Chuột hại lúa trên diện rộng

TRUNG THỰC - MINH TÂN 11/03/2016 08:48

Nhiều diện tích lúa đông xuân trên địa bàn huyện Thăng Bình đang bị thiệt hại nặng do bị chuột cắn phá. Đặc biệt, chuột cắn phá vào đúng giai đoạn lúa trổ đòng nên có nhiều nguy cơ mất mùa.

Gia đình ông Võ Phụng (tổ 5, thị trấn Hà Lam) có 5 sào ruộng, khi lúa đang vào giai đoạn chuẩn bị làm đòng thì bị chuột phá gần 2 sào. Hiện tại ông phải mua lưới về rào xung quanh các thửa ruộng của gia đình mình nhưng chuột vẫn tìm đường vào cắn phá. Nhiều thửa ruộng bị chuột cắn phá hơn 50% diện tích. Ông cho biết, mặc dù đã dùng nhiều biện pháp để diệt chuột như thuốc, đặt bẫy hay trộn bột ớt với vôi để tạo ra mùi nồng bôi ở đường chuột hay đi nhưng lúa vẫn bị cắn phá. Giống như ông Phụng, gia đình ông Võ Hưng Nhựt (tổ 5, thị trấn Hà Lam) có 3 sào ruộng thì hơn một nửa diện tích cũng bị chuột cắn phá. Ông Nhựt cho biết: “Ngay sau khi sạ đã bị chuột phá hại, nhưng đặc biệt đến giai đoạn này, mức độ hư hại diễn ra nghiêm trọng hơn”.

Hiện tại, để hạn chế mức độ thiệt hại, người dân một số xã như Bình Giang, Bình Tú, Bình Trung đã ra quân diệt chuột. Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình, đến nay trên địa bàn huyện có hơn 100ha lúa bị chuột cắn phá. Ông Võ Duy Anh - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình nói: “Để diệt chuột hiệu quả, bà con nông dân cần áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp. Khi tổ chức đánh bả cần cho chuột ăn mồi không có thuốc độc trước 2 - 3 ngày rồi sau đó mới trộn mồi và bả để tránh hiện tượng “nhát bả”. Ngoài ra, cần kết hợp dùng các loại bẫy thủ công như lồng, kẹp, ống tre, bẫy bán nguyệt… đặt dọc đường đi hoặc cửa hang chuột, vị trí đặt bẫy cần được giữ cố định trong nhiều đêm để diệt chuột. Ngoài ra, bà con cần rắc thêm vật liệu tương tự  như cỏ rác, đất bùn để chuột không phát hiện. Bà con không được sử dụng điện để diệt chuột”.

Quế Sơn hỗ trợ 500 chiếc bẫy cho nông dân diệt chuột

Ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, những ngày qua chuột đã bùng phát và gây hại rất nhiều diện tích lúa đông xuân ở địa phương.

Tính đến nay trên địa bàn huyện có khoảng 600 sào lúa đang trong giai đoạn làm đòng bị chuột cắn phá, tập trung chủ yếu tại các xã Quế Phú, Quế Xuân 1, Hương An, Quế Cường, Quế Xuân 2. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân ở một số nơi 500 chiếc bẫy hình bán nguyệt để đặt bả diệt chuột. Được biết, ngoài số diện tích bị chuột phá hại, hiện nay trên địa bàn xã Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Phong, Quế Long, Quế An… của huyện Quế Sơn cũng đã có 1.200 sào lúa nhiễm bệnh đạo ôn.(VĂN SỰ)

Bệnh đạo ôn cổ bông có nguy cơ gây hại trên lúa

Vụ đông xuân 2015 - 2016, nông dân huyện Núi Thành sạ cấy 4.200ha lúa, trong đó có 3.400ha chủ động nước đang giai đoạn đứng cái làm đòng, 800ha nước trời trong giai đoạn trổ - chắc xanh. Nhìn chung, các trà lúa sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện tại, ở nhiều vùng lúa xuất hiện bệnh đạo ôn lá phát sinh trên diện rộng. Trong điều kiện thời tiết ngày trời nắng, sáng có sương mù, hơi lạnh về ban đêm rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh diện rộng, có nguy cơ gây hại cổ bông, cổ gié giai đoạn lúa trổ.

Để bảo vệ lúa đông xuân, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành đề nghị các địa phương và nông dân thường xuyên thăm đồng trong giai đoạn lúa trổ để kịp thời phát hiện bệnh. Khi xác định trên lúa có vết bệnh đạo ôn trên cổ bông thì tiến hành dùng thuốc phun trừ. Đối với các giống lúa nhiễm bệnh như BC15, 13/2, KD18, Xi23, OM4900..., trước khi trổ từ 1 - 5 ngày, cần phun 1 trong những loại thuốc đặc hiệu để phòng bệnh. Nếu chưa kịp phun thuốc ở giai đoạn trước trổ thì phun ở giai đoạn sau khi trổ từ 5 - 7 ngày.(VĂN PHIN)

TRUNG THỰC - MINH TÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuột hại lúa trên diện rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO