Đang trên đường đi làm về thì một anh bạn chạy tới rủ đi chợ. Biết anh là tay nấu ăn chuyên nghiệp nên tôi gật đầu ngay. Hai người đàn ông đi chợ giữa trưa quả thú vị, đặc biệt đi với người sành điệu như anh, tôi mới có thêm chút “thông minh” của người tiêu dùng và được một dịp chứng kiến anh chọc ghẹo mấy bà bạn hàng sồn sồn. Ví như chuyện bà nào cũng tranh nhau “bỏ bao”. Hai nghìn ớt cũng bỏ bao, năm nghìn mắm cũng bỏ bao..., bao ny lon cứ tuôn ra rào rào khi khách mua hàng. Anh nói mỗi lần đi chợ mình không muốn lấy nhiều bao ny lon vì dễ bị xả rác và lãng phí, nhưng mấy bà mấy chị cứ tiện tay là bỏ hàng hóa vào bao. Thậm chí nhiều chị tiểu thương bỏ tới 2 bao cho một món hàng, anh từ chối thì bị giận ra mặt vì cho rằng đó là cách chăm sóc khách hàng đặc biệt của họ...
Chuyện chợ búa tự dưng chuyển sang đề tài khác khi tôi nhớ lại sáng hôm qua đây thôi, bãi biển mà tôi thường thể dục vào mỗi sáng bỗng ùn ứ bao ny lon nhiều hơn ngày thường. Đó là do hai chị nhân công môi trường có việc phải nghỉ một bữa dọn dẹp. Tôi hình dung, có thể một ngày nào đó ở bãi biển này không còn sự tỉ mẩn của những người dọn rác, tình trạng ùn ứ bao ny lon sẽ nghiêm trọng hơn, dễ đạt đến đỉnh điểm như bãi Bấc của xã đảo Tam Hải (Núi Thành) là bao ny lon sắp lớp lớp chiếm hết chỗ của cát.
Rồi tôi lại nhớ ra có một người nước ngoài viết báo nhận xét rằng bãi biển Việt Nam, dù chúng ngoạn mục thế nào đi chăng nữa, cũng thường có một điểm trừ to tướng là rác. Người Việt cần cù lao động, nhưng khi nói đến chuyện rác thì phải công nhận nhiều người hơi lười biếng. Không thiếu thùng rác đã được đặt sẵn ở các bãi biển nhưng nhiều người dù ngồi chơi gần đó vẫn không bỏ rác vào thùng. Điều tra của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 16 thế giới về tỷ lệ rác thải plastic, với 60% khối lượng rác thải ra là những thứ hợp chất khó phân hủy loại này.
Một báo cáo của UBND tỉnh gần đây cũng cho biết rác sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều và tỷ lệ rác thải khó phân hủy như bao ny lon, quần áo cũ, đồ nhựa ngày càng tăng do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt của người dân. Tổng lượng rác thải sinh hoạt thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến 2017 gần 988 nghìn tấn; đến năm 2017, lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom, xử lý đạt khoảng 72%. Vậy thì 28% còn lại, tương đương với hàng trăm nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt chưa thu gom mỗi năm sẽ đi về đâu, chắc rồi cũng sẽ trôi ra biển.
Rác thải, đặc biệt là bao ny lon quả thật là điều đáng lo, nhưng nhiều người vẫn dửng dưng như không. Thái độ ấy một phần cho thấy công tác truyền thông, tuyên truyền hiện vẫn mênh mông như đường đi của rác. Thậm chí ở nhiều nơi mà đáng ra người ta phải “ý thức cao” về việc sử dụng bao ny lon như chợ, siêu thị, điểm du lịch sinh thái..., muốn thay đổi thái độ thì công tác truyền thông gần như phải làm lại từ đầu!
C.B.L