Chuột và ốc bươu vàng phá hại lúa: Chật vật ứng phó

PH.PHƯƠNG - TR.NHAN 23/01/2019 07:57

Vụ đông xuân năm nay, trên nhiều cánh đồng ở Điện Bàn và Đại Lộc, nhà nông đang phải chật vật ứng phó với chuột và ốc bưu vàng phá hại lúa.

Nông dân Điện Bàn lo ứng phó với nạn chuột, ốc hoành hành. Ảnh: P.PHƯƠNG
Nông dân Điện Bàn lo ứng phó với nạn chuột, ốc hoành hành. Ảnh: P.PHƯƠNG

Mất trắng vì chuột, ốc

Tại nhiều cánh đồng ở Điện Hồng, Điện Thọ (Điện Bàn), Đại Cường, Đại Nghĩa (Đại Lộc), nhiều hộ dân phải sạ lại hoặc tìm mạ để trồng dặm những chân ruộng bị chuột và ốc bươu vàng phá hại. Vợ chồng lão nông Phạm Khắc Quảng mất nhiều ngày dặm lại 1 sào lúa bị chuột, ốc phá hại tại cánh đồng Lạc Thành Tây (Điện Hồng). Vụ này, gia đình ông Quảng sạ 5 sào lúa thì 1 sào đã bị chuột phá hại hết. “Hầu như các đám sát bờ mương, sát gò, sát lùm cây đều bị chuột phá sạch. Tôi đã sạ tới 2 lần nhưng vẫn thất bại. Tết cận kề, thuê người làm trả 150 - 200 nghìn đồng/công nhưng vẫn tìm không ra người nên vợ chồng phải bám đồng” - ông Quảng nói. Bà Nguyễn Thị Xưng than: “Nhà tôi mới sạ 5 sào lúa nhưng đã có 3 sào mất trắng vì chuột”. Bà Trần Thị Hoa, bà Phạm Thị Vân cũng vậy.

Trên cánh đồng thôn Cẩm Văn Bắc (Điện Hồng), có những đám ruộng của hơn chục hộ bị chuột, ốc phá hại. Bà Võ Thị Muộn xuống giống hơn 1 mẫu lúa nhưng đã 4 sào hư hại. “Thấy chuột, ốc phá hại quá, tôi đã làm đủ cách, từ đặt bẫy, đào hang, đi lượm từng con ốc bươu vàng, phun thuốc nhưng chẳng ăn thua. Có người còn đem vỏ lốp xe đốt cháy trên đồng ban đêm để đuổi chuột nữa. Xã có phát 2 gói thuốc trừ chuột nhưng diện tích nhiều, xử lý không xuể” - bà Muộn cho biết. Nhiều diện tích lúa ở Phong Thử 1, 2 (Điện Thọ), chuột phá hại khiến nhiều gia đình phải vất vả dặm lại ruộng. Ông Nguyễn Thành Sơn ở thôn Phong thử 2 sạ 1,2 mẫu,  cây lúa lên xanh thì bị chuột cắn phá mất 4 sào. Bà Nguyễn Thị Nhâm xuống giống 5 sào, bị chuột cắn phá hết 3 sào. Có những ruộng không tìm ra mạ, người dân phải dùng giống lúa TH5 để sạ lại toàn bộ.

Một số cánh đồng Đại Nghĩa, Đại Cường (Đại Lộc), nhà nông vất vả khắc phục hậu quả do chuột, ốc phá hại. Phần lớn các chân ruộng bị hại nhiều đều ở sát bờ tre, sát mương nước, đường bê tông, gò đồi là nơi chuột và ốc ẩn náu. Bà Nguyễn Thị Năm ở thôn Quảng Đại 1 (Đại Cường) vừa dặm lại 1 sào lúa bị ốc bươu và chuột cắn phá, cho hay: “Các phương pháp diệt chuột, đặt bẫy, đánh bả, hun khói không tác dụng. Cứ hư đâu làm lại đó, đến vụ mùa kiếm hạt lúa...”. Bà Nguyễn Thị H. (thôn Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa) đã xuống 3 sào lúa tới đợt thứ 2 nhưng vẫn không còn một cây. Bà H. đã bỏ cả chục công xin mạ khắp nơi để dặm lại 3 sào ruộng cho kịp thời vụ. “Chuột thì không nói rồi, ốc bươu vàng không biết ở đâu bò ra khắp đồng, lội ruộng mà thấy ốc lớn ốc nhỏ lạo xạo dưới chân. Mỗi ngày lượm cả mấy chục ký ốc lớn nhỏ” - bà H. nói.

Ứng phó thiếu hiệu quả

Chuột và ốc bươu vàng gây hại trên diện rộng nhưng giải pháp bảo vệ đồng ruộng của nông dân chỉ là tạm thời. Người dân diệt chuột bằng các biện pháp như đặt thuốc, đánh bẫy, xịt thuốc ốc bươu... Nhiều hộ còn sử dụng ni lông, bạt cỡ 20 - 30cm bao quanh bờ ruộng để giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra. Việc khuyến khích người dân chủ động, tăng cường phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng ở một số địa phương có lúc, có nơi còn chưa triệt để, sự hưởng ứng của nông dân chưa tích cực là tác nhân khiến dịch hại bùng phát. Nhiều hộ dân không chọn giải pháp xịt thuốc bảo vệ thực vật để trừ ốc bươu vàng vì lo sợ độc hại cho sức khỏe người sản xuất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong gạo ăn. Người sản xuất đang thiếu thông tin, cách thức phòng trừ dịch hại kèm khuyến cáo sử dụng những chủng loại thuốc trừ dịch hại sinh học từ ngành nông nghiệp.

Ông Phan Hồng Ba - Phó ban Nông nghiệp xã Điện Hồng cho biết, đồng ruộng Điện Hồng có khoảng 700ha, năm nay không lụt thì chuột phá hoại nhiều hơn những năm khác là điều có thể thấy rõ, song xã vẫn chưa thống kê được diện tích hư hại. Dù trước khi xuống giống, Ban nông nghiệp xã đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân tổ chức diệt chuột, đánh bả, đặt bẫy song hiện nay vẫn không có cách giải quyết triệt để, chỉ có thể tăng cường các biện pháp giảm thiểu tác hại trên đồng ruộng. Còn ông Trương Nhành - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho rằng, tình trạng dịch hại (chuột, ốc bươu vàng) bùng phát mạnh ở 3 thôn Ấp Bắc, Hòa Mỹ và Phiếm Ái, tập trung ở những chân ruộng gần vườn tược, gò cao, cây cối... với hơn 3ha mất trắng, nông dân phải gieo sạ hoặc dặm lại. Cũng theo ông Nhành, những địa phương khác do làm tốt công tác diệt chuột cộng đồng nên có dịch hại song không đáng kể hơn các địa phương trên.

PH.PHƯƠNG - TR.NHAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuột và ốc bươu vàng phá hại lúa: Chật vật ứng phó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO