Chương trình MTQG xây dựng NTM: Chưa trả xong nợ đã "rớt" tiêu chí

XUÂN TRƯỜNG 08/02/2017 09:25

Trong khi vẫn chưa trả xong nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới (NTM), một số xã đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh đã không giữ vững được các tiêu chí đạt được.

Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có hơn 30% số xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, tổng số nợ đọng đối với các xã sau khi hoàn thành chương trình khá cao. Báo cáo từ UBND tỉnh cho biết, tính đến ngày 31.11.2016, tổng số nợ đọng xây dựng NTM là 165,795 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh nợ 2,998 tỷ đồng, cấp huyện nợ 67,333 tỷ đồng, cấp xã nợ 95,463 tỷ đồng. Số nợ công trình đã quyết toán là 83,534 tỷ đồng, nợ công trình chưa quyết toán là 82,260 tỷ đồng. Nhiều địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản khá lớn nhưng chưa xác định được nguồn thanh toán là huyện Phú Ninh (36,479 tỷ đồng), huyện Đại Lộc (33,205 tỷ đồng), huyện Tây Giang (24,791 tỷ đồng), TP.Tam Kỳ (11,975 tỷ đồng), huyện Thăng Bình (10,930 tỷ đồng).

Các địa phương xây dựng NTM cần cân nhắc lựa chọn các công trình đầu tư để tránh nợ đọng xây dựng cơ bản. (Trong ảnh: Xây dựng đê ngăn mặn tại xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ).
Các địa phương xây dựng NTM cần cân nhắc lựa chọn các công trình đầu tư để tránh nợ đọng xây dựng cơ bản. (Trong ảnh: Xây dựng đê ngăn mặn tại xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ).

Theo ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, trong vòng 6 năm từ năm 2011 đến năm 2016, toàn huyện đầu tư xây dựng NTM đối với 10/10 xã và tập trung chủ yếu trong hai năm 2014 và 2015. Nhưng trong hai năm này, nguồn thu ngân sách của địa phương bị thâm hụt nên huyện thiếu nguồn vốn đối ứng xây dựng NTM. Thêm một nguyên nhân dẫn đến nợ đọng là việc khai thác quỹ đất trên địa bàn huyện gặp nhiều vướng mắc, không thực hiện được do Luật Đất đai thay đổi. “Trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung nâng cao các tiêu chí “mềm” sử dụng ít vốn đầu tư và tháo gỡ khó khăn để khai thác quỹ đất. Từ nguồn này, chúng tôi sẽ để lại 50% số tiền thu được cho các xã trả nợ đọng NTM” - ông Thạnh cho biết thêm.

Việc xây dựng NTM chắc chắn sẽ khó tránh khỏi vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc linh hoạt trong cách thức thực hiện đã giảm được tối thiểu số nợ sau khi hoàn thành chương trình. Tại huyện Điện Bàn, tính đến cuối năm 2016, toàn huyện nợ hơn 7 tỷ đồng xây dựng NTM. Tuy nhiên, ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, địa phương sẽ trả nợ xong trong quý I năm 2017 này. Ông Dũng nói thêm: “Trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi đã thành lập một tổ công tác gồm đại diện các phòng ban ngành liên quan để quản lý và hướng dẫn thực hiện các danh mục đầu tư. Chúng tôi cũng tăng cường công tác xã hội hóa và lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Đồng thời,hướng dẫn các xã khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn. Một giải pháp quan trọng không kém đó là công tác kiểm tra giám sát cộng đồng, kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong đầu tư. Từ đó tạo được sự đồng thuận, tin tưởng trong nhân dân để cùng với chính quyền địa phương đóng góp tham gia xây dựng NTM”.

Trong khi chưa trả xong nợ đọng xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 thì trong năm 2016, một số xã hoàn thành chương trình đã không giữ vững được các tiêu chí đạt được. Theo báo cáo từ UBND tỉnh, có đến 14 xã để “rớt” tiêu chí. Trong đó, huyện Hiệp Đức có 3 xã, huyện Phú Ninh: 3 xã, huyện Thăng Bình: 4 xã, thị xã Điện Bàn: 1 xã, huyện Núi Thành: 1 xã, TP.Tam Kỳ: 2 xã. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay: “Trong xây dựng NTM, các huyện phải ưu tiên đầu tư cho những xã có đủ năng lực. Phía huyện cũng cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc đầu tư để đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích và không để thất thoát. Ngoài ra, cần lồng ghép các nguồn vốn khác để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tinh thần là năm 2017 này, tỉnh sẽ trả xong nợ, các huyện cũng phải tháo gỡ vướng mắc cho xã trả nợ và đến năm 2018 không để nợ mới phát sinh”.

XUÂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình MTQG xây dựng NTM: Chưa trả xong nợ đã "rớt" tiêu chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO