Chùa Đạo Nguyên (140 Phan Bội Châu, Tam Kỳ) sáng qua 22.1 đông hơn ngày thường. Hàng trăm bạn trẻ và phật tử đã đến để tham gia ngày hội Chủ nhật đỏ (nằm trong chương trình Ngày hội Xuân hồng 2019 do Báo Tiền Phong phối hợp Hội LHTN và Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức). Không dừng lại ở “phong trào” của riêng thanh niên, hiến máu cứu người đã trở thành một ngày hội đối với mọi thành phần trong xã hội. Điều đó càng ý nghĩa hơn, khi thời gian này, nhiều bệnh viện trên cả nước (và cả Quảng Nam) đang khan hiếm máu cho nhu cầu điều trị.
Nhìn các phật tử lớn tuổi, lụm cụm, co ro đứng ngồi chờ đăng ký tham gia hiến máu, lòng như được sưởi ấm trong cái lạnh những ngày giáp tết. Tôi nhìn màu áo lam sáng qua ở chùa, bỗng nhớ tới một người đàn ông ở Ninh Bình đã hiến tặng 7 mô/tạng, nhờ đó cứu được chừng ấy con người đang chờ đợi sự sống. Truyền thông đưa tin, có hàng ngàn người đăng ký hiến tạng sau khi chết não. Bản tin gọn, nhưng gây một sự xúc động mạnh mẽ về lòng tốt ở đời.
Trên dặm dài suốt dãy Trường Sơn, bạn đã nghe và có thể đã từng được tham gia các buổi lễ tạ ơn thần lúa, tạ ơn mẹ rừng hay cúng bến nước và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa này. Và tôi muốn kể bạn nghe một buổi lễ tạ ơn khác: lễ Macchabée. Lễ có nguồn gốc từ phương Tây, nhằm tri ân những người đã hiến xác cho y học.
Lễ Macchabée được tổ chức hằng năm ở Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh. Theo PGS-TS.Phan Thanh Dũng, ngoài tình cảm tri ân những người đã hiến thi hài cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo Y khoa thì nghi lễ luôn là dịp nhắc nhở, giáo dục y đức cho sinh viên. Từ một khái niệm hoàn toàn xa lạ, việc hiến xác cho Y học dần trở nên phổ biến và được ủng hộ rộng rãi hơn. Nếu không có xác được hiến tặng thì việc giảng dạy và nghiên cứu sẽ gặp vô vàn khó khăn. Hiện tại, đã có hàng ngàn hồ sơ đăng ký hiến xác nộp chờ đợi được chọn lựa.
Tôi đọc đâu đó rằng khi sinh ra, mỗi cá nhân đều mang sẵn một tài sản khác nhau, đó là nghiệp báo. Tài sản này đẹp đẽ vì các nguyên nhân hợp với thiên ý hoặc xấu xa do các lỗi lầm trong tiền kiếp. Nhưng con người có thể cải mệnh nếu biết làm những điều tốt lành. Tất nhiên, những điều xấu không mất đi nhưng ẩn tàng, chờ cơ hội khác xuất hiện. Vậy nên, phải luôn vận động điều thiện lành.
Tôi không có ý hồ đồ để bạn hiểu rằng người tham gia hiến máu, hiến tạng hay hiến xác đang cố gắng tạo nghiệp báo tốt. Với tôi, họ là những thiên thần. Và họ là bài học đáng giá về sự tử tế ở quanh tôi, mỗi ngày. Họ gieo niềm yêu thương bất tận về cuộc sống, giữa bộn bề nhọc nhằn.
C.B.L