Chương trình số 16 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp: Chọn lọc hướng đi

TRƯỜNG ĐỒNG 09/07/2018 09:39

Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành Chương trình số 16-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22.3.2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu Chương trình số 16 đặt ra đến năm 2030 Quảng Nam là tỉnh phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; tầm nhìn đến năm 2045 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại. Trong đó, đến năm 2025 cơ cấu kinh tế các ngành phi nông nghiệp chiếm hơn 92%; đến năm 2030 lao động công nghiệp chiếm 33 - 40% tổng số lao động của các ngành kinh tế. Giai đoạn 2018 - 2025 phấn đấu mỗi năm đưa tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt 15%, giai đoạn 2026 - 2030 mỗi năm tăng 13,5%. Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chiếm khoảng 44% trong cơ cấu GRDP.

Liên kết ngành công nghiệp cơ khí, ô tô... là một trong những định hướng của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp Quảng Nam trong thời gian tới.  Ảnh: L.V
Liên kết ngành công nghiệp cơ khí, ô tô... là một trong những định hướng của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp Quảng Nam trong thời gian tới. Ảnh: L.V

Phát triển có chọn lọc

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, Tỉnh ủy cho rằng tăng trưởng ngành công nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Trong đó các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông - lâm - thủy sản phát triển thiếu bền vững và chưa tạo ra được giá trị gia tăng cao; trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới... Và việc thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị là cơ hội để Quảng Nam khắc phục những vấn đề còn tồn tại, dỡ bỏ những rào cản phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.

Xác định công nghiệp là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam, Tỉnh ủy chủ trương phát triển công nghiệp gắn với phát triển các ngành kinh tế khác và định hướng phát triển vùng đông nam, vùng tây của tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú ý phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp như cơ khí, ô tô, dệt may; kết hợp phát triển công nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu, vừa bảo đảm giải quyết việc làm vừa nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng. Tỉnh ủy cũng lưu ý, phát triển công nghiệp phải dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn lực của địa phương, phát triển có lựa chọn về công nghệ, nhà đầu tư, lĩnh vực ưu tiên... Đồng thời việc lựa chọn các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực phải khách quan, phù hợp với thực tiễn, với từng giai đoạn công nghiệp hóa của địa phương. Tỉnh ủy yêu cầu, chính quyền ngoài giữ vai trò định hướng cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh… Chỉ khi nào thực hiện tốt những vấn đề trên mới có thể đảm bảo phát triển công nghiệp Quảng Nam bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.

Định hình hướng đi

Trong giải pháp phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, về định hướng đối với vùng đông nam, Tỉnh ủy nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp chế biến, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Đồng thời đặt ra vấn đề kết hợp với thế mạnh sân bay, cảng biển để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ hàng không, logistics và một số ngành công nghiệp chế biến hỗ trợ nông nghiệp nhằm tăng nhanh giá trị gia tăng công nghiệp, giải quyết việc làm, đóng góp lớn vào ngân sách. Đối với vùng trung du, miền núi (vùng tây), hướng đến tập trung xây dựng các cụm công nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản, dược liệu ở những nơi có điều kiện; chế biến sâu các sản phẩm từ lâm sản và dược liệu, hạn chế xuất thô, tăng giá trị kinh tế rừng; khôi phục, phát triển mạnh mẽ hệ thống các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Riêng với vùng đông bắc, tỉnh chủ trương phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp chế biến lương thực.

Quảng Nam hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động; có 167 dự án FDI với tổng vốn thu hút đầu tư 5,8 tỷ USD. Theo báo cáo của Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng (tăng 10,3% so với cùng kỳ); thu hút 15 dự án vào các khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 1.506 tỷ đồng. Trong 6 tháng qua, UBND tỉnh đã quyết định thành lập thêm 2 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên con số 51, với tỷ lệ lấp đầy bình quân 66,98%. Riêng năm 2017, toàn tỉnh có gần 1.300 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký bình quân khoảng 14,1 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Lâu nay, một trong những giải pháp phát triển kinh tế luôn được chú trọng là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Và Chương trình số 16 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp tiếp tục lấy điều này làm trọng tâm. Trong đó, Tỉnh ủy định hướng tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp. Đơn vị, chính quyền địa phương các cấp cần thực hiện đúng các bộ thủ tục hành chính đã được công bố liên quan đến việc triển khai dự án đầu tư, phải nâng cao tính minh bạch trong việc cấp phép đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các cấp, ngành tạo điều kiện phù hợp về đất đai, mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường đối với sản phẩm công nghiệp. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cần thường xuyên tổ chức đối thoại để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cơ chế ưu đãi đối với các dự án cần khuyến khích đầu tư và thu hút đầu tư vào khu - cụm công nghiệp ở những địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn hoặc ưu đãi trong thẩm quyền của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp, nhưng chuyển từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên dự án sử dụng công nghệ cao - mới - sạch - tiết kiệm…

Nhân lực - yếu tố quyết định

Để thực hiện hiệu quả những chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp, Chương trình số 16 của Tỉnh ủy đề cao yếu tố con người. Trong đó, trước hết nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, bởi đây là lực lượng quan trọng xác định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách phát triển công nghiệp, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng ngành, từng cấp. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy yêu cầu quan tâm đến việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân công nghiệp; chú ý đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu. Gắn với đó, phát huy vai trò của đội ngũ hoạt động trên lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ để có thể đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với lực lượng trực tiếp tham gia khâu vận hành, sản xuất, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành chức năng nghiên cứu, thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, tiến hành rà soát, điều chỉnh và quy hoạch lại hệ thống đào tạo và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng đào tạo gắn với yêu cầu, mục tiêu của sự phát triển. Tỉnh cũng cần xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài về làm việc trong ngành công nghiệp; hoàn thiện cơ chế để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động công nghiệp cả về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu ngành nghề; định hướng dịch chuyển lao động, nhất là lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, phân bổ hợp lý lao động theo vùng.

Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đa dạng hóa hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực; tập trung đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhất là công nhân kỹ thuật bậc cao am hiểu thiết bị công nghệ hiện đại. Toàn tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tổ chức đào tạo các ngành dệt, may, da giày, mây tre đan, tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với tạo việc làm nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động. Địa phương, ngành chức năng khảo sát đưa các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động về địa bàn nông thôn, miền núi, đồng thời chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với tác phong công nghiệp cho nhân lực thuộc khu vực này.

TRƯỜNG ĐỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình số 16 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp: Chọn lọc hướng đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO