Chuyển biến tích cực từ đổi mới giáo dục - đào tạo

XUÂN PHÚ 21/04/2017 09:01

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 4.11.2013) của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, sự nghiệp trồng người đất Quảng đã chuyển biến tích cực theo tinh thần đổi mới.

Vào cuộc mạnh mẽ

Sau khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 28 (25.4.2014) thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đều tích cực triển khai. Theo báo cáo của Tỉnh ủy tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7 (khóa XXI) vừa qua, việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Chương trình 28 trên địa bàn tỉnh cơ bản kịp thời, nghiêm túc, giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ và người dân nhận thức được sự cần thiết, nội dung, yêu cầu, vấn đề cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đáng chú ý, cả tỉnh đã ban hành hơn 90 văn bản chỉ đạo, quản lý thực hiện Nghị quyết 29 và Chương trình 28, trong đó 6 nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy; 11 nghị quyết của HĐND tỉnh; 16 quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh; 12 kế hoạch của Sở GD-ĐT; 44 văn bản chỉ đạo, quản lý cấp huyện, thị xã, thành phố cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn tỉnh đối với công cuộc đổi mới GD-ĐT.

Học sinh lớp 12 tặng hoa chúc mừng học sinh lớp 10 vừa trúng tuyển vào trường tại lễ khai giảng năm học mới của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: XUÂN PHÚ
Học sinh lớp 12 tặng hoa chúc mừng học sinh lớp 10 vừa trúng tuyển vào trường tại lễ khai giảng năm học mới của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: XUÂN PHÚ

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 29 và Chương trình 28, cả tỉnh đã tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Năm 2015, tỉnh được Bộ GD-ĐT kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi. Đối với giáo dục phổ thông, toàn ngành thực hiện nghiêm túc việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học để chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; thực hiện phân luồng sau THCS; giữ vững và phát triển kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS một cách vững chắc. Các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, có thể bố trí dạy học 2 buổi/ngày, ưu tiên cho các hoạt động phụ đạo học sinh (HS) yếu, kém, bồi dưỡng HS giỏi; tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo phù hợp với đối tượng HS.

Thời gian qua, ngành cũng đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ GD-ĐT về công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả; chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế giáo án, sử dụng thiết bị dạy học, tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp giúp HS tích cực hoạt động, tích lũy kiến thức, hình thành kỹ năng và thái độ cho các em. Thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS trung học theo hướng đánh giá năng lực người học ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, bảo đảm phân hóa trình độ HS. Nội dung kiểm tra bám sát chuẩn kiến thức - kỹ năng, phân phối chương trình. Từng bước xây dựng và đưa vào sử dụng một cách có hiệu quả ngân hàng đề kiểm tra tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh dựa trên cơ sở tài liệu, sách giáo khoa, khung chương trình. Thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh vào lớp 10, những năm qua các trường THPT tuyển sinh theo phân tuyến. Trong khi đó, từ năm học 2015 - 2016, thi vào lớp 10 hai trường THPT chuyên của tỉnh cũng thay đổi theo hướng HS được đăng ký 2 nguyện vọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em trúng tuyển, vừa nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường THPT chuyên.

Tiếp tục đổi mới có hiệu quả

Sau 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được, việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung phân cấp quản lý giáo dục theo Nghị định số 115 trên địa bàn huyện, thị, thành phố có khác nhau. Một số phòng GD-ĐT chưa phát huy tốt vai trò trong việc chủ trì xây dựng, tổng hợp kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục của các cơ sở giáo dục trực thuộc nên còn bị động trong công tác tổ chức, cán bộ, ảnh hưởng đến hoạt động tự chủ, nhất là tự chủ về biên chế của các trường. Kết quả phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS đi học nghề còn thấp và gặp nhiều khó khăn. Chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có điểm chưa thỏa đáng, bất hợp lý. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đang gặp phải khó khăn trước yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, nhận xét, đánh giá HS. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy chưa đồng bộ. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học của nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu thốn, bất cập, nhất là ở các huyện miền núi. Công tác xây dựng trường chuẩn còn khó khăn về nguồn kinh phí.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 trong thời gian tới, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7 (khóa XXI) vừa qua đã tập trung thảo luận các mục tiêu, giải pháp và thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Tỉnh ủy xác định phát triển giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững và được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học. Đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD-ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả bậc học, ngành học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Về phía ngành GD-ĐT, theo ông Hà Thanh Quốc, hiện nay ngành tập trung xây dựng đề án phát triển giáo dục miền núi của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 nhằm bố trí lại hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và THPT theo hướng đảm bảo cho HS người dân tộc thiểu số đi học thuận lợi; đề án tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới. Ngành cũng đang nghiên cứu giảm chỉ tiêu tuyển sinh THPT, tăng chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS đi học nghề; có chương trình định hướng nghề nghiệp cho HS THCS, THPT gắn với thị trường lao động, đặc biệt ở khu vực miền núi.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển biến tích cực từ đổi mới giáo dục - đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO