(QNO) - Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết “Chương trình OCOP - giải pháp phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới hiệu quả” của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng BCĐ Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Phát triển nông thôn còn thiếu bền vững
Trong 10 năm (2008-2018) thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X), 8 năm (2010-2018) thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo nên một khu vực nông thôn (KVNT) với nhiều đổi thay rõ nét, kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ, hơn 20.000 mô hình phát triển sản xuất đã tạo nên động lực mới cho phát triển kinh tế KVNT, sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và chuyển biến, đời sống của đại đa số nông dân được nâng cao. Tính đến nay, cả nước có 3.420 xã (38,32%) được công nhận đạt chuẩn NTM, đã có 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về giải pháp xây dựng NTM cấp thôn, bản cho những vùng đặc thù, khó khăn. Đây là những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong xây dựng NTM, phát triển KTXH KVNT.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì kết quả xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giữa các vùng còn có sự chênh lệch lớn; kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể chưa được thúc đẩy tích cực, lợi thế địa phương về sản vật, cảnh quan, văn hóa... chưa được khai thác hết tiềm năng, sự chuyển biến phát triển kinh tế KVNT nhìn chung còn chậm, một trong những nguyên nhân cơ bản là do các địa phương chưa xác định được các dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường (trong từng lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, và dịch vụ); công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, mô hình sản xuất kinh tế hộ còn chiếm tỷ lệ rất cao, mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến (DN, HTX) còn thiếu cả số lượng và chất lượng; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo (theo đúng chuyên môn sản xuất sản phẩm lợi thế) và năng suất lao động KVNT đạt thấp; công tác quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, quản lý nhà nước còn yếu và bất cập về định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường. Chất lượng đội ngũ cán bộ vẫn còn tư tưởng làm cho, làm thay, thiếu các hoạt động mang tính chất kiến tạo cho sự phát triển... Rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn từ ngân sách Nhà nước, từ các nguồn tài trợ bên ngoài, thiếu sự liên kết hiệu quả giữa các nhà DN, nhà khoa học và nông dân, chưa tận dụng hết tài nguyên nội tại trong khu vực (nguyên liệu, lao động, văn hóa...), người dân, chưa chú trọng phát triển sản phẩm truyền thống có lợi thế theo quy mô hàng hoá; nhiều dự án hỗ trợ sau khi kết thúc, nông dân chưa đủ điều kiện (về trình độ, năng lực tài chính) để tiếp cận, làm chủ và phát triển tiếp một cách bền vững. Kinh tế nông thôn phá triển không đồng đều, cùng các vấn đề về ô nhiễm môi trường, sự dịch chuyển lao động trẻ có trình độ từ nông thôn ra thành thị, làm ảnh hưởng chung phát triển KTXH KVNT, cũng như tiến trình và chất lượng xây dựng NTM hiện nay. Phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ cốt lõi của xây dựng NTM nhưng vẫn đang là vấn đề khó nhất của Chương trình xây dựng NTM.
Vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế
Để có thể giải quyết được căn bản những yếu kém, hạn chế nêu trên, Việt Nam có thể nghiên cứu, vận dụng bài học kinh nghiệm quốc tế về phong trào Mỗi làng một sản phẩm (One village one product - OVOP) được thực hiện thành công tại Nhật Bản từ năm 1979 trong quá trình xây dựng, triển khai chiến lược phát triển kinh tế đất nước nói chung, đã đặc biệt chú ý phát triển KTXH KVNT theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển (đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, công nghệ, lòng tự hào, khả năng sáng tạo, văn hoá...) thông qua phong trào OVOP (hiện nay, phong trào OVOP đã lan tỏa được triển khai thực hiện hơn 40 nước trong khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh,.. đóng góp tích cực vào sự phát triển KTXH KVNT ở các quốc gia, điển hình là Chương trình Mỗi cộng đồng một sản phẩm - OTOP của Chính phủ Thái Lan, sau hơn 10 năm triển khai (từ 2001 - 2012), đã tạo ra hơn 72.000 sản phẩm hàng hóa và dịch vụ ở vùng nông thôn trên phạm vi toàn quốc).
Qua kinh nghiệm thành công của một số nước trong khu vực về phong trào OVOP, vận dụng linh hoạt chính sách phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ, trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, nhiều địa phương đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo các mô hình phát triển kinh tế nông thôn. Từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai Chương trình “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (One commune one product - OCOP), đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện chương trình này một cách bài bản, có hệ thống, từ việc bố trí bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực từ nội lực cộng đồng, đến hướng dẫn qui trình triển khai, xúc tiến thương mại... Kết quả đạt được sau hơn 3 năm triển khai đã khẳng định, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCPO” là hướng đi đúng, sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những lợi thế, thế mạnh của địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh.
Đến nay, đã có hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước học tập và triển khai OCOP theo các quy mô khác nhau, trong một thời gian ngắn đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng, cho thấy sự sáng tạo của người dân là vô hạn; cả nước đã dấy lên một phong trào mạnh mẽ về phát triển kinh tế nông thôn theo mô hình OCOP. Hiện cả nước có 6.010 DN, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 DN (chiếm 76,6% số DN sản xuất nông nghiệp trong cả nước), tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc sáu nhóm sản phẩm, trong đó, nhóm thực phẩm có 2.584 sản phẩm; nhóm đồ uống có 1.041 sản phẩm; nhóm thảo dược có 231 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 186 sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 580 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm. Tuy nhiên, mới có 1.086 sản phẩm có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 22,52%); 695 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (chiếm 14,4%). Với kết quả này cho thấy, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể một cách bài bản, thống nhất, đồng bộ.
Từ thực tiễn tại Việt Nam và trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) - là chương trình được xác định là một giải pháp cụ thể, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế ở khu vực này. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế KVNT theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, triển khai thực hiện chương trình phải bảo đảm phù hợp và thích ứng các yếu tố, quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm các nguyên tắc: (i) Sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; (ii) Tự lực, tự tin và sáng tạo; (iii) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó, chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế HTX. Để khuyến khích phát triển sản phẩm, cả từ ý tưởng và xuất phát từ nhu cầu, khả năng thực tế của mỗi cơ sở sản xuất, chương trình đề ra một “sân chơi”, đó là Chu trình OCOP được thực hiện theo 6 bước, theo nguyên tắc dân biết - dân bàn - dân làm và dân thụ hưởng. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ, không áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong sản xuất các sản phẩm OCOP, khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn: (i) Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phải cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường lớn; (ii) Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bất thường; (iii) Hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo áp lực ngày càng lớn cho các sản phẩm trong nước. Trước những thách lớn này, Chính phủ đang tích cực chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết. Trong đó, xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với định hướng phát triển các nhóm sản phẩm ở 3 cấp độ, đặc biệt là các sản phẩm cấp huyện, cấp xã (mà Chương trình OCOP hướng vào) nhằm thực hiện mục tiêu trong giai đoạn 2018-2020 của Chương trình là tiêu chuẩn hóa gần 2.400 sản phẩm, củng cố 3.920 tổ chức kinh tế tham gia OCOP góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã NTM.
Sáu nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm
Để sớm phát huy những ưu thế rõ nét của Chương trình OCOP đối với phát triển kinh tế ở nông thôn trong điều kiện đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, khắc phục hạn chế về quy mô sản xuất hàng hóa, dịch vụ ở khu vực nông thôn còn nhỏ lẻ, các giải pháp nhằm thúc đẩy nhanh Chương trình OCOP đạt hiệu quả, các bộ ngành và địa phương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần làm tốt công tác truyển thông thông tin, phát triển nhận thức cho cả xã hội, thị trường tiêu thụ hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP, từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.
Thứ hai, phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phải đa dạng. Sản phẩm phải từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường khác nhau. Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp (như hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, DN hoặc HTX. Ở phạm vi quốc gia, sớm thành lập Trung tâm sáng tạo OCOP quốc gia (như bài học thiết kế sáng tạo của nhiều nước, trong đó có Thái Lan), từ đó có các tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho công tác thiết kế, sáng tạo sản phẩm OCOP. Việc phát triển sản phẩm phải gắn chặt với công tác đánh giá xếp hạng sản phẩm của Chương trình OCOP. Sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng và gắn sao có thứ hạng cao phải được lòng dân “gắn sao” về uy tín và chất lượng.
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2018-2020 bằng những đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Đề án phát triển 1.500 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, cũng như cho các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong CNH, HĐH đất nước đã được đề ra. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới nhất là các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhận diện rõ “Nông nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “Nông nghiệp hữu cơ” và bước đi, giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới.
Thứ tư, các tổ chức tài chính, tín dụng cần nghiên cứu để sớm có chương trình tín dụng hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình OCOP. Các tập đoàn, công ty lữ hành lớn, hãng hàng không, các cơ quan báo chí, truyền thông... cần tăng cường thông tin về các sản phẩm đặc sản các vùng, miền vào chương trình quảng bá du lịch, không chỉ trong nước mà cả quốc tế nhằm tăng cường hơn nữa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện công tác marketing tổng thể chương trình trên phương diện quốc gia.
Thứ năm, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chuyên môn để xây dựng, thực hiện đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Lưu ý cần lựa chọn bước đi, lộ trình thích hợp, lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để đầu tư phát triển, nâng cấp thành sản phẩm xã, huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và tiến tới xuất khẩu tạo chuỗi giá trị. Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP được gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của mỗi địa phương, gắn với thực hiện Đề án phát triển 15.000 HTX. Các thủ tục hành chính hỗ trợ người sản xuất phải thực hiện nhanh gọn, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cần nhiệt tình, tâm huyết và có hiểu biết để chỉ đạo thúc đẩy đề xuất, sáng kiến về sản phẩm từ dưới lên (từ các DN, HTX, hộ sản xuất). Các địa phương cần linh hoạt trong triển khai thực hiện các cơ chế chính sách chung của Trung ương và ban hành các chính sách phù hợp điều kiện của địa phương.
Trong chỉ đạo, cần tập trung phát triển các dự án mang tính chất trọng điểm, dự án liên kết vùng huyện, xã. Việc tổ chức các sự kiện vinh danh về sản phẩm, về dịch vụ du lịch (hội chợ, festival) cần được thực hiện thường xuyên. Các địa phương tùy điều kiện, đặc điểm cụ thể, cần chọn bước đi, lộ trình thích hợp, phù hợp điều kiện thực tế địa phương để lựa chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư phát triển, nâng cấp sản phẩm từ cấp xã, huyện lên cấp tỉnh, quốc gia; chỉ đạo xây dựng Đề án, phê duyệt kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chuyên môn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ sáu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy sản xuất, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển 3 trục sản phẩm cấp độ quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương huyện xã, trong đó chú trọng các sản phẩm chủ lực cấp huyện, cấp xã (sản phẩm OCOP), gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng NTM. Sớm lựa chọn và triển khai chỉ đạo điểm của Trung ương tại một số tỉnh, thành phố là trung tâm kinh tế của cả nước, các tỉnh có tiềm năng trong phát triển sản xuất, chế biến, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, tích cực chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM; sớm ban hành các quy định, quy trình và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm OCOP; thực hiện tốt công tác tổ chức đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, cho các chủ DN, HTX, tổ hợp tác, các chủ thể tham gia Chương trình để có kiến thức về quản trị sản xuất, kiến thức marketing; duy trì và thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại, giao lưu thương mại giữa các tỉnh, thành trong cả nước, từng bước đưa nông dân hội nhập thị trường; phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tư vấn và hỗ trợ ngân sách, đưa tín dụng thương mại sâu rộng vào Chương trình OCOP.
Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế cho KVNT, khuyến khích thực hiện ở cả khu vực đô thị, chương trình sẽ hỗ trợ tích cực để thực hiện hiệu quả chương trình MTQG xây dựng NTM, kết thúc giai đoạn 2018-2020 sẽ tổ chức đánh giá và xây dựng kế hoạch lộ trình thực hiện Chương trình OCOP cho giai đoạn tiếp theo.
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần phải có quyết tâm chính trị cao để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển các HTX, các DN nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp DN, nhất là đối với DN, doanh nhân trẻ KVNT./.
Vương Đình Huệ
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Trưởng BCĐ Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020
(Theo Chinhphu.vn)