Dù còn mới mẻ nhưng Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ở Núi Thành đạt được một số kết quả đáng kể. Địa phương đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là huy động nhiều nguồn lực xã hội thực hiện chương trình này.
Thu hoạch nếp bầu Tam Mỹ - sản phẩm OCOP của Núi Thành. Ảnh: V.P |
Kết quả ban đầu
Ngay sau khi quyết định bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP cho Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện, Núi Thành đã tổ chức các hội nghị triển khai và tuyên truyền bằng nhiều hình thức; trong đó có mời PGS-TS.Trần Văn Ơn – Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng Đề án OCOP Quảng Nam về tập huấn, truyền đạt thông tin về chương trình, qua đó người dân và doanh nghiệp hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP.
Năm 2018 là năm đầu tiên triển khai Chương trình OCOP, nhưng Núi Thành đã đạt được kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Trong năm, Tổ giúp việc Chương trình OCOP huyện đã làm việc với các chủ thể 6 sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2020 theo kế hoạch để xác định nội dung các chủ thể cần hỗ trợ nhằm từng bước xây dựng hoàn thiện sản phẩm theo bộ tiêu chí của sản phẩm. Cũng trong năm 2018, huyện đã giải ngân 100 triệu đồng hỗ trợ cho sản phẩm nếp bầu Tam Mỹ của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - dịch vụ - du lịch Tam Mỹ Tây. Công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cũng được chú trọng, trong đó kinh phí huyện hỗ trợ là 76 triệu đồng. Riêng đối với sản phẩm rau câu chỉ vàng của HTX Nông nghiệp Tam Hòa, sau khi được sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Núi Thành đã trực tiếp hướng dẫn chủ thể khắc phục những tồn tại. Đến nay, HTX Nông nghiệp Tam Hòa đã lập thủ tục và chờ các ngành hữu quan góp ý về phương án sản xuất – kinh doanh sản phẩm rau câu chỉ vàng. Còn sản phẩm dầu mè đen Việt được tỉnh quan tâm bổ sung thực hiện thí điểm, huyện Núi Thành đã làm việc với chủ thể sản phẩm, hướng dẫn chấm điểm theo bộ tiêu chí để xác định các nội dung chỉ tiêu còn hạn chế, qua đó nhanh chóng khắc phục tồn tại và đến nay, sản phẩm này đã được tỉnh xếp hạng 3 sao.
Ông Nguyễn Ngọc Linh – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành kiêm Tổ trưởng Tổ giúp việc Chương trình OCOP huyện chia sẻ: “Tuy đạt được một số kết quả ban đầu, nhưng Chương trình OCOP huyện Núi Thành vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục. Ngoài khó khăn do cán bộ kiêm nhiệm, các chủ thể sản phẩm OCOP phần lớn là nông dân lớn tuổi, trình độ học vấn có hạn nên việc tiếp thu các quy định, chính sách còn hạn chế; trong khi đó các quy định chuyên môn để xây dựng hoàn chỉnh sản phẩm và an toàn thực phẩm OCOP yêu cầu phải chặt chẽ về thủ tục, hồ sơ. Bên cạnh đó, sự quan tâm của lãnh đạo một số xã chưa cao… Đây là vấn đề cần khắc phục để đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP thời gian đến”.
Triển khai nhiều giải pháp
Trong thời gian tới, huyện Núi Thành tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP. Huyện xác định hoàn thiện, nâng cấp 8 sản phẩm thế mạnh là nước mắm Tam Tiến của bà Huỳnh Thị Chung (xã Tam Tiến), dầu mè đen ép sống của ông Nguyễn Minh Thơm (xã Tam Hiệp), rau câu chỉ vàng của HTX Nông nghiệp Tam Hòa, nếp bầu Tam Mỹ của HTX Nông nghiệp - dịch vụ - du lịch Tam Mỹ Tây, nước mắm An Hòa của ông Phạm Đăng Nghĩa (xã Tam Hải), rau an toàn Dream Garden của HTX Sản xuất rau an toàn công nghệ cao Dream Garden (xã Tam Nghĩa), hải sản chế biến của HTX Chế biến thủy hải sản Hải Lâm Phong, HTX Nông – ngư nghiệp Tam Tiến và rượu gạo Bàn Than của ông Phạm Si (xã đảo Tam Hải). Trong năm 2019, huyện Núi Thành tiếp tục tiếp nhận những sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, phấn đấu đến hết năm nay có 3 sản phẩm đủ điều kiện tham gia thi xếp hạng 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, sức sống của Chương trình OCOP là từ người dân, do đó người dân cần được biết, được bàn, được thực hiện và thụ hưởng thành quả của OCOP. Do vậy, huyện Núi Thành đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức, phương tiện. Cùng với đó là huy động nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình. Hiện tại, Tổ giúp việc Chương trình OCOP huyện tiếp tục làm việc với các địa phương và các chủ thể để xác định sản phẩm đã có đang sản xuất, qua đó hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia đăng ký sản phẩm OCOP. Đồng thời huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương hướng dẫn những chủ thể đủ điều kiện thành lập HTX sản xuất sản phẩm OCOP, đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình. “Chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện Chương trình OCOP, xem xét hỗ trợ kinh phí cho chương trình; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Khoa học và công nghệ, Sở Y tế hỗ trợ địa phương và các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP đảm bảo theo quy định” – ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết.
VĂN PHIN