Chuột và sâu bệnh gây hại cây trồng

MAI NHI 17/02/2023 08:18

Gần đây, chuột và nhiều đối tượng sâu bệnh nguy hiểm phát sinh gây hại các loại cây trồng vụ đông xuân. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần tập trung phòng trừ để giảm thiểu thiệt hại.

Những ngày qua, nông dân nhiều địa phương của thị xã Điện Bàn tập trung ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng. Ảnh: M.N
Những ngày qua, nông dân nhiều địa phương của thị xã Điện Bàn tập trung ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng. Ảnh: M.N

Chuột cắn phá lúa trên diện rộng

Những ngày qua, có mặt trên các xứ đồng thuộc phường Điện Nam Bắc và nhiều địa phương khác của thị xã Điện Bàn, chúng tôi thấy nhiều nông dân hối hả ra quân diệt chuột.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào trưa hôm qua 16/2, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, vụ đông xuân 2022-2023 này nông dân trên địa bàn gieo sạ 5.400ha lúa, hiện nay hầu hết ruộng lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh tập trung. Tuy nhiên, gần đây chuột xuất hiện và cắn phá lúa non tại nhiều nơi với mức độ ngày càng nặng.

Theo ông Chơi, tính đến thời điểm này toàn thị xã Điện Bàn có gần 140ha lúa bị chuột cắn phá, trong đó có 32ha ở Điện Hồng, Điện Phước, Điện Minh, Điện Phong, Điện Nam Bắc... bị gây hại nặng với tỷ lệ hại bình quân khoảng 22%.

“UBND thị xã xuất 130 triệu đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ chính quyền các địa phương mua thuốc sinh học cấp phát cho nông dân đánh bả diệt chuột. Đồng thời, UBND các xã, phường cũng chủ động chi 80 triệu đồng hỗ trợ người dân mua 5.000 chiếc bẫy hình bán nguyệt về đặt ở khắp nơi để diệt chuột. Đáng ghi nhận, một số HTX nông nghiệp tổ chức thu mua đuôi chuột với mức giá mỗi cái là 3 nghìn đồng” - ông Chơi nói thêm.

Những ngày qua, nông dân nhiều địa phương của thị xã Điện Bàn tập trung ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng. Ảnh: M.N
Những ngày qua, nông dân nhiều địa phương của thị xã Điện Bàn tập trung ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng. Ảnh: M.N

Bà Nguyễn Thị Sương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam cho hay, tính đến nay nông dân trên địa bàn tỉnh đã gieo sạ 41.133ha lúa đông xuân, chủ yếu cơ cấu các loại giống như Thiên ưu 8, TBR225, HT1, BC15, Hà Phát 3, Xi23, 13/2, KD18, ĐT100, VNR20.

Trong số diện tích vừa nêu, có 3.400ha lúa nước trời và 37.733ha lúa chủ động nước tưới. Hiện nay, lúa nước trời đang thời kỳ đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng - trổ; còn lúa chủ động nước ở giai đoạn mới xuống giống - mạ non - đẻ nhánh rộ.

Theo bà Sương, những ngày qua chuột xuất hiện và gây hại 246ha lúa ở hầu hết địa phương với tỷ lệ hại trung bình 1 - 3%, nơi cao 10 - 15%, cục bộ có vùng 20%. Để bảo vệ mùa màng, đề nghị chính quyền các cấp phát động nông dân ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đào phá hang, đặt bẫy, đánh bả sinh học...

Nhiều loại sâu bệnh phát sinh

Ông Trần Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn cho biết, hiện nay 1.020ha lúa đông xuân của huyện cơ bản sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, gần đây nhiều đối tượng dịch hại xuất hiện trên đồng ruộng nên nông dân cần chủ động phòng trừ.

Theo ông Lưu, ngoài 16 sào lúa nước trời sạ sớm bị chuột cắn phá thì những ngày qua sâu cuốn lá cũng phát sinh gây hại một số diện tích lúa với mật độ bình quân 2 con/m2, nơi cao 10 con/m2 và bọ trĩ phát sinh gây hại diện rộng với mật độ bình quân 300 con/m2, nơi cao 600 con/m2. Ngoài ra còn có ốc bươu vàng, sâu keo, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn gây hại rải rác trên nhiều xứ đồng.

“Dự kiến, thời gian tới chuột, ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu keo sẽ tiếp tục gây hại trên lúa nước trời và lúa chủ động tưới ở Nông Sơn. Ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương sẽ tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân triển khai hiệu quả các biện pháp đối phó nhằm giảm thiểu thiệt hại” - ông Lưu nói.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, ngoài sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ, bọ xít đen, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu phao, sâu năn phát sinh diện rộng thì hiện nay bệnh đạo ôn lá cũng gây hại rải rác ở Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước, Đại Lộc… với diện tích nhiễm bệnh khoảng 15ha lúa, chủ yếu trên các giống Bắc Thịnh, KD18, TBR225, 13/2.

Còn đối với cây trồng cạn, những ngày qua bệnh thối hạch và bệnh thối gốc mốc trắng phát sinh gây hại 38,7ha đậu cô ve lùn ở Đại Lộc, trong khi đó cùng kỳ năm trước không có diện tích bị nhiễm 2 loại bệnh này.

Đáng chú ý, các bệnh thối gốc mốc trắng, thối gốc mốc đen, nấm hạch, héo xanh vi khuẩn, chết cây phát sinh gây hại gần 100ha đậu phụng tại các địa phương Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ; trong đó có 57ha ở Đại Lộc bị nhiễm nặng bệnh thối gốc mốc trắng và nấm hạch.

Đặc biệt, tại Quế Sơn đã có 590ha sắn bị bệnh khảm lá gây hại (chủ yếu trên các giống sắn PLT01 và KM94) với tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình khoảng 10 - 30%, nơi cao 30 - 50%. Không chỉ vậy, ở địa phương này còn có 6ha sắn bị nhiễm bệnh thối rễ do nấm Pythium với tỷ lệ bình quân 5 - 10%, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có diện tích nhiễm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuột và sâu bệnh gây hại cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO