Chương trình mục tiêu quốc gia ở miền núi: "Góp gió" nhưng chưa thành "bão"

MỘC MIÊN 27/06/2023 07:57

(ĐS 21/6) - Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đã mang lại nguồn lực đáng kể cho miền núi để phát triển sinh kế, và điều quan trọng là đã giúp người dân thay đổi tư duy làm kinh tế. Tuy nhiên, đã “góp gió” nhưng vẫn chưa thành “bão”, tạo sự khởi sắc trong đời sống nhân dân do hiện vẫn còn nhiều trở ngại.

Trồng sâm nam ở Trà Nam (Nam trà My). Ảnh: T.VIỆT
Trồng sâm nam ở Trà Nam (Nam trà My). Ảnh: T.VIỆT

Động lực giảm nghèo       

Anh Hồ Văn Téo, một nông dân ở xã Trà Nam (huyện Nam Trà My) vừa được Chính phủ tặng Bằng khen hộ gia đình thoát nghèo tiêu biểu năm 2022. Năm 2018, anh Téo vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi hộ nghèo để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Anh còn đi làm công nhân công trình trên địa bàn huyện để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đó, gia đình được hưởng lợi từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong thời gian gia đình tham gia đăng ký thoát nghèo, được UBND huyện Nam Trà My phân công Trường Mẫu giáo Trà Nam giúp đỡ, hướng dẫn cách thức làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi…

Năm 2022, anh mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Bây giờ vốn liếng trong tay anh là 1.100 cây sâm Ngọc Linh, trong đó khoảng 500 cây đã cho hạt, 600 cây 2 năm tuổi và 1 năm tuổi. Ngoài ra gia đình còn trồng các loại cây sa nhân tím (3.000 gốc, đã cho thu hoạch), giổi xanh (1.500 cây 3 năm tuổi), thất diệp nhất chi hoa 100 cây, chuối 200 gốc... Nhưng, thu nhận lớn nhất với anh Hồ Văn Téo là nhảy vọt về nhận thức.

Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đánh giá chung là các chương trình MTQG đều hiệu quả và thiết thực. “Không còn sản xuất hái lượm, biết sản xuất theo chuỗi giá trị, OCOP, biết tư duy sản xuất hàng hóa, biết tích lũy... là câu chuyện thắng lợi ở bà con miền núi. Trồng sâm Ngọc Linh, sâm nam, chè dây, rau lủi theo mô hình lớn tại Nam Trà My, có cơ sở thu mua hẳn hoi, bắt đầu từ 2018 là chuyển mạnh, chính là bước nhảy vượt bậc trong nhận thức bà con” - ông Mẫn nói.

Phương thức làm ăn chọc tỉa, hái lượm, gùi cõng, được chăng hay chớ như là định mệnh dán trên trán người vùng dân tộc thiểu số. Nhưng đáng mừng là giờ đây nhiều người dân ở Nam Trà My đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên cho năng suất cao hơn, sản phẩm làm ra đã được trao đổi, giao thương dần trở thành hàng hóa... Để có được điều đó, chính là nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nhiều thập niên qua.

Tại Nam Trà My, các chương trình này đã  phủ sóng trên nhiều lĩnh vực như hỗ trợ vốn để đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, trường học, các thiết chế văn hóa …) giúp cải thiện đời sống của người dân, góp phần giải quyết những thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản (theo chuẩn nghèo đa chiều); hỗ trợ vốn cho người dân (vừa hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách vừa hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho vay với lãi suất ưu đãi) để tạo việc làm, phát triển sản xuất và cải thiện sinh kế; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, HTX để tạo ra các chuỗi liên kết nhằm vừa tạo ra thị trường tiêu thụ (thông qua hệ thống kênh phân phối của doanh nghiệp), nâng cao giá trị cho sản phẩm (thông qua các phương pháp bảo quản và chế biến sâu của doanh nghiệp), vừa hỗ trợ người dân ứng dụng các phương pháp sản xuất mới, hiệu quả từ doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động.

Bên cạnh đó, khía cạnh văn hóa xã hội cũng được quan tâm như hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ các hoạt động khác như y tế, môi trường, giáo dục…, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng chính quyền…

Như tại xã Trà Don, các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 đã đầu tư được 6 dự án giao thông, 1 trường học, 1 công trình điện; đang xúc tiến triển khai 6 mô hình phát triển sản xuất cho cộng đồng theo hướng liên kết chuỗi; đang hoàn chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã đến năm 2030; phục dựng lễ hội cúng máng nước năm 2022; đưa được 11 lao động đi xuất khẩu; hỗ trợ cho người dân vay vốn hơn 5 tỷ đồng để làm ăn...

