Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội: Hai dự án y tế khó tiêu hết vốn

TRỊNH DŨNG 03/03/2023 04:32

Chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ, tuy nhiên, cho đến giờ vẫn đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt dự án. Liệu có đủ thời gian hoàn tất công trình và giải ngân khi dự án sẽ kết thúc vào 31/12/2023?

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì phiên họp giải quyết khó khăn cho 2 dự án đầu tư y tế với sự tham gia của các sở, ban, ngành và địa phương liên quan ngày 23/2/2023. Ảnh: T.D
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì phiên họp giải quyết khó khăn cho 2 dự án đầu tư y tế với sự tham gia của các sở, ban, ngành và địa phương liên quan ngày 23/2/2023. Ảnh: T.D

Quá nhiều vướng mắc

Quyết định phê chuẩn chủ trương đầu tư 5 trung tâm y tế và 76 trạm y tế xã đã kịp thời hạn ấn định cuối cùng (30/8/2022) để thụ hưởng 296 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Tuy nhiên, sau 6 tháng, tất cả trung tâm hay trạm y tế vẫn chưa có chuyển động gì đáng kể. Ngày 23/2/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam (chủ đầu tư) cho biết cả hai dự án này mới chỉ đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt dự án.

Có quá nhiều vướng mắc trong thẩm định, phê duyệt dự án. Theo chủ đầu tư, hiện nay có một số dự án khi triển khai khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng lập dự án đầu tư có sự sai khác nhỏ so với chủ trương đầu tư được duyệt.

Cơ quan này đã bổ sung (không vượt tổng mức đầu tư, không thay đổi về mục tiêu đầu tư), kể cả việc thanh lý các khối nhà cũ trước khi xây dựng công trình mới (sẽ thanh lý bảo đảm theo quy định sau khi dự án được phê duyệt). Họ đã trình gửi, đề nghị và chờ Sở Xây dựng xem xét thẩm định, phê duyệt dự án để có thể triển khai các bước tiếp theo.

Trạm Y tế xã Điện Phong đang từng ngày xuống cấp chờ được đầu tư theo Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ. Ảnh: T.D
Trạm Y tế xã Điện Phong đang từng ngày xuống cấp chờ được đầu tư theo Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ. Ảnh: T.D

Không khác nhiều so với các dự án đầu tư công khác, 2 dự án đầu tư y tế cũng vướng thủ tục đất đai như các công trình Trung tâm Y tế Núi Thành, Trạm Y tế phường Thanh Hà (Hội An), hoặc rắc rối về thủ tục đăng ký môi trường.

Thời hạn đầu tư dự án quá gấp, không còn cách nào, chủ đầu tư phải đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thống nhất phê duyệt dự án như đề xuất chủ trương đầu tư, sớm thẩm định và cấp giấy phép môi trường dự án. Họ cam kết sẽ điều chỉnh, bổ sung đảm bảo theo quy định trong quá trình tổ chức triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Những sai số từ thực tế với chủ trương đầu tư, thanh lý nhà cũ hay vướng thủ tục đất cũng sẽ dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn là chuyện đăng ký môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho hay, sở đang thẩm định, sớm giải quyết cho 5 trung tâm y tế huyện, còn 76 trạm y tế xã đã gửi kiến nghị lên Bộ TN-MT song 2 tháng qua vẫn chưa có câu trả lời.

Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nói, rất mong các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, không nên cứng nhắc quá sẽ khiến dự án không thể kịp tiến độ. Chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, nhưng nếu việc đăng ký môi trường không có thời hạn trả lời hoặc không trả lời thì làm sao để thi công dự án.

Liệu có kịp đầu tư và tiêu hết vốn?

Ông Huỳnh Xuân Sơn nói, dự án lắt nhắt, nhỏ lẻ, riêng chỉ khảo sát 76 trạm y tế đã hết thời gian. Tuy nhiên, trong khi ngân sách nhà nước dành cho đầu tư càng ngày càng ít, dễ gì có được gần 300 tỷ đồng để đầu tư, nên chủ đầu tư sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành dự án đúng tiến độ và giải ngân hết vốn.

Minh định một điều rằng, việc đầu tư mới nhằm bảo đảm khả năng chẩn đoán bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị, góp phần giảm tải cho các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, bởi mạng lưới y tế cơ sở dù đã phủ rộng khắp 18 huyện, thị, thành phố và tất cả địa phương cấp xã nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của nhân dân.

Trạm Y tế xã Duy Phước (Duy Xuyên) là một trong những công trình sẽ được đầu tư theo chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ. Ảnh: T.D
Trạm Y tế xã Duy Phước (Duy Xuyên) là một trong những công trình sẽ được đầu tư theo chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ. Ảnh: T.D

Một số trung tâm y tế còn rất nhiều khoa chưa được xây dựng phải ghép các khoa khác, không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Hạn chế này bộc lộ ngay thời “khủng hoảng” khám chữa bệnh COVID-19..., nên việc đầu tư mới hay mua sắm trang thiết bị y tế cho các dự án đã được chấp thuận này là điều cần thiết.

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế nói, đơn vị thụ hưởng mong chủ đầu tư hoàn thiện dự án nhanh hết mức có thể vì các cơ sở y tế này đang trong tình trạng xuống cấp, ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh cho người dân địa phương.

Cho dù chủ đầu tư cam kết hay đơn vị thụ hưởng mong muốn, việc đầu tư 2 dự án y tế này đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trên thực tế, đứng trước nguy cơ không thể tiêu hết vốn, không kịp giải ngân khi thời hạn kết thúc của các dự án là 31/12/2023.

Tại cuộc họp ngày 9/11/2022, các cơ quan thẩm định, sở, ban, ngành liên quan đều cho rằng tiến độ thực hiện dự án chậm. Nếu đến hết tháng 12/2022 mà không hoàn tất hồ sơ thiết kế, đấu thầu thì không thể kịp tiến độ, bởi ít nhất phải mất hết 6 tháng mới hoàn tất thủ tục đầu tư.

Nhưng cho đến giờ, hồ sơ vẫn chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện trình phê duyệt dự án thì bao giờ mới triển khai thi công để hấp thụ vốn. Chỉ còn 10 tháng nữa là chương trình sẽ kết thúc.

Trong khi đó, các thủ tục bổ sung hay điều chỉnh vẫn trong quá trình xem xét hoặc chưa có câu trả lời. Ngay cả việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị y tế cũng gặp nhiều khó khăn do việc khảo sát, thu nhập báo giá của các nhà cung cấp rất khó.

Không có đơn vị cung cấp thông tin báo giá, thời gian chờ báo giá kéo dài, độ rủi ro về mức chênh lệch giá cao nên trách nhiệm và mức độ rủi ro trong việc thẩm định giá của đơn vị thẩm định giá rất lớn.

Tuy nhiên, giá trị chi phí thực hiện việc thẩm định giá thấp. Ngoài ra, giá vật liệu (cát san nền, đắp công trình và cát xây dựng giá thị trường) cao hơn nhiều với giá báo liên sở, lại thiếu nguồn cung.

Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói, hai dự án này có khả năng sẽ không làm nổi. Nếu không phê duyệt dự án đầu tư trước 31/3/2023 thì sẽ không được phân bổ vốn. Chưa kể ở bước thiết kế dự toán còn phức tạp hơn nữa, nhất là 76 trạm y tế nhỏ lẻ, sẽ khó kịp để trình phê duyệt.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cần một thái độ dứt khoát từ Bộ TN-MT để tháo gỡ cho địa phương. Ông Tuấn đã yêu cầu các sở (Xây dựng, TN-MT) xem xét, thẩm định nhanh các thủ tục dự án để có thể phê duyệt dự án đầu tư, tiến hành thi công. Cần thiết sẽ tổ chức một hội nghị để bàn việc tháo gỡ 2 dự án này để không bị Trung ương thu hồi vốn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội: Hai dự án y tế khó tiêu hết vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO