Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, những năm qua ngành giáo dục huyện Nam Giang luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, chăm lo và tạo điều kiện hỗ trợ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được đến trường học tập.
Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song ngành giáo dục huyện Nam Giang vẫn nỗ lực xây dựng nhiều chương trình hành động, tạo bước chuyển cả về chất lượng cũng như số lượng học sinh đến lớp. Theo ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang, bằng rất nhiều giải pháp cụ thể thông qua các mô hình bán trú, xã hội hóa giáo dục... hàng năm chất lượng đào tạo của các trường trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phổ cập giáo dục các cấp học.
Chú trọng chất lượng
Năm học 2014 - 2015, huyện Nam Giang có 24 trường học mầm non - mẫu giáo, tiểu học, THCS và Trung tâm GD-TX với 5.750 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành giáo dục huyện còn chú trọng đến công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo về đổi mới phương pháp dạy học, triển khai có hiệu quả chương trình đảm bảo chất lượng trường học; tham quan, học tập mô hình trường học kiểu mới đối với các trường được hưởng lợi từ dự án... Qua đó, từng bước đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi. Nhờ vậy, chất lượng đào tạo của địa phương trong những năm qua có nhiều nét nổi bật, mang lại hiệu quả tích cực trong việc dạy và học theo từng năm học.
Cùng với xây dựng cơ sở trường học, ngành giáo dục Nam Giang còn chăm lo cho học sinh DTTS. TRONG ẢNH: Bữa ăn của học sinh Trường THCS Đắc Pring - Đắc Pre. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đến nay, huyện Nam Giang có 9 trường học đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành đạt chuẩn các chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đảm bảo các điều kiện cơ sở dạy học ở địa phương miền núi với 100% trẻ em đều được đến trường. “Duy trì triển khai hiệu quả các chuyên đề về nâng cao chất lượng dinh dưỡng, giáo dục luật an toàn giao thông, phòng chống tai nạn thương tích trong trường mầm non; quan tâm giáo dục các hành vi đạo đức, kỹ năng sống hữu ích cho học sinh... là những nội dung quan trọng được triển khai thực hiện tại các trường trên địa bàn huyện. Trên cơ sở thực hiện lồng ghép, đánh giá nghiêm túc theo định kỳ, các chương trình hoạt động đã tạo được hiệu ứng lan tỏa, từng bước giúp nâng cao chất lượng công tác dạy và học của các trường trên địa bàn” - ông Bình nói.
Đi đôi với việc nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Nam Giang còn chú trọng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng trường học, đáp ứng với nhu cầu bức thiết của địa phương. Theo đó, năm 2014, Phòng GD-ĐT tham mưu UBND huyện đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 8 công trình trường học, nhà ăn, nhà ở học sinh bán trú tại các điểm trường Tiểu học và THCS xã Tà Pơơ, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học liên xã La Dêê - Đắc Tôi với tổng vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, từ ngân sách được tỉnh bổ sung năm 2014, địa phương cũng đã đầu tư 7 công trình vệ sinh tại các cơ sở trường học, cùng các công trình nhà đa năng Trường THCS Thạnh Mỹ; san ủi mặt bằng Trường Tiểu học Thạnh Mỹ; mua sắm tập trung các trang thiết bị phục vụ dạy học;... với mức vốn trên 12 tỷ đồng.
Bồi đắp văn hóa ngôn ngữ
Ngoài việc thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ ưu tiên cho học sinh đồng bào DTTS, hàng năm ngành giáo dục huyện Nam Giang còn làm tốt công tác tiếp nhận, bàn giao và cấp phát hơn 18 nghìn tập vở miễn phí cho 2.052 học sinh tiểu học thuộc các thôn, xã đặc biệt khó khăn theo quyết định của Ban Dân tộc tỉnh. Những năm qua, địa phương chú trọng thực hiện có hiệu quả việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước tuổi đến trường, cũng như tăng cường bổ trợ tiếng Việt cho học sinh DTTS ở cấp mầm non và tiểu học. Hàng năm, thông qua các hội thi “Tiếng Việt của chúng em”, đã tạo cơ hội giúp các em làm quen, xây dựng được nền tảng vốn từ, từng bước nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt cho các em học sinh DTTS. “Để công tác giảng dạy cho con em đồng bào DTTS đạt hiệu quả chất lượng, bên cạnh việc tăng cường giáo viên ở miền xuôi, chúng tôi cũng quan tâm tuyển dụng và bố trí sinh viên người DTTS tốt nghiệp ngành sư phạm công tác tại các điểm trường vùng cao. Bởi chính đội ngũ này, ngoài truyền đạt bằng tiếng phổ thông, còn có khả năng giao tiếp và hỗ trợ cho con em đồng bào mình trong việc tiếp nhận kiến thức, nội dung bài học bằng tiếng mẹ đẻ. Đến nay, toàn huyện có 171 giáo viên là người DTTS, chiếm tỷ lệ 43,7% so với tổng biên chế viên chức sự nghiệp giáo dục của địa phương” - ông Bình cho biết thêm.
Không chỉ giáo dục kiến thức phổ thông, ngành giáo dục huyện Nam Giang còn quan tâm đến công tác giáo dục nhận thức về văn hóa truyền thống cho học sinh đồng bào DTTS. Thông qua các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống, thành lập đội cồng chiêng nhí... việc dựng gươl trong trường học tại các điểm trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS cụm xã Zuôih - Chà Vàl và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học liên xã La Dêê - Đắc Tôi cũng góp phần giáo dục cho các em biết trân trọng và tự hào về bản sắc truyền thống của dân tộc mình, cùng nhau ra sức giữ gìn giá trị văn hóa độc đáo trong tương lai. Đến thời điểm này, ngành giáo dục huyện Nam Giang đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện, sẵn sàng cho năm học mới 2015 - 2016. Theo đó, ngoài thực hiện việc cấp miễn phí vở cho học sinh ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn theo quyết định của Ban Dân tộc tỉnh, Phòng GD-ĐT huyện cũng đã phân công giáo viên, vận động học sinh trở lại trường chuẩn bị năm học mới.
ALĂNG NGƯỚC