Chuyện bây giờ mới kể…

THANH QUẾ 27/12/2014 09:35

Thời chống Mỹ, giới văn nghệ, báo chí khu V có mặt trên hầu khắp chiến trường, đồng cam cộng khổ, cùng quân dân đánh giặc. Sự có mặt của họ, đôi khi có sức mạnh không kém gì đạn pháo. Xin kể vài mẩu chuyện vui về họ.
Chu Cẩm Phong ăn chè

Vào cuối năm 1970, nhà văn Chu Cẩm Phong đi công tác ở Quảng Ngãi. Vì biết cán bộ ở khu trong những năm này rất đói khổ, lại lâu ngày anh em văn nghệ báo chí mới gặp nhau nên các anh ở Ban Tuyên huấn Quảng Ngãi đãi Chu Cẩm Phong một bữa chè đậu xanh. Năm ấy, vùng căn cứ Quảng Ngãi được mùa đậu.

Bữa ăn được dọn lên trên một cái bàn bện bằng những thân gỗ nhỏ. Mọi người ngồi chung quanh. Chu Cẩm Phong ngồi cùng với thủ trưởng cơ quan ở đầu bàn, đầu kia là nơi đặt nồi chè cùng cô cấp dưỡng ngồi bên để múc chè “phục vụ”. Lâu ngày được ăn chè, Chu Cẩm Phong đánh vèo một lúc tới bốn chén, vẫn chưa đã thèm. Chu nhà văn muốn ăn nữa nhưng ngại nên đành đứng dậy vòng qua đầu kia để đến máng nước cạnh đó rửa bát. Nhưng khi đi ngang qua nồi chè, liếc vào thấy chè còn tới nửa nồi nên vội nói:

Các nhà văn xứ Quảng cùng văn nghệ sĩ Nam miền Trung - Tây Nguyên dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bắc Trà My. Ảnh: TAM MỸ
Các nhà văn xứ Quảng cùng văn nghệ sĩ Nam miền Trung - Tây Nguyên dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bắc Trà My. Ảnh: TAM MỸ

- Ấy chết, hồi nãy giờ mình quên, mình có mấy gói bột va ni bỏ ở túi cóc ba lô mà chẳng nhớ. Mình vô nhà lấy ra bỏ vào chè thì ăn ngon lắm.

Mọi người vỗ tay hoan hô. Còn Chu nhà văn đàng hoàng vào lục túi cóc lấy va ni ra, đàng hoàng bỏ vào nồi chè và đàng hoàng “đánh” thêm bốn chén nữa…

Dương Hương Ly ăn thịt heo

Dù đói khổ thế nào, cứ đến tết, các cơ quan ở khu cũng kiếm cho anh chị em một con heo để liên hoan vào chiều 30 Tết. Thường khi ấy, cơ quan này lại mời đại diện cơ quan khác đến liên hoan cho vui. Mỗi lần như vậy, Hội văn nghệ giải phóng khu V lại cử nhà thơ Dương Hương Ly đi dự “cho đáng là đại biểu”, vì Dương nhà thơ ăn thịt mỡ rất giỏi. Anh có thể lùa hết bát này đến bát nọ. Tết năm ấy (1970), nhà thơ lại được cử đi dự liên hoan ở cả hai cơ quan Điện ảnh và Nhà in khu. Dương Hương Ly đã trở về cơ quan vui vẻ hơn sau hai bữa “ăn thịt mỡ” ấy. Nửa khuya, anh bỗng đập tôi dậy mượn đèn pin. “Anh ta bị Tào Tháo đuổi rồi”. Tôi nghĩ. Nhưng anh hỏi:

- Này, chiều nay cơ quan mình liên hoan đã ăn hết thịt heo chưa?

- Chưa – tôi đáp – con Tam (tên cô bé cấp dưỡng) còn để phần cho anh đấy.

Dương Hương Ly cười hích hích rồi cầm đèn pin vừa đi về phía nhà bếp vừa nói:

- Mình phải ăn thêm vài bát nữa, lâu ngày thèm chất béo, dự hai bữa liên hoan, ăn chả biết bao nhiêu thịt mỡ mà vẫn chưa đã thèm…

Đừng sợ H. ơi!

Nhà thơ Nguyễn Mỹ ngoài tài săn bắn và bắt cá, anh còn là người kể chuyện rất hóm. Có lần, anh kể cho tôi nghe câu chuyện như sau:

“Hôm đó, mình đang làm rẫy ở Trà My, thì máy bay Mỹ quầng đến bắn rốc két. Mình phóng vội xuống con suối gần đó để ẩn náu. Vừa đến sau một tảng đá lớn, mình giật mình thấy bên cạnh có hai anh chị cùng đơn vị sản xuất với mình (xin giấu tên) ôm nhau chặt cứng. Họ đang mê man… Thấy mình, anh con trai hơi sững người, hốt hoảng (vì sợ mình báo cáo với chi bộ mà) nhưng anh ta định thần ngay, vỗ vỗ vào lưng cô gái:

- Đừng sợ H. ơi, máy bay Mỹ bắn rốc két ở trên rẫy chứ có phải ở đây đâu mà ôm tôi chặt cứng. Ngồi dậy tỉnh táo nào, có anh Nguyễn Mỹ đây, ba người càng yên tâm, H. đừng sợ nữa…”.

Nguyễn Mỹ kể xong cười nói:

- Ông có thấy quần chúng linh hoạt không? Bọn nhà thơ nhà văn chúng ta không có thực tế đừng hòng mà sáng tác nổi.

Nhà thơ già cũng “đoàn kết”

Nhà thơ Vương Linh lúc ấy đã gần 60 tuổi, làm Bí thư Đảng đoàn Hội Văn nghệ giải phóng khu V. Ông trực tiếp phụ trách cơ quan hội nên anh em văn nghệ sĩ, báo chí ở chiến khu hay gọi ông bằng cái tên trìu mến: “Vương lão tổ”.

Có một đêm, nghe anh em trẻ kể chuyện tếu táo, nhà thơ già cầm lòng không đậu cũng tham gia: Vào dịp Tổng tiến công mùa xuân 1968, ông đi công tác với một đơn vị trinh sát quân giải phóng từ căn cứ xuống đồng bằng. Trong đoàn có một anh lính trẻ rất vui tính, ông quên tên, cứ gọi tên là X đi. Một bữa, tới vùng ranh, đoàn gặp một toán các cô dân tộc rất trẻ cõng đạn đang ngồi nghỉ. Đoàn cũng nghỉ lại gần đó. X vui vẻ đến bên các cô nói:

- Chà, bộ đội và dân công gặp nhau vui hỉ, cho bộ đội bắt cái tay các dân công để đoàn kết.

Các cô cười giòn và lần lượt đưa tay cho X bắt. Bắt tay xong, X lại nói:

- Đoàn kết cách này chưa thật chặt chẽ lắm. Bộ đội và dân công phải hôn nhau mới được.

Vừa nói, X vừa ôm đầu một cô trẻ măng, má đỏ hây hây, hôn hơi lâu, rồi hôn cô nữa, cô nữa, cô nữa…

Nhà thơ Vương đang mỉm cười nhìn họ sau đôi kính lão thì thấy một cô vừa vẫy mình, vừa nói:

- Chú cũng đến đây “đoàn kết” chớ.

Và Vương lão tổ kết luận câu chuyện rằng:

- Tất nhiên, mình cũng tranh thủ “đoàn kết” được mấy cái.

THANH QUẾ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện bây giờ mới kể…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO