Chút tình còn lại

HỮU LÂM QUÊ 04/09/2023 09:04

(VHQN) - Dân văn nghệ sĩ thường hay tụ bạ bàn chuyện văn chương với nhau. Nhiều khi bất đồng quan điểm, họ cự cãi kịch liệt, cứ ngỡ sau đó đường ai nấy đi… Nhưng không, đối với họ “rồi bàn tan nợ”, họ vẫn gắn bó, hết lòng giúp nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Xin kể chuyện nghĩa tình đối với hai văn nghệ sĩ…

Nhà thơ Phan Chí Thanh.
Nhà thơ Phan Chí Thanh.

1. Những năm cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, nhà thơ Phan Chí Thanh quê huyện Thăng Bình - Quảng Nam, nổi tiếng là người làm thơ tứ tuyệt giàu triết lý nhân sinh và nổi tiếng… quậy! Người ta bảo vậy, thực ra không phải vậy. Khi rượu vào lời ra, anh hơi trái tính trái nết một tí thôi, chứ anh vốn là người lành hiền như đất. Dẫu vậy, lắm kẻ không ưa anh.

Tôi vẫn còn nhớ, hồi đó anh gặp “sự cố” phải nghỉ việc. Không ít bạn bè né tránh anh do ngại lụy phiền đến bản thân, nhưng nhiều anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn thương quý, tìm mọi cách giúp đỡ anh lúc khó khăn.

Nhạc sĩ Phan Văn Minh - tác giả ca khúc thiếu nhi “Cả nhà thương nhau”, là người hết mình với nhà thơ Phan Chí Thanh. Lúc bấy giờ chiếc xe đạp là một trong những tài sản quý giá nhất của mỗi nhà thời bao cấp. Thương bạn, Phan Văn Minh lấy chiếc xe đạp của mình cho Phan Chí Thanh mượn làm phương tiện đi bán cà rem dạo kiếm sống.

Ở thị trấn Hà Lam ngày ấy, chỉ có trẻ con là thích quà vặt đó thôi! Phan Chí Thanh chở thùng cà rem đến trước cổng trường chờ đợi lúc tan trường. Ế ẩm. Hầu hết học sinh là con nhà nghèo, không có tiền ăn quà vặt.

Phan Chí Thanh đạp xe tới các xóm thôn ở ngoại vi thị trấn Hà Lam dưới trời trưa nắng lửa, nhẫn nại cất tiếng rao: “Kem… cà rem đây! Ai… kem… cà rem không?”. Người lớn ngồi trước hiên nhà dửng dưng. Trẻ con chạy tìm dép tổ ong cũ mòn đứt quai, soong nồi móp méo, sắt thép phế liệu… đem ra đổi cà rem.

Những thứ ấy, lấy về biết bán cho ai? Thương lũ trẻ, Phan Chí Thanh cho không biếu không, còn lại một ít cà rem dưới đáy thùng xốp chảy nước sạch trơn. Vốn liếng vay mượn làm ăn đã bay theo ngọn gió trời…

Tác giả bài viết và nhà văn Lê Hoài Lương, nhà thơ Mai Thìn (đứng giữa) tại nhà Lê Hoài Lương.
Tác giả bài viết và nhà văn Lê Hoài Lương, nhà thơ Mai Thìn (đứng giữa) tại nhà Lê Hoài Lương.

Bỏ hành nghề bán cà rem dạo, nhà thơ Phan Chí Thanh đem xe đạp trả lại cho Phan Văn Minh. Khi phát hiện ở góc nhà bạn có chiếc giỏ sắt tròn to, anh nảy ra ý định mượn nó đi buôn heo con chắc kiếm được đồng ra đồng vào.

Chiều hôm ấy, sau khi chén tạc chén thù với nhau, anh đạp xe về, phía sau chở chiếc giỏ sắt. Bạn bè thân thiết biết anh chuyển nghề, kẻ ít người nhiều góp tiền cho anh làm vốn.

Phan Chí Thanh đến chợ Bà Rén mua heo con đem vào Tam Kỳ rao bán. Nhà thơ ngu ngơ mua đắt nên buộc phải bán đắt, vì thế chẳng có ai mua. Mùa hè nắng nóng, heo con trong giỏ sắt khát nước chết hết. Buồn tình, anh cho thiên hạ làm món heo sữa quay, rồi nhảy xe đò lên Tiên Phước chơi với bạn bè cho vơi nỗi buồn đời…

Thời lận đận của nhà thơ Phan Chí Thanh kéo dài suốt mấy năm, may nhờ có những văn nghệ sĩ chí tình như nhạc sĩ Phan Văn Minh dõi theo giúp đỡ, nhờ vậy, cuối cùng anh cũng “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Khi ông Nguyễn Hữu Hiệp làm Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phan Chí Thanh được “trọng dụng” và cuộc đời bầm dập của anh đã sang trang mới...

2. Là cây bút sắc sảo khi viết phê bình văn học, gợi nhiều suy ngẫm về phận người trong cõi nhân gian khi viết truyện ngắn, nhà văn Lê Hoài Lương ở TP.Quy Nhơn - Bình Định, được đông đảo bạn đọc mến mộ. “Mỗi tháng có một rằm”, “Những thời gian hoang phế”, “Sự đô như hý”, “Văn nhân Bình Định”… là những tác phẩm của anh đã gây tiếng vang lớn, thậm chí gây tranh cãi trái chiều trong dư luận bạn đọc.

Anh là người hay chuyện. Có kiến văn sâu rộng về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, văn nghệ… lại có lối kể chuyện hấp dẫn, vì thế anh thu hút được sự chăm chú của người nghe lúc trà dư tửu hậu. Lê Hoài Lương cũng là người sống có nghĩa tình với bạn bè văn nghệ nên ai cũng thương quý anh. Bước vào tuổi sáu mươi, chân trái của anh đau nhức và hoại tử dần từ các ngón chân đến bàn chân.

Hoàn cảnh của Lê Hoài Lương rất khó khăn. Anh kiếm sống bằng ngòi bút của mình. Vốn kỹ tính và có trách nhiệm với những gì mình viết ra nên anh viết chậm và không viết theo “đơn đặt hàng” của các báo, tạp chí. Hứng thì viết, không hứng thì thôi!

Hay tin anh lâm khổ nạn, bạn bè văn nghệ ới nhau giúp đỡ anh. Từ Bình Thuận, nhà văn Nguyễn Hiệp nhắn tin thông báo cho anh em thân thiết biết để chung tay góp sức giúp anh.

Nhà thơ Phạm Đương ở TP.Quảng Ngãi gọi điện thoại bảo với tôi: “Nhận tin nhắn của ông, mình đã chuyển khoản ngay mấy củ vào tài khoản của bà xã Lê Hoài Lương. Mình hy vọng đông tay vỗ nên kêu. Bệnh ấy chắc chắn chữa khỏi nhưng đòi hỏi chi phí rất lớn”.

Nhà thơ Dương Động Văn Hà, nhà thơ Lê Trường An, nhà văn Lê Trâm… khi nghe tôi báo tin cũng lập tức có “hành động đẹp”. Ở Bình Định, nhà thơ Mai Thìn cho hay, nhiều bạn bè văn nghệ vừa giúp đỡ về vật chất, vừa đến nhà thăm hỏi động viên Lê Hoài Lương vào TP.Hồ Chí Minh chữa trị bệnh, bởi bên cạnh gia đình còn có bao bạn bè văn nghệ…

Rồi bạn bè của anh ở Hà Nội cũng đã có những việc làm thiết thực. Nhiều họa sĩ tên tuổi đã bán những bức tranh mà mình yêu thích để lấy tiền giúp đỡ anh. Nhờ sự chung tay góp sức của bạn bè, gia đình có thêm điều kiện đưa anh vào TP.Hồ Chí Minh điều trị bệnh. Nơi đất phương nam, anh được bạn bè thân thiết đến thăm hỏi động viên, được các y bác sĩ tận tình cứu chữa. Và rồi Lê Hoài Lương cũng tai qua nạn khỏi.

Chớm thu năm nay, từ Quảng Nam tôi vào TP.Quy Nhơn, nhờ nhà thơ Mai Thìn dẫn đến nhà thăm anh. Sau hơn nửa năm nằm dưỡng sức, thần sắc Lê Hoài Lương đã hồi phục dần, sống an nhiên với đời, không bi quan yếm thế khi phải đi chân giả. Anh bảo với tôi: “Lúc mình gặp nạn, gia đình vô cùng lo lắng vì chẳng biết đào đâu ra tiền để chạy chữa thuốc thang. May nhờ có anh em bạn bè văn nghệ giúp đỡ. Mình không biết nói gì hơn, ngoài lời cám ơn tất cả…”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chút tình còn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO