Sau nhiều năm thực hiện Luật BĐG, nhất là những chủ trương, chính sách cụ thể của tỉnh trong năm 2012 vừa qua, công tác BĐG đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Phụ nữ ngày càng được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ làm đẹp, vui chơi, giải trí.Ảnh: H.TÂN |
Xác định BĐG là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển, riêng năm 2012, Quảng Nam đã có nhiều chính sách cụ thể về lĩnh vực này. Nhờ đó, vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tỷ lệ trẻ em gái bỏ học giữa chừng giảm 0,66%, học sinh nữ tốt nghiệp các bậc học đạt tỷ lệ 95,5%. Đối với vùng sâu vùng xa, 90% trẻ em gái độ tuổi vào lớp 1 được đi học, duy trì và nâng cao tỷ lệ phổ cập đúng độ tuổi, đạt chuẩn chống mù chữ và tái mù chữ cho trẻ em gái và phụ nữ (từ 15 đến 40 tuổi). Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đề bạt cán bộ nữ, cán bộ nữ tham gia học tập chính trị và chuyên môn ngày càng có xu hướng tăng dần.
Trên lĩnh vực lao động - việc làm, nhiều hoạt động làm giảm khoảng cách giới đã được thực hiện thông qua việc tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ và phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ra đời, tạo việc làm, tăng thu nhập. Trong đó, hoạt động hỗ trợ vốn vay phát triển hộ gia đình với hơn 151 tỷ đồng cho hơn 5.000 nghìn hộ phụ nữ làm chủ hộ vay. Các cơ quan chức năng cũng phối hợp đào tạo nghề cho hơn 5.000 lao động nữ, với 126 lớp. Tổng số lao động được tạo việc làm trong năm qua đạt hơn 38 nghìn lao động, trong đó lao động nữ đạt 47,5%.
Năm 2013, UBND tỉnh dành nguồn kinh phí hơn 2 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 1 tỷ đồng) để thực hiện cho công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG; các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG; hoạt động nâng cao năng lực cho nữ đại biểu HĐND các cấp, nữ lãnh đạo quản lý các cấp; hỗ trợ thực hiện BĐG trong lĩnh vực, ngành, địa phương có bất BĐG, cùng nhiều hoạt động khác... |
Trên lĩnh vực y tế cũng đã có nhiều dự án tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, tỷ lệ phá thai. Phụ nữ vùng sâu, vùng xa được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng nhiều hơn. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận với các dịch vụ y tế đạt 99,89% Đặc biệt, tỷ lệ mất cân bằng giới tính đã được khống chế ở mức 114 bé trai/100 bé gái.
BĐG trong đời sống gia đình ngày càng rõ nét, có nhiều nam giới chia sẻ việc nhà với phụ nữ, các vụ bạo lực gia đình giảm dần. Tình trạng “bình quyền” trong gia đình cũng ngày càng rõ nét. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về BĐG và phòng chống bạo lực gia đình đã được các cấp, các ngành và từng địa phương tuyên truyền dưới nhiều hình thức, cách tiếp nhận của người dân cũng dễ dàng và hiệu quả...
Bà Đặng Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh cho biết: “Thường thì chị em phụ nữ mất rất nhiều thời gian cho việc mang thai, nghỉ thai sản, chăm sóc con nhỏ và gia đình. Điều này ảnh hưởng đến việc học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ để thăng tiến. Đặc biệt là vấn đề định kiến giới trong nhận thức, thái độ và cách đánh giá thiên lệch về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nữ so với nam giới đã gây áp lực lớn cho phụ nữ. Đây là một trong những rào cản lớn trong việc đưa Luật BĐG đi vào cuộc sống và cần thời gian dài”.
Còn theo bà Trần Thị Lại - chuyên viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, hiện nay, trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và gia đình vẫn còn khoảng cách nhất định giữa nam giới và phụ nữ. Điều này làm hạn chế cơ hội cũng như khả năng tiếp cận của phụ nữ. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc thực hiện Luật BĐG chưa được hiệu quả như mong muốn.
Hoàng Tân