Những năm tới, Quảng Nam sẽ nỗ lực triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp để hoàn thành nhiều mục tiêu lớn trong thực hiện chương trình nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025 có 80% số xã tham gia xây dựng mô hình được công nhận đạt chuẩn NTM.
Mục tiêu lớn
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh, hiện nay Quảng Nam có tổng cộng 194 xã tham gia thực hiện mô hình NTM. Đến cuối năm 2021, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh là 16,43 tiêu chí/xã; có 118 xã đạt chuẩn NTM; có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 204 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và thôn NTM; có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: Phú Ninh, Điện Bàn, Tam Kỳ và Duy Xuyên (đã hoàn tất các thủ tục, chờ quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ).
Ông Nguyễn Anh Tài - Phó Trưởng phòng Kế hoạch & nghiệp vụ thuộc Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, mục tiêu Quảng Nam đặt ra phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 155 xã/194 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 80%.
Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh là hơn 17,5 tiêu chí/xã (trong đó khu vực miền núi cao bình quân 15,5 tiêu chí/xã, khu vực miền núi thấp bình quân 18,5 tiêu chí/xã, khu vực đồng bằng 19 tiêu chí/xã); không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.
Theo ông Tài, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh đạt 40,5 triệu đồng và phấn đấu đến năm 2025 tăng ít nhất 1,5 lần. Cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Nam là 5,23% và phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm còn 2,87% theo chuẩn nghèo mới, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%.
“Ngoài mục tiêu lớn nêu trên, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu khuyến khích là phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 40%; có ít nhất 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 10%. Từ nay đến năm 2025, cố gắng có thêm 3 - 4 huyện đạt chuẩn NTM” - ông Tài nói.
Đồng bộ giải pháp
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, những năm đến ngành liên quan và chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể là rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn, đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị; phát triển các khu dân cư mới theo cơ chế phát triển quỹ đất tạo cơ sở hạ tầng và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã gắn với quy hoạch phát triển đô thị.
Bổ sung quy hoạch sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn, từ đó chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng.
Toàn tỉnh cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn. Đáng chú ý, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân phải theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó cần khai thác tốt lợi thế của từng vùng, miền. Nỗ lực thu hút đầu tư, phát triển mạnh mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân...
Nhiều ý kiến cho rằng, cần quan tâm phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương.
Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, hàng hóa nông sản có chứng nhận VietGAP, hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn khác. Triển khai thực hiện sâu rộng chương trình OCOP theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình hợp tác xã...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, những năm tới cần tiếp tục xây dựng NTM trở thành một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, đáp ứng các mục tiêu của phát triển bền vững.
Theo đó, các cấp, ngành phải tổ chức thực hiện đầy đủ 11 nội dung thành phần trong chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định tại Quyết định số 263 (ngày 22.2.2022) của Thủ tướng Chính phủ và các đề án, chương trình chuyên đề do trung ương ban hành để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ.
“Việc thực hiện mô hình NTM nhất thiết phải gắn kết chặt chẽ với 2 chương trình mục tiêu quốc gia khác là giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm thúc đẩy nông thôn phát triển” - ông Tuấn lưu ý.