Ngày mai 22.3, tại Cụm công nghiệp Trường Xuân (TP.Tam Kỳ), UBND tỉnh tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) - phòng chống cháy nổ (PCCN) lần thứ XV. Với chủ đề “Tăng cường văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”, hy vọng hoạt động này sẽ khơi dậy trách nhiệm của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người lao động trong việc đảm bảo ATVSLĐ-PCCN.
Công tác phối hợp thanh tra ATVSLĐ-PCCN thường xuyên được thực hiện.Ảnh: D.LỆ |
Phối hợp nhiều mặt
Văn hóa an toàn lao động (ATLĐ) là cụm từ được liên tục nhắc đến trong những năm qua và tiếp tục được khẳng định cần tăng cường thực hiện. Theo đó, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo hộ lao động đã và đang được các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp thực hiện xuyên suốt thời gian qua. Mỗi đợt huấn luyện ATVSLĐ, các ngành LĐ-TB&XH, Y tế dự phòng, Liên đoàn Lao động, Công an đều cùng nhau thực hiện nhằm nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn lao động (LĐ), bệnh nghề nghiệp cho người LĐ trong quá trình sản xuất. Việc đảm bảo an toàn, vệ sinh của thiết bị máy móc, nhà xưởng; việc chấp hành tốt các quy định về chế độ bảo hộ, nội quy LĐ, tiêu chuẩn an toàn PCCN sẽ phục vụ tốt hơn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Võ Duy Thông - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Trong điều kiện khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm LĐ nên dễ dẫn đến chủ quan, xem nhẹ các điều kiện đảm bảo ATVSLĐ-PCCN. Vì tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác này, chúng tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị, các chủ sử dụng LĐ và người LĐ không ngừng phát huy ý thức trách nhiệm và tuân thủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN”. Theo ông Thông, mỗi đơn vị, DN xây dựng kế hoạch thực hiện thật cụ thể, coi trọng đầu tư cho công tác này trên quan điểm góp phần bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt chiến lược con người. Đặc biệt, cần đầu tư thỏa đáng cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; gắn bảo hộ LĐ với điều kiện của mỗi đơn vị, doanh nghiệp.
Chuyển biến tích cực
Các cơ quan chức năng tham gia vào việc kiểm tra, thanh tra đã phát hiện kịp thời thiếu sót, giúp doanh nghiệp khắc phục, tránh để xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Người LĐ và chủ sử dụng LĐ thường xuyên được các cơ quan chức năng hướng dẫn huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN, nhất là những người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Ông Phạm Vui - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường sẽ giúp chủ doanh nghiệp vừa giữ chân người LĐ vừa ngăn ngừa được tai nạn LĐ và bệnh nghề nghiệp. Chúng tôi cũng thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá điều kiện LĐ, môi trường LĐ, kịp thời đề ra biện pháp khắc phục các yếu tố có nguy cơ gây tai nạn LĐ. Điều đó giúp ích cho doanh nghiệp rất nhiều”.
Năm 2012, Phòng Cảnh sát PCCC & cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tổ chức 32 lượt tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC cho 1.871 cán bộ, công nhân viên các cơ quan, đơn vị, thành viên đội PCCC các cơ sở và 9 lượt lưu động cho nhân dân các khu dân cư, bà con tiểu thương các chợ, trung tâm thương mại. Đơn vị cũng đã tổ chức 41 lượt huấn luyện nghiệp vụ, xây dựng mới 16 đội PCCC cơ sở với 188 đội viên... Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt huấn luyện nghiệp vụ về bảo hộ LĐ, ATVSLĐ cho hàng nghìn cán bộ, người LĐ và chủ sử dụng LĐ. Trong đó, 2.521 người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ đã được huấn luyện và cấp thẻ ATLĐ. |
Trách nhiệm xây dựng văn hóa ATLĐ được mỗi doanh nghiệp vận dụng vào thực tế sản xuất theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều hướng đến xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người LĐ. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí xây dựng các công trình cải thiện điều kiện làm việc như cảnh quan xanh - sạch - đẹp, nhà ăn, căng tin thoáng mát, sạch sẽ, nhà xưởng làm việc có không khí trong lành. Mỗi năm, các doanh nghiệp đều tổ chức tự huấn luyện về ATVSLĐ cho người LĐ hoặc mời cơ quan chức năng đến huấn luyện. Có thể kể đến như Công ty TNHH liên doanh May Như Thành, Công ty TNHH Sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Tam Kỳ, Công ty CP Prime Đại Lộc...
Nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo ATVSLĐ-PCCN theo đúng quy định được doanh nghiệp xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều doanh nghiệp đã phân định rõ trách nhiệm về bảo hộ lao động cho từng cấp quản lý, theo từng chức danh công việc, thậm chí có cả cán bộ chuyên trách về công tác này; thành lập mạng lưới an toàn - vệ sinh viên. Nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt nội dung này như Công ty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam, Công ty CP Gạch gốm Kiểm Lâm, Công ty CP A Vương, Công ty CP Pepsico Việt Nam tại Quảng Nam... Ở nhiều công ty đã quan tâm thành lập đội phòng cháy chữa cháy (PCCC) cơ sở, đầu tư hệ thống PCCN đạt yêu cầu; kiểm định định kỳ những máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng bằng hiện vật, chăm sóc sức khỏe cho người LĐ, chấp hành đúng thời giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, chế độ đối với LĐ nữ... được DN quan tâm thực hiện đảm bảo.
DIỄM LỆ