Chuyến biển định mệnh

Phóng sự: HỮU PHÚC - QUANG VIỆT 09/11/2017 11:16

Những cơn bão quần thảo trên biển, càn quét vào đất liền rồi cũng tan nhưng nỗi đau vẫn quằn quại trong tâm can của các gia đình có người thân bị biển tước đi mạng sống. Trên bến cảng Kỳ Hà buổi sáng 8.11 nhuốm màu tang tóc khi thi thể 2 ngư dân được đưa về đất liền sau 9 ngày “lênh đênh” trên biển.

Đưa thi thể ngư dân xấu số về quê mai táng.
Đưa thi thể ngư dân xấu số về quê mai táng.

Từ tờ mờ sáng, mặc gió mưa tơi tả, người dân ở các làng chài Tân Phú, Phú Đông (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), các thôn Đông Mỹ, Đông Xuân (xã Tam Giang, Núi Thành) kéo về bến cảng Kỳ Hà khi nghe tin con tàu Trường Sa 18 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân sẽ đưa các ngư dân trở về đất liền. Trong số 36 lao động trên con tàu câu mực khơi mang số hiệu QNa-91739 vào bờ lần này chỉ có 34 người, 2 ngư dân còn lại cũng “trở về” nhưng sẽ yên nghỉ giữa lòng đất mẹ; con tàu mang tên “tàu 67” của họ sẽ tiếp tục lênh đênh giữa đại dương. Các cán bộ chiến sĩ nhanh chóng đưa 2 chiếc quan tài bàn giao cho gia đình, chính quyền địa phương lo hậu sự. Mưa vẫn rơi nặng hạt hòa với những giọt nước mắt khóc thương...

Chị Trần Thị Thanh Thúy đớn đau khi chứng kiến thi thể của chồng đưa vào đất liền.
Chị Trần Thị Thanh Thúy đớn đau khi chứng kiến thi thể của chồng đưa vào đất liền.

Trở về...

Chị Trần Thị Thanh Thúy - vợ ngư dân Lương Tấn Xị và con trai đứng nương sát vào nhau trong mịt mùng màn mưa. Thi thoảng, chị thất thần ngồi co ro một chỗ, ai nhìn cũng thương cảm. Ngỡ như đôi bàn chân của họ sắp khuỵ xuống khi lực lượng hải quân di chuyển quan tài mang thi thể của anh Xị từ tàu xuống cầu cảng. Chị nói trong nước mắt giàn giụa: “Anh đã bỏ mẹ con em mà đi. Từ đây em sẽ không còn đợi anh về sau mỗi chuyến biển kéo dài hàng tháng. Lúc còn sống anh nói phận nghề biển quá lênh đênh nhưng không thể bỏ biển, giờ biển đã mang anh đi mất rồi anh ơi!”. Mưa lẫn nước mắt làm khuôn mặt chị Thúy tím tái, bất lực nhưng chị bảo sẽ vì anh, thay anh nuôi dạy con trưởng thành và tiếp tục với nghiệp biển. Đứa con trai đầu lòng của anh chị hiện là thủy thủ, làm việc cho một doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy.

Ngư dân Huỳnh Văn Thảo (xã Tam Giang) thoát chết trở về khi trên cánh tay còn băng bó vết thương.
Ngư dân Huỳnh Văn Thảo (xã Tam Giang) thoát chết trở về khi trên cánh tay còn băng bó vết thương.

Gần 10 năm nay, khát vọng chinh phục biển cả luôn đeo bám vợ chồng chị Thúy. Biển thì bất an nhưng anh Xị - chị Thúy vẫn nuôi chí lớn. Từ năm 2016, khi Nhà nước khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn vươn khơi theo Nghị định 67 của Chính phủ, anh chị đã mạnh dạn vay ngân hàng hơn 5 tỷ đồng để sở hữu con tàu có mã lực 800CV - một trong những con tàu “khủng” ở Núi Thành hiện nay. Con tàu đã khai thác được 3 chuyến biển, đợt đánh bắt kéo dài gần 2 tháng này với hy vọng sẽ khép lại mùa biển trong năm, không ngờ đó là chuyến biển cuối cùng của ngư dân Lương Tấn Xị.

Nhìn chiếc quan tài di chuyển trong cơn mưa mịt mùng, tôi không muốn tin anh đã đi xa. Nhiều năm quen biết anh, tôi quý trọng bản tính hiền lành, chu đáo chăm sóc bạn câu của con người ăn sóng nói gió này. Nghề biển, có thời điểm khan hiếm nguồn lao động nhưng từ sự phóng khoáng, tốt bụng của anh, nhiều bạn câu ở vùng đông Tam Kỳ, kể cả huyện Thăng Bình lặn lội vào xã Tam Giang bám biển chung. “Nhiều năm đón tết giữa Trường Sa, anh chỉ trao đổi ngắn gọn với gia đình qua máy Icom tầm xa mà trong người thấy thiếu hụt, xa vắng như phần trách nhiệm anh chưa thực hiện trọn vẹn với vợ con. Nhiều khi anh muốn rút ngắn thời gian sản xuất ở mỗi chuyến biển xuống còn hàng chục ngày thay vì 2 - 3 tháng trời của nghề câu mực khơi để gần gia đình hơn. Rồi, mọi dự định đều dang dở, anh vẫn gắn bó với nghiệp câu mực khơi của mình cho đến khi không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa” - chị Thúy nghẹn ngào.

Ám ảnh biển khơi

Khoảng 6 giờ 31.10, tàu mang số hiệu QNa-91739 của ngư dân Lương Tấn Xị (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang) khi đang chạy gần sát đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa) để trú bão đã va đập vào ghềnh đá ngầm. Con tàu bị thủng và đắm chìm sau đó. Lần lượt các ngư dân được cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến cứu nạn thành công. Chủ tàu Lương Tấn Xị và ngư dân Nguyễn Ngọc Ban (thôn Phú Đông, xã Tam Phú) tử nạn. Cả hai đều được tìm thấy thi thể, riêng chủ tàu Lương Tấn Xị được tìm thấy trong ca bin tàu sau hơn một ngày đêm xảy ra sự cố. Sau sự cố, tàu Trường Sa 18 vượt sóng hơn 7 ngày qua, đưa các ngư dân về đất liền. Tất cả 34 ngư dân thoát nạn đều được chăm sóc chu đáo ở Trường Sa lẫn trên đường về.

Cầm chiếc bình hương bên quan tài, ngư dân Nguyễn Văn Công (em ruột nạn nhân Nguyễn Ngọc Ban, thuyền viên tử nạn cùng với chủ tàu Lương Tấn Xị) vẫn chưa hết hoàn hồn, kể lại: “Mọi việc đều xảy ra trong giây lát, không ai trở tay kịp. Tờ mờ sáng, khi tàu đâm vào tảng đá ngầm là lập tức nghiêng và chìm xuống biển. Theo bản năng sinh tồn, mọi người ai nấy đều nhảy xuống nước tìm cách bơi vào đảo. Nhưng sóng đập liên hồi, có người bị thương. Đến khi chiến sĩ hải quân đưa xuồng cứu nạn đến mới biết là mình thoát khỏi thần chết. Anh ruột tôi chết tại chỗ có lẽ do va đập mạnh vào be tàu”.

Tại buổi lễ bàn giao ngư dân bị nạn trên biển do Quân chủng Hải quân tổ chức tại cảng Kỳ Hà vào sáng 8.11, có nhiều cảm xúc đan xen. Đó là những giọt nước mắt đớn đau của người thân ngư dân xấu số Lương Tấn Xị và Nguyễn Ngọc Ban; và cả giọt nước mắt hạnh phúc của người vợ gặp chồng, con gặp cha sau chuyến biển định mệnh này. Ngư dân Nguyễn Văn Trinh (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) và người vợ khóc như mưa khi gặp nhau trong hội trường bàn giao ngư dân bị nạn trên biển. Trên đường về, vợ của Trinh liên tục lấy tay lau quẹt nước mắt trên khuôn mặt của chồng. Còn ngư dân Phan Bá Trường được người con trai cõng trên vai ra về, hân hoan mỉm cười như... một đứa trẻ. Trên cánh tay còn băng bó vết thương, ngư dân Huỳnh Văn Thảo (xã Tam Giang) ngồi lặng lẽ một góc ở hội trường chưa hết bàng hoàng, kể lại: “Bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh bởi sự cố chìm tàu. Sóng quá dữ, tôi bị mạn tàu đánh vào cánh tay tưởng chừng như gục ngã. Rất may có các cán bộ hải quân đến ứng cứu kịp thời”.

Trong cơn mưa xối xả lúc các cán bộ chiến sĩ của lực lượng hải quân và cảnh sát biển đưa quan tài của ngư dân Lương Tấn Xị và Nguyễn Ngọc Ban lên bờ, có sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng - người từ sáng sớm vẫn đứng đợi ở cảng biển của Vùng Cảnh sát biển 2 để chờ tàu Trường Sa 18 mang các ngư dân gặp nạn trở về. “Tàu câu mực khơi QNa-91739 là phương tiện đầu tiên của tỉnh được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Con tàu gặp nạn, giá trị vật chất mất đi quá nhỏ so với số phận của những ngư dân đã nằm xuống vì bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở ngư trường Trường Sa. Chỉ mong ngư dân và gia đình họ vượt qua nỗi đau quá lớn này” - ông Tùng nói. Lãnh đạo tỉnh cũng trực tiếp tặng quà động viên cho các ngư dân và gia đình ngư dân gặp nạn. Thượng úy Lê Văn Sửu - Chính trị viên tàu Trường Sa 18 nói: “Khi các ngư dân gặp nạn trên đường vào âu thuyền Song Tử Tây, lực lượng hải quân trên đảo đã không ngại hiểm nguy, điều ngay các phương tiện và vật dụng cứu hộ ra ứng cứu ngư dân. Nhiều người được tiếp sức đưa vào bờ. Nhưng do gió giật quá mạnh, ngư dân kiệt sức chìm xuống biển trước khi với lấy áo phao, thuyền thúng, vật nổi hay bàn tay của bất cứ chiến sĩ hải quân nào. Sự việc diễn ra quá nhanh và khốc liệt”.

Phóng sự: HỮU PHÚC - QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyến biển định mệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO