Chương trình sữa học đường: Một chính sách nhân văn

XUÂN PHÚ 15/07/2022 09:55

Tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc vào đầu tuần tới), HĐND tỉnh sẽ xem xét quyết định việc thực hiện chương trình sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh từ năm học 2022 - 2023. Đây được xem là chính sách nhân văn, góp phần phát triển thể chất và trí lực cho trẻ nên cần tiếp tục triển khai.

Trẻ mầm non vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều được uống sữa miễn phí trong thời gian đến trường. Ảnh: X.P
Trẻ mầm non vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều được uống sữa miễn phí trong thời gian đến trường. Ảnh: X.P

Uống sữa miễn phí

Còn nhớ năm 2019, cuộc họp góp ý về đề án sữa học đường cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do UBND tỉnh tổ chức đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình từ các sở, ngành, địa phương.

Sau đó, khi trình ra HĐND tỉnh cũng được các đại biểu nhất trí cao và Nghị quyết số 15 (ngày 17.12.2019) của HĐND tỉnh về Chương trình sữa học đường đối với trẻ em mầm non và học sinh tiểu học tại 6 huyện miền núi cao đã được thông qua (mỗi ngày các em được uống 1 hộp sữa 180ml, uống 5 lần/tuần trong suốt 9 tháng của mỗi năm học, tất cả đều được miễn phí).

Bắt đầu triển khai từ năm học 2019 - 2020, song thực tế đến tháng 6.2020, chương trình mới chính thức thực hiện và học sinh chỉ có 6 tuần được uống sữa (từ 1.6 - 15.7).

Trong hai năm học tiếp theo, các em mới được hưởng trọn vẹn từ ngày khai giảng đến lúc bế giảng (7.9 - 31.5); trong đó năm học 2020 - 2021 có tổng số hơn 32.000 học sinh với hơn 2.939.000 hộp sữa; năm học 2021 - 2022 có hơn 33.000 học sinh với gần 2.840.000 hộp sữa. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2020 - 2022 hơn 50 tỷ đồng.

Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại 6 huyện miền núi cao của tỉnh đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ xã hội và tạo tâm thế phấn khởi cho phụ huynh, học sinh.

Chương trình sữa học đường kết hợp với chế độ dinh dưỡng của các cơ sở giáo dục, của gia đình, đa số trẻ được cải thiện về thể lực và trí tuệ; trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tập trung chú ý trong các hoạt động, trẻ háo hức đi học chuyên cần hơn.

Sức khỏe trẻ có chiều hướng phát triển tích cực hơn, không có tình trạng ngộ độc khi trẻ dùng sữa của chương trình. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi giảm đáng kể trong từng năm học.

Cần tiếp tục

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh, chương trình sữa học đường là chính sách nhân văn đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các huyện miền núi cao. Vì vậy, cần thiết tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm tăng thêm nguồn dinh dưỡng hợp lý, an toàn, lành mạnh, bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ.

So với trước đây, chương trình lần này mở rộng địa bàn, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh, bao gồm các xã, thị trấn của 6 huyện miền núi cao (Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn) và xã Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia (huyện Hiệp Đức), xã Tam Trà (huyện Núi Thành). Thời gian thực hiện 4 năm, từ đầu năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2025 - 2026 với tổng nguồn kinh phí khoảng 151 tỷ đồng.

Trẻ em miền núi, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu rất lớn về sữa dinh dưỡng để nâng cao thể chất nên chương trình sữa học đường giúp các em được uống sữa miễn phí là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, làm thế nào để chương trình không bị gián đoạn, làm ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh và phụ huynh là vấn đề đáng quan tâm. Năm học 2019 - 2020, thời gian trẻ được uống sữa chỉ 6 tuần (từ ngày 1.6 đến 15.7.2020), có lý do là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 15, việc đấu thầu mua sắm sữa học đường tốn nhiều thời gian, thế nhưng cả 2 năm sau này tình trạng vẫn tiếp tục diễn ra.

Năm học 2020 - 2021, thời gian gián đoạn trẻ không được uống sữa là 6 tuần còn năm học 2021 - 2022 là 9 tuần. Nguyên nhân được ngành GD-ĐT xác định chủ yếu do quá trình lập hồ sơ, thẩm định giá sữa, trình phê duyệt dự toán, kế hoạch đấu thầu và thực hiện quy trình đấu thầu mua sắm mất nhiều thời gian.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình sữa học đường: Một chính sách nhân văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO