Chút duyên với "già làng"

ĐĂNG NGUYÊN 24/03/2019 07:54

Một hội làng truyền thống. A Lăng Đợi tay cầm tù và, đầu đội lông chim, đại diện dân làng mời thần linh về chứng giám lễ hội. Ở làng Gừng (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang) hay các sự kiện lễ hội lớn nhỏ diễn ra tại huyện, A Lăng Đợi luôn là người được giao nhiệm vụ “gọi thần” như thế, với vai già làng vùng cao đầy uy lực.

A Lăng Đợi nhập vai già làng.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
A Lăng Đợi nhập vai già làng.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chừng hai tháng trước, tôi gặp ông đúng dịp đoàn nghệ nhân huyện Đông Giang chuẩn bị “xuất quân” tham dự Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, tại Đắc Nông. Bữa đó, trời nắng to, ông cùng những người trong đoàn vừa khiêng tượng điêu khắc Cơ Tu đưa lên xe để mang đi trưng bày, vừa gùi thêm những “đồ nghề” riêng của mình, phục vụ chương trình biểu diễn. Vậy mà, khi mọi thứ đã đâu vào đấy, ông vẫn chưa yên tâm, lục đục xuống kiểm tra lần cuối trước khi lên đường. Chị Bh’riu Thị Thanh Nữ, một thành viên trong đoàn nói với tôi, rằng A Lăng Đợi luôn cẩn thận và có tinh thần trách nhiệm như thế. Nhờ vậy, mà nhiều lần giúp đoàn tránh được những thiếu sót trong công việc chung.

1. Đi đến đâu, người ta vẫn hay lầm tưởng A Lăng Đợi là già làng Cơ Tu. Mà thật. Ở cái tuổi 55, ông rắn rỏi như cây lim giữa rừng. Với khuôn mặt và phong thái đậm chất nghệ sĩ, hơn chục năm qua, A Lăng Đợi “bén duyên” với vai già làng ở hầu hết cuộc trình diễn lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào địa phương. Như một vị “già làng” đúng nghĩa, ông Đợi thực hiện tất tần tật mọi thứ, từ việc mở đầu câu chuyện văn hóa, báo cáo thần linh, cho đến vai trò tương tác với cộng đồng, du khách. Ông điêu luyện đến mức, người xem không thể phân biệt đâu là hoạt cảnh của một chương trình nghệ thuật biểu diễn trống chiêng, đâu là nghi thức của hội làng truyền thống ngoài đời thực. Bởi, tất cả thật mà như diễn và diễn mà như thật. Có lần gặp tôi, ông cười, bảo cái duyên nhiều khi như sự sắp đặt của cuộc sống, vì thế không ai giải thích được vì sao mình lại đi theo con đường ấy. Chỉ biết rằng, trong mỗi con người như ông, lửa văn hóa Cơ Tu, từ lâu đã cháy tràn trong tận huyết quản, bằng tất cả niềm tự hào và lòng kiêu hãnh. Niềm vui nhận lại cho sự “bao đồng” của mình, với ông là tận thấy giá trị văn hóa cội nguồn đang ngày được gìn giữ, là nụ cười và sự thích thú của du khách dành cho đoàn sau mỗi lần biểu diễn… Ông góp công sức, bằng việc duy trì vai già làng, dập dìu theo nhịp chiêng, tiếng sáo ngân vang khắp mùa lễ hội vùng cao.

“Mẫu ảnh” già làng

Có một điều rất thú vị, tại hầu hết dịp lễ hội vùng cao, mỗi khi A Lăng Đợi xuất hiện đều thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhiếp ảnh gia, người dân và du khách. Với trang phục truyền thống lộng lẫy, kèm theo “đạo cụ” đặc trưng và lối diễn xuất khá… chuyên nghiệp, A Lăng Đợi luôn trở thành mẫu ảnh già làng vùng cao một cách bất đắc dĩ. Sau mỗi dịp lễ hội, chân dung của A Lăng Đợi xuất hiện rất nhiều ở các trang báo, tạp chí và mạng xã hội, thông qua những tác phẩm ảnh nghệ thuật độc đáo, đậm chất văn hóa vùng cao.

A Lăng Đợi kể, trước đây, vai già làng trong các dịp lễ hội ở địa phương đều do một tay nghệ nhân Atùng Vẽ - người cùng làng Gừng đảm nhiệm. Nhưng sau đó, nghệ nhân Vẽ do tuổi cao, sức yếu không thể đảm nhận được vai trò này nên ngành văn hóa địa phương mới đi tìm người thay thế. Và ông được chọn, chỉ sau lần “thử vai” đầy thuyết phục trong một dịp lễ hội truyền thống do huyện tổ chức. Duy trì cho đến bây giờ, ông nói mình không nhớ nổi đã bao được lần đứng trên sân khấu phục vụ dân làng và du khách. Cứ mỗi lần xuất hiện, dù đó là lễ hội truyền thống hay chỉ hoạt cảnh biểu diễn, ông cũng đều cháy hết mình bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm của một người con miền núi với dân làng, với văn hóa ông cha. Nhưng, làm già làng tại sự kiện ý nghĩa của cộng đồng đâu phải chuyện đơn giản. Đi như thế nào, ăn nói ra sao cho phù hợp với vai trò của một thủ lĩnh, đòi hỏi người đóng vai phải thực sự tinh tế, am hiểu văn hóa truyền thống. Điều đó, buộc ông phải nỗ lực. Hết học hỏi từ người “tiền nhiệm” Atùng Vẽ, ông lại lặn lội khắp vùng có người Cơ Tu sinh sống để trau dồi kỹ năng mà một già làng cần có. Những chuyến đi như thế, đã giúp ông có thêm kinh nghiệm thực tế phục vụ tốt hơn công việc sau này. “Mình làm bằng cái tâm của mình thôi, vì mong muốn góp thêm chút công sức cho địa phương trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Cũng là đam mê nữa, nên dù công việc có bận bịu đến mấy, mình cũng luôn sẵn lòng tham gia cùng anh em” - A Lăng Đợi bộc bạch. Trong ánh mắt của người “già làng”, niềm vui như chứa đựng từ bao ngày...

2. A Lăng Đợi vừa trở về sau đợt thực hiện công trình moong truyền thống theo ý tưởng “đặt hàng” của Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (TP.Đà Nẵng) cho dự án du lịch cộng đồng. Để hoàn thiện công trình độc đáo này, cùng với các nghệ nhân trong làng, A Lăng Đợi chủ công như một thủ lĩnh, từ công đoạn phác họa cấu trúc moong đúng với nguyên bản vốn có, cho đến việc sử dụng nguyên vật liệu mây tre phù hợp với nét truyền thống. Vừa cật lực làm việc, nhóm nghệ nhân Cơ Tu vừa tham gia các chương trình biểu diễn văn hóa truyền thống phục vụ du khách. Dù vậy, chỉ sau thời gian ngắn, 5 ngôi moong đã được hình thành ở khuôn viên của khu du lịch sinh thái, trong niềm vui của mọi người.

Và, đó không phải là chuyện quá bất ngờ với A Lăng Đợi. Bởi, từ lâu ông luôn được biết đến như một nghệ nhân điêu khắc có tiếng ở huyện vùng cao Đông Giang này. Như kiến trúc gươl làng Gừng - một công trình gươl được xem lớn bậc nhất của đồng bào Cơ Tu ở Trường Sơn - được hình thành cũng nhờ công sức của A Lăng Đợi và nhiều già làng Cơ Tu khác trong vùng. Hồi gươl làng Gừng được dựng lên, cách đây chừng hơn chục năm trước, ai cũng trầm trồ, bởi gươl không chỉ to đẹp, những nét điêu khắc được “thổi hồn” bên trong gươl còn mang tính nghệ thuật sắc xảo, thể hiện tài hoa của nghệ nhân miền núi. Mà không ai khác, chính A Lăng Đợi là người góp công sức lớn nhất. Nhưng rất tiếc, bây giờ kiến trúc gươl làng Gừng đã không còn nguyên vẹn như giá trị ban đầu, khiến nhiều người tiếc nuối. Không thể để giá trị văn hóa tiếp tục bị biến dạng, A Lăng Đợi nói, tới đây ông sẽ vận động dân làng cùng chung sức, làm lại gươl mới, giúp bảo tồn không gian truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại địa phương.

Tôi tin ông. Bởi lúc nhìn vào cặp mắt của người chuyên “đóng vai già làng”, khi ông đứng trước gươl đang bị bê tông hóa, đã thấy một nét buồn sâu thẳm. Rồi ông lặng lẽ trở về nhà, ngồi ngắm nghía những tấm ảnh còn lại được chụp cách đây vài năm, khi gươl vẫn còn như cũ. Ông có đủ tài năng. Những lớp nghệ nhân trẻ khác ở làng Gừng này, từ bàn tay truyền dạy của ông, cũng đã đủ sức giúp ông hoàn thành nguyện ước. Như A Lăng Blêu, cậu học trò “cứng cựa” nhất, khẳng định tay nghề điêu khắc bằng một loạt sản phẩm nghệ thuật rất có giá trị, được cộng đồng đón nhận. Ngoài Blêu, ông Đợi truyền nghề cho nhiều thanh niên vùng cao khác, có người quê ở huyện Tây Giang, mà không một công cán nào. Miệt mài mỗi ngày, ông dốc công sức của mình cho niềm đam mê, truyền lửa nghề cho lớp trẻ.

Căn nhà gỗ nơi góc đồi ở làng Gừng, trở nên đẹp mắt bởi cách ông bài trí những sản phẩm văn hóa độc đáo. Có đủ từng loại đàn Cơ Tu, tượng điêu khắc, chiếc gùi đàn ông (ta-léc), cùng vài vật dụng chiêng… được ông chế tác và sưu tầm, thoạt nhìn hệt như một bảo tàng thu nhỏ, nơi cất giữ đậm đặc giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao. “Bên này là để trưng bày, bên kia mình làm riêng để bán cho du khách. Thỉnh thoảng du khách đến thăm nhà, rồi đặt mua mấy tượng gỗ hình thú, hình người, cùng mô hình gươl, đàn, sáo… về làm quà lưu niệm” - A Lăng Đợi vừa dứt lời, một đoàn du khách cũng vừa tìm đến. Từ trong căn nhà, nhịp đàn lại réo rắt ngân vang.

ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chút duyên với "già làng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO