Một chương trình nghệ thuật đang được chuẩn bị để trình diễn vào đêm 25/7 tại Trung tâm VH-TT thị xã Điện Bàn, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904 - 2024) và 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Huyền thoại mẹ
Trong dòng chảy lịch sử oai hùng của dân tộc, chúng ta không thể nào quên những trang sử vàng son được viết nên bằng máu và nước mắt. Đó là những người mẹ, người vợ đã hy sinh tuổi thanh xuân, là những người anh, người chị đã cống hiến cả cuộc đời vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sự hy sinh thầm lặng ấy không chỉ là những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, mà còn là biểu tượng của sự kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Đó là những tượng đài bất tử trường tồn qua năm tháng.
Trong vở diễn, bên cạnh nhân vật chính mẹ Nguyễn Thị Thứ thời trẻ, mẹ Thứ khi già còn có mẹ Lê Thị Trị thời trẻ, mẹ Trị khi già, các liệt sĩ Lê Tự Lem, Lê Tự Chuyển, Ngô Thị Cúc, Ngô Thị Điểu, cán bộ trẻ của tỉnh Quảng Nam và các tuyến nhân vật phụ khác.
Vở diễn dự kiến có sự tham gia của NSND Mỹ Uyên (mẹ Thứ), NSND Trịnh Kim Chi (mẹ Trị), ca sĩ Vy Thảo và các diễn viên Trung tâm Văn hóa Quảng Nam, Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Đoàn Văn công Quân khu 5, Trung tâm VH-TT&TT-TH thị xã Điện Bàn cùng các diễn viên quần chúng, tổng cộng đến gần 100 người.
Tiêu biểu nhất là Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Thứ (quê phường Điện Thắng Trung, Điện Bàn) - người mẹ đã bao lần tiễn chồng, tiễn con lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Chiến tranh qua đi, 9 người con trai, 1 người con rể và 2 cháu ngoại của mẹ mãi mãi không trở về. Mỗi nỗi đau, mỗi mất mát của mẹ được ví như những nốt nhạc bi hùng của bản hùng ca trong ngày toàn thắng của dân tộc.
Mẹ Thứ như một tượng đài của lòng kiên trung, bất khuất, của tình yêu nước vô bờ bến. Hình ảnh đau thương và anh dũng của mẹ đã được phác họa thành tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng” để lại cho muôn đời sau.
Tròn 120 năm ngày sinh mẹ Thứ (1904 - 2024), Quảng Nam quyết định tổ chức lễ kỷ niệm cấp tỉnh với nhiều hoạt động tưởng niệm, về nguồn… Đặc biệt, đêm kỷ niệm vào 25/7 tại Điện Bàn được UBND tỉnh lên chương trình nghệ thuật tưởng niệm, giao Trung tâm Văn hóa Quảng Nam xây dựng kịch bản sân khấu.
Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Nam cho biết, kịch bản chương trình ca nhạc kịch - nhạc cảnh sân khấu hóa với tựa đề “Huyền thoại mẹ - Tượng đài bất tử” có nội dung chính ca ngợi Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ và những cống hiến, hy sinh cao cả, những đóng góp lớn lao của các bà mẹ VNAH, các liệt sĩ…, những người đã đóng góp, hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; ca ngợi mảnh đất Quảng Nam anh hùng, chịu nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc kháng chiến và ca ngợi khát vọng vươn lên trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của con người Quảng Nam.
Sân khấu chương trình được thiết kế lấy nền là Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng.
Tượng đài bất tử
Tổng đạo diễn chương trình - NSƯT Nguyễn Thành Chánh Trực cho biết, cụm từ “Những tượng đài bất tử” nhấn mạnh sự cống hiến, hy sinh cao cả, những đóng góp lớn lao của các mẹ VNAH như những tượng đài sống mãi với thời gian, không bao giờ phai mờ trong lòng dân tộc.
Vở diễn khắc họa hành trình đầy đau thương nhưng cũng vô cùng kiên cường của mẹ Thứ, từ lúc tiễn các con ra trận, nhận tin từng người con hy sinh, cho đến những năm tháng tuổi già chờ đợi trong hy vọng.
Đây là câu chuyện về lòng yêu nước, về sự hy sinh thầm lặng, về tinh thần anh dũng của người mẹ Việt Nam. Đồng thời, vở diễn cũng là lời nhắc nhở các thế hệ trẻ về giá trị của độc lập, tự do và sự tri ân đối với những người đã cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc.
Bố cục vở diễn gồm 3 chương.
Chương 1: Ngàn năm mây trắng thể hiện nỗi nhớ mẹ khôn nguôi bên di ảnh mẹ của đứa con được mẹ chở che trong bom đạn, từ đó dẫn dắt lại câu chuyện bi hùng của mẹ Thứ.
Chương 2: Huyền thoại mẹ kể về sự bất khuất kiên trung của mẹ Thứ trước bom đạn quân thù. Sự hy sinh anh dũng của những người con của mẹ Thứ là minh chứng cho sự bất tử của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho hòa bình dân tộc. Hình tượng mẹ Thứ là một trong những tượng đài tiêu biểu của hàng trăm nghìn mẹ VNAH. Tất cả tạo nên bản tráng ca ngàn đời bất diệt.
Chương 3: Tượng đài bất tử ca ngợi vùng đất Quảng Nam anh hùng trong kháng chiến, khát vọng vươn lên trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của con người Quảng Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, chương trình ca nhạc kịch kỷ niệm không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn chứa đựng ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, về những hy sinh to lớn mà các thế hệ trước đã phải trải qua để có được nền hòa bình ngày nay. Đây cũng là dịp để mỗi người tri ân và tự hào về những người mẹ VNAH như mẹ Thứ, những người đã viết nên những trang sử vàng son cho dân tộc...