Nhiều lực cản

Tại Tây Giang, ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện đánh giá, từ các nguồn vốn chương trình MTQG, nhất là nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng đồng trong phát triển sản xuất đã tạo những chuyển biến tích cực cho người dân về sản xuất và thu nhập. Một số mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung hình thành (chăn nuôi bò ở xã Dang, A Nông); nhiều vườn đảng sâm ở Ch’ơm, ba kích ở xã Lăng, cam ở Gari...

Anh Hồ Văn Téo, hộ gia đình thoát nghèo tiêu biểu năm 2022. Ảnh: T.VIỆT
Anh Hồ Văn Téo, hộ gia đình thoát nghèo tiêu biểu năm 2022. Ảnh: T.VIỆT

Kinh tế vườn, dược liệu đang phát triển khá tốt tại hầu hết các xã. Người dân chuyển dần từ tư duy chăn nuôi thả rông, trồng cây không thâm canh sang đầu tư tập trung, chăm bón và liên kết với tiểu thương để buôn bán, nâng giá trị của sản phẩm làm ra.

Khi đã chuyển đổi được tư duy kinh tế, thì kéo theo nhận thức trách nhiệm của nhân dân, cán bộ, đảng viên về giảm nghèo bền vững cũng chuyển biến tích cực; xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, giảm bớt các lễ hội, tập trung cho sản xuất, hạn chế tối đa uống rượu, bia; biết tiết kiệm trong chi tiêu để tái đầu tư sản xuất; xây dựng khu dân cư xanh sạch đẹp, nhất là các địa điểm đủ điều kiện khai thác du lịch cộng đồng…

Tuy nhiên, điểm nghẽn còn đó và khá nhiều lực cản không dễ gỡ. Lãnh đạo các địa phương cho rằng, việc triển khai các chương trình bị chậm trễ. Nói là chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, nhưng đến giữa năm 2022 mới có các văn bản hướng dẫn của trung ương, đến cuối năm mới có các văn bản triển khai của tỉnh. Như vậy thì đến đầu năm 2023 mới có thể triển khai được. Chậm mất 2 năm. Các văn bản hướng dẫn của các cơ quan thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện. Hiện tại không chỉ riêng ở Nam Trà My mà cả tỉnh và thậm chí cả nước cũng vậy.

Vừa rồi các bộ ngành trung ương còn phải ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn thực hiện cho địa phương, nhưng vẫn chưa triệt để. Nếu cán bộ cơ sở làm theo cách nghĩ từ cơ sở thì sợ thanh tra, kiểm toán, mà chờ đến khi có hướng dẫn rõ ràng thì áp lực giải ngân cũng rất nặng nề, đồng thời cũng khó mà hoàn thành các chỉ tiêu đề ra vì chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc chương trình.

Nguồn lực thực hiện của các chương trình cũng là một vấn đề rất nan giải. Vì để đạt được mục tiêu đề ra thì đòi hỏi về nguồn lực từ tiền bạc lẫn nhân lực, mà thực tế tiền thì không như mong muốn, cán bộ thì thiếu và yếu.

Dân trí chưa cao, còn duy trì nhiều tập tục lạc hậu, có sự du nhập của văn hóa ngoại lai thông qua giới thanh niên vào địa bàn cũng là trở ngại lớn. Việc thay đổi tư duy, tập quán của bà con là cả một quá trình chứ không phải 3 hay 5 năm là có thể thực hiện. Đó là chưa kể thời tiết bất thường, rồi vướng quy hoạch rừng, nguồn vật tư, vật liệu phục vụ thi công...

Theo ông Nguyễn Văn  Lượm, một thời gian khá dài triển khai cơ chế hỗ trợ trực tiếp, không có điều kiện ràng buộc và chưa gắn trách nhiệm của người dân khi nhận sự hỗ trợ đã tạo nên sức ì khá lớn, người dân trông chờ, không trân quý sản phẩm được nhận, không có trách nhiệm duy trì và phát triển các sản phẩm, mô hình phát triển sản xuất mà nhà nước triển khai, nên rất nhiều mô hình thất bại khi cơ quan nhà nước bàn giao lại cho người dân.

Giai đoạn hiện nay cơ chế có phần thay đổi, chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ sau đầu tư, người dân có trách nhiệm cùng tham gia phát triển sản xuất để hưởng lợi. Cơ chế là vậy nhưng người dân, kể cả một số cán bộ vẫn còn rất nặng tư duy cho không, cho trực tiếp nên vận động mô hình theo hướng tập trung, chuyên canh, liên kết để có sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa vẫn là câu chuyện dài của miền núi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình mục tiêu quốc gia ở miền núi: "Góp gió" nhưng chưa thành "bão"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO