Chương trình sữa học đường cho học sinh miền núi: Một chính sách nhân văn

XUÂN PHÚ 22/04/2020 09:51

Học sinh (HS) miền núi của tỉnh sắp tới đây sẽ được hưởng một chính sách nhân văn: chương trình sữa học đường.

Học sinh miền núi sẽ được uống sữa miễn phí trong thời gian tới. Ảnh: X.P
Học sinh miền núi sẽ được uống sữa miễn phí trong thời gian tới. Ảnh: X.P

Uống sữa miễn phí

Sữa tươi có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất của trẻ em và HS tiểu học, nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên phần lớn trẻ em miền núi ít khi được uống sữa. Vì vậy, tại kỳ họp cuối năm 2019, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết 15 về Chương trình sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và HS tiểu học tại các huyện miền núi cao của tỉnh.

Theo đó, trẻ mẫu giáo (từ 3 - 6 tuổi) và HS tiểu học (từ lớp 1 - 5) đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập tại 6 huyện miền núi (Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang) sẽ được uống sữa mỗi ngày 1 hộp loại 180ml, uống 5 lần/tuần trong thời gian 9 tháng đi học/năm học. Thời gian thực hiện từ tháng 1.2020 - 5.2022 với nguồn kinh phí 110 tỷ đồng do ngân sách tỉnh đảm bảo 100%.

Xin nhắc lại quá trình xây dựng đề án chương trình sữa học đường trước đó để thấy sự quan tâm của tỉnh đối với HS miền núi. Khi soạn thảo dự thảo đề án, ban đầu các ngành chức năng tính toán đến phương án xã hội hóa một phần đối với những gia đình có điều kiện, dù khá dè dặt.

Một số ý kiến cho rằng nếu ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%, chính sách sẽ không công bằng khi người khá giả cũng được hưởng như người nghèo. Hơn nữa, ngân sách tỉnh còn hạn chế nên cần xã hội hóa, cũng là để nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên, khi “chốt” lại đề án và trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết, phần xã hội hóa trong phụ huynh không còn và thay vào đó ngân sách đảm bảo chi 100%.

Chia sẻ về chủ trương này, ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, đây là một chính sách nhân văn, góp phần bổ sung dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc cho HS các địa phương miền núi.

Triển khai quyết liệt

Theo thống kê, 6 huyện miền núi cao của tỉnh hiện có hơn 19.800 HS tiểu học và 12.900 trẻ mẫu giáo (từ 3 - 6 tuổi); trong đó 80% HS tiểu học có chỉ số tăng trưởng thấp hơn so với độ tuổi, còn gần 15% trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng thấp còi. Đối với trẻ mầm non và tiểu học, sữa tươi là một sản phẩm có đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, giúp tăng trưởng tốt về chiều cao của trẻ. Vì vậy, triển khai chương trình sữa học đường nhằm nâng cao thể chất, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ mầm non, tiểu học tại 6 huyện miền núi cao tỉnh là thực sự cấp thiết.

Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 15 (ngày 17.12.2019), UBND tỉnh nhanh chóng thực thi bằng Quyết định 194 (ngày 17.1.2020) về việc triển khai Nghị quyết 15, sau đó là Quyết định 755 (ngày 20.3.2020) cấp phát kinh phí cho Sở GD-ĐT và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện chương trình sữa học đường.

UBND tỉnh đã chủ trì họp với các sở, ngành chức năng nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu Sở GD-ĐT khẩn trương lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, triển khai thực hiện mua sắm và thanh quyết toán theo đúng các quy định hiện hành.

Sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh buộc Sở GD-ĐT phải đẩy nhanh tiến độ triển khai. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Tài chính, làm việc với đơn vị thẩm định về các công việc liên quan đến thực hiện chương trình sữa học đường. Sau khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, sở tập trung triển khai các nhiệm vụ còn lại.

Ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến một số công việc có phần chậm trễ so với kế hoạch trước đó, dù vậy, đến nay đã thông báo mời thầu theo quy định và dự kiến cuối tháng 4 sẽ mở thầu. Sau khi có kết quả, sẽ ký kết hợp đồng mua sữa với đơn vị trúng thầu để nhanh chóng triển khai cho kịp tiến độ, giúp HS đi học trở lại sớm có sữa để uống.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình sữa học đường cho học sinh miền núi: Một chính sách nhân văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO