản phẩm. Tôi xin nói rõ, “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn nhưng không giới hạn trong phạm vi làng, xã mà cả khu vực đô thị (phường, thị trấn) cũng được tham gia chương trình. Bởi, phát triển sản phẩm ở khu vực đô thị có tác động trực tiếp đến khu vực nông thôn như sử dụng nguyên liệu sản xuất, lực lượng lao động, thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Tin liên quan

  • Thống nhất chọn mẫu logo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
  • Chương trình OCOP - giải pháp phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới hiệu quả
  • Gần 10 tỷ đồng phát triển 31 sản phẩm OCOP
  • Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Hội An: Ưu tiên sản phẩm chất lượng
  • OCOP thúc đẩy phát triển nông thôn Quảng Nam
  • Đưa OCOP tiệm cận đời sống
  • Kêu gọi ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia OCOP Quảng Nam
  • Chương trình OCOP: Hướng đi thiết thực
  • Thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm ở Tiên Phước: Gắn với thế mạnh địa phương
  • Hướng dẫn triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
  • Hội An tập huấn chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
  • Đề án Mỗi xã một sản phẩm: Tận dụng thế mạnh địa phương
  • Thông qua đề án "Mỗi xã một sản phẩm"
  • Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm": Động lực của nông thôn mới
Nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh hướng đến OCOP. Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh hướng đến OCOP. Ảnh: VĂN SỰ

Thực hiện Chương trình OCOP nhằm khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và đặc trưng của từng vùng, miền, làng, xã. Đồng thời phát huy, khơi dậy sự sáng tạo của người dân trong sản xuất nhằm mục đích nâng cao thu nhập của cư dân. Vì vậy, “Mỗi xã một sản phẩm” phải được hiểu một cách linh hoạt là một xã có nhiều lợi thế, có nhiều tiềm năng thì có thể có nhiều sản phẩm, hoặc nhiều xã có cùng một lợi thế thì các xã đó có thể có chung một sản phẩm, mang tính thế mạnh của vùng, miền.

Thưa ông, mục tiêu chung đề án này hướng đến là gì?

- Ông Mai Đình Lợi: Mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (trong đó ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí về kinh tế - tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Thông qua phát triển sản xuất tại địa bàn nông thôn, đề án cũng sẽ góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn xứ Quảng.

Quảng Nam đã xác định những nhóm ngành, hàng nào là chủ lực trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP, thưa ông?

- Ông Mai Đình Lợi: Đối với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP, Quảng Nam tập trung vào 6 nhóm ngành, hàng chính. Trong đó, thực phẩm gồm nông sản tươi sống và nông sản chế biến. Đồ uống gồm đồ uống có cồn và đồ uống không cồn. Thảo dược gồm các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu. Vải và may mặc gồm các sản phẩm làm từ bông, sợi. Lưu niệm - nội thất - trang trí gồm các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may... Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng gồm các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu…

Như ông vừa liệt kê, có thể thấy OCOP ở Quảng Nam có sự phong phú ngành hàng, sản phẩm đa dạng, và dĩ nhiên đi đôi với đều này thì khâu xúc tiến thương mại sẽ là ưu tiên hàng đầu?

- Ông Mai Đình Lợi: Xúc tiến thương mại được xác định là khâu hết sức quan trọng. Do vậy, tỉnh sẽ chú trọng hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, thương mại điện tử và thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho những đơn vị, cá nhân tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm... Thời gian tới các ngành, địa phương liên quan cũng sẽ tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Hệ thống này gồm trung tâm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh; gắn kết gian hàng OCOP tại các siêu thị, chợ, khu dân cư lớn; điểm bán hàng OCOP tại các khách sạn, nhà hàng; quầy giới thiệu sản phẩm OCOP tại các vị trí thuận lợi… Theo dự kiến, Quảng Nam sẽ quy hoạch xây dựng tổng cộng 14 điểm OCOP và 9 trung tâm OCOP (trong đó có 6 trung tâm cấp huyện, 2 trung tâm cấp tỉnh, 1 trung tâm cấp quốc gia).

Chương trình, đề án nào muốn triển khai, đương nhiên mấu chốt nằm ở nguồn kinh phí thực hiện. Với OCOP Quảng Nam, có lẽ nguồn kinh phí cũng đã sẵn sàng, thưa ông?

- Ông Mai Đình Lợi: Theo dự toán, tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình OCOP của Quảng Nam trong giai đoạn 2018 - 2020 hơn 579 tỷ đồng. Nguồn vốn trên chủ yếu huy động từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất - kinh doanh là chủ thể của Chương trình OCOP. Ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện chương trình chỉ mang tính chất hỗ trợ từ các nguồn kinh phí sự nghiệp trong dự toán chi ngân sách hằng năm. Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, trong tổng số hơn 579 tỷ đồng vừa nêu, kinh phí do cộng đồng huy động hơn 433 tỷ đồng, tức chiếm đến 74,8%, còn kinh phí từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 25,2% (146 tỷ đồng).

Theo yêu cầu của UBND tỉnh, hằng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước, các sở, ngành được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện Chương trình OCOP có trách nhiệm lập dự toán theo nội dung cụ thể, có liên quan trong chương trình và tổng hợp chung vào dự toán chi của đơn vị mình, gửi Sở Tài chính thẩm tra, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt và giao dự toán chi ngân sách theo quy định hiện hành. Riêng năm 2018 này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2290/QĐ-UBND (ngày 31.7.2018) phê duyệt phương án thí điểm phát triển 31 sản phẩm OCOP với tổng nguồn kinh phí thực hiện hơn 9,6 tỷ đồng...

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Nam có 500 sản phẩm OCOP

Trả lời phóng viên Báo Quảng Nam về câu chuyện cụ thể cho từng giai đoạn triển khai Chương trình OCOP, ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn nói:

Về phát triển sản phẩm, trong giai đoạn 2018 - 2020 Quảng Nam xác định, hoàn thiện, nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương. Đồng thời phát triển mới 100 sản phẩm, tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi. Cạnh đó, phát triển 3 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP. Ngoài ra, sẽ công nhận, chứng nhận một số sản phẩm OCOP với mục tiêu có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

Về phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP, giai đoạn 2018 - 2020 phấn đấu có không dưới 60 đơn vị tham gia. Trong đó, lựa chọn củng cố 40 đơn vị sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương và phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.

Từ nay đến năm 2020 toàn tỉnh cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP từ tỉnh đến xã và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia OCOP. Đồng thời nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP.

Chu trình chuẩn OCOP cũng sẽ được duy trì liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện. Hằng năm, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo chu trình OCOP. Trong giai đoạn này Quảng Nam cũng sẽ chú trọng việc hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên trách OCOP từ cấp tỉnh đến cấp huyện theo hướng gọn nhẹ để triển khai hiệu quả chu trình OCOP thường niên. Cùng với đó, ban hành chính sách riêng cho Chương trình OCOP, xây dựng hệ thống đối tác OCOP nhằm hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Nam.

Theo định hướng của đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2030 có 500 sản phẩm OCOP và phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Đặc điểm của chương trình này cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là “Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, như Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã kết luận tại hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình OCOP cách đây không lâu. VĂN SỰ (ghi)

NGUYỄN SỰ (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm": Thúc đẩy kinh tế nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